09:08, 12/10/2012
Hàn Quốc sẽ triển khai những biện pháp cứng rắn truy bắt lao động Việt Nam bỏ trốn. Những gia đình có con em đang bỏ trốn tại Hàn Quốc cần vận động, thuyết phục họ trở về…
Tháng 8 vừa qua, phía Hàn Quốc đã không gia hạn thỏa thuận tiếp nhận lao động Việt Nam tới làm việc vì tỷ lệ lao động bỏ trốn không thuyên giảm mà có xu hướng tăng.
Hiện Hàn Quốc đang có 15.000 lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc. Nếu không có biện pháp hiệu quả, số lượng lao động bỏ trốn sẽ tiếp tục tăng vì có 17.000 lao động tại Hàn Quốc sẽ hết hạn hợp đồng trong năm nay. Hậu quả là đã ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục nghìn lao động trong nước đang chờ đợi cơ hội xuất khẩu lao động từ hơn 1 năm qua.
Theo số liệu của phía Hàn Quốc, hiện chỉ có những học viên được hướng dẫn làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc được gọi là những lao động trung thành bởi họ đã thực hiện đúng hợp đồng, không chuyển chủ sử dụng lao động, về nước đúng hạn và thưởng cho sự nghiêm túc của họ là được ký hợp đồng trở lại làm việc tại Hàn Quốc. Nhưng chỉ có khoảng 200 người đảm bảo tiêu chuẩn, số lượng này không đáng kể so với gần 15.000 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng, bỏ trốn tại Hàn Quốc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phía Hàn Quốc đã không gia hạn thỏa thuận tiếp nhận lao động Việt Nam.
Trước tình hình này, ông Choi Byung Gie, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định: “Thỏa thuận đã hết hạn từ tháng 8 năm nay, lý do là lao động Việt Nam bỏ trốn quá nhiều, những lao động mới không có cơ hội sang Hàn Quốc và kỳ thi tiếng Hàn sẽ không được tổ chức. Nếu tỷ lệ bỏ trốn không giảm xuống thì việc ký tiếp thỏa thuận là rất khó”.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TBXH khuyến cáo: “Đến thời điểm hiện nay phía Hàn Quốc mới tiếp nhận một số lượng nhỏ lao động, số còn lại khá lớn, chúng tôi khuyên người lao động không nên tin vào các nguồn thông tin cho rằng có thể đi Hàn Quốc vào lúc này, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp kêu gọi người lao động bỏ trốn về nước và tiếp tục đàm phán để sớm nhất có thể gia hạn thỏa thuận đưa lao động sang Hàn Quốc”.
Trong tháng 10 và tháng 11, Hàn Quốc sẽ triển khai những biện pháp cứng rắn truy bắt lao động bỏ trốn. Những gia đình có con em bỏ trốn tại Hàn Quốc cần vận động, thuyết phục họ trở về. Tự nguyện hồi hương hay bị bắt giam, phạt hàng trăm triệu đồng theo Luật Hàn Quốc là vấn đề đặt ra với các lao động Việt Nam đang bỏ trốn.
Nếu chính quyền các địa phương có người bỏ trốn và ngành lao động không có biện pháp hữu hiệu thì nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc - thị trường đem lại 600 triệu USD mỗi năm sẽ trở thành hiện thực khi chưa biết đến bao giờ, phía Hàn Quốc chấp nhập gia hạn thỏa thuận đưa lao động Việt Nam sang làm việc.
Ý kiến bạn đọc