Cơm 5.000 đồng cho người nghèo Hà Nội

10:49, 30/10/2012

Hà Nội trở lạnh và mưa rả rích, nhưng những tình nguyện viên áo vàng với chiếc tạp dề quen thuộc vẫn xuất hiện đúng giờ.


Hai tháng nay, đã thành thông lệ, cứ đến trưa chủ nhật là những người bán hàng rong, xe ôm, phụ hồ lại đến khu vực cầu Mai Động (Q.Hai Bà Trưng) để mua những suất cơm 5.000 đồng của các bạn trong CLB Tình nguyện trẻ. Điểm bán cơm một tuần chỉ mở ngày chủ nhật, bán 70 suất.

Cơm dành cho người nghèo được trao tận tình, chu đáo. Suất ăn giá thành 18.000 đồng được bán với giá 5.000 đồng - Ảnh: VŨ BÌNH ĐÔNG
Thực đơn hôm nay gồm có thịt rang, đậu rán tẩm hành, rau xào, lạc rang, canh rau cải thịt. Để có được bữa cơm ngon lành ấy, các bạn trong câu lạc bộ đã phải thức dậy từ 5g sáng, đi chợ đầu mối Lĩnh Nam mua thực phẩm và lo chuyện bếp núc. Đúng 11g, những thùng cơm nóng sốt được chở đến điểm bán. Những người bán hàng rong, xe ôm, phụ hồ... đã đợi sẵn, xếp hàng mua vé. Bữa ăn hôm nay có thêm quả chuối. Các bạn trong nhóm cho biết hoa quả thi thoảng mới có bởi túi tiền của CLB eo hẹp.

Cô Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã ăn cơm ở đây hai lần. Cô bán bánh đa kê (bánh tráng phết bột kê, một loại hạt giống mè-vừng, phổ biến ở phía Bắc) dạo ở khu vực cầu Vĩnh Tuy, Mai Động. Cẩn thận cất suất cơm vào túi, cô lau mồ hôi trên trán khẽ nói: “Cô ở trọ xa lắm, hôm nào cũng phải dậy từ 4g sáng, đạp xe lên đây bán hàng. Kiếm được đồng tiền khó lắm nên phải tiết kiệm cháu ạ. Cơm của các cháu nấu ngon, nói thật là nếu cho hai suất thì cô ăn cũng hết, nhưng thế này là quý lắm rồi, còn phần người khác nữa. Còn ngày thường bán hàng cả buổi, đến trưa cô mới dám ăn chiếc bánh mì cho qua bữa. Hôm nào sang lắm thì đạp xe lên Ngã Tư Sở ăn một suất cơm 12.000 đồng, chỉ có rau và đậu thôi, nhưng người ta thấy mình không có tiền cũng chẳng muốn tiếp”.

Anh Bùi Quang Long (28 tuổi, công tác tại Trường Đội Lê Duẩn), phụ trách chương trình, cho biết khó khăn lớn nhất của đội hiện nay là mặt bằng nấu nướng và chi phí để duy trì hoạt động. Hiện nay công việc nấu nướng, đóng hộp các suất ăn đều được thực hiện ở nhà riêng của anh Long trên phố Minh Khai.

Để có được một suất ăn 5.000 đồng như thế này, nhóm phải bỏ ra 18.000 đồng. Chi phí chủ yếu do Long và gia đình bỏ ra, cộng với đóng góp của các bạn trong câu lạc bộ. Gần đây, những người quen biết chuyện đã đóng góp một số dụng cụ nhà bếp và vài triệu đồng tiền mặt cho chương trình. Đặc biệt, từ lần thứ bảy, toàn bộ rau quả được tài trợ từ dự án rau sạch Vì cộng đồng Hà Nội. Dự án rau sạch này cũng do các bạn trẻ Hà Nội tình nguyện làm, trồng rau để giúp người nghèo.

Những người làm chương trình còn nhớ mãi hình ảnh một bác xe ôm đi ngang qua, biết chuyện đã vào ủng hộ 200.000 đồng rồi đi ngay. Hoặc như hôm nay, trong lúc chồng và con trai đang đứng chờ đèn đỏ, một chị hơn 30 tuổi vội vã chạy lên vỉa hè, dúi vào tay người phụ trách 500.000 đồng, không để lại tên tuổi, chỉ nói thật nhanh: “Chị ủng hộ cô bác lao động thôi mà, các em cố gắng duy trì bữa ăn này nhé!”.

Sở dĩ nhóm chọn cầu Mai Động để đặt “tiệm cơm” vì khu vực này tập trung nhiều lao động nghèo. Đó là những người bán hàng rong, chạy xe ôm, bốc vác và cả những người đứng cả buổi ở “chợ người” mà chẳng có ai thuê. Anh Long chia sẻ: “Thu nhập thấp, bấp bênh, bữa ăn của họ tằn tiện và thiếu thốn nhiều lắm. Chúng tôi chỉ muốn làm chút gì đó để các cô, các chú bác thấy rằng mình được quan tâm, chia sẻ một phần khó khăn trong cuộc sống. Trăn trở lớn nhất của nhóm là làm sao duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn, còn chuyện tăng suất ăn và mở rộng địa điểm bán hàng thì chưa dám tính đến”.


tienphong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khẩn trương tìm kiếm 23 người mất tích do bão số 8
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương tìm kiếm người bị mất tích do bão số 8.
30/10/2012
Đoàn giúp thanh niên nông thôn làm giàu
Nhờ Đoàn giúp vay vốn, dạy nghề, nhiều thanh niên (TN) nông thôn thoát nghèo, vươn lên lập nghiệp và làm giàu.
29/10/2012
Làm thế nào để thoát khỏi ngôi nhà bị cháy?
HGĐT- Mỗi năm, có hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy sau những vụ cháy. Tuy nhiên, nhiều người đã bị chết trong các vụ cháy ấy đáng lẽ ra đã có thể sống sót và thoát khỏi đám cháy an toàn nếu họ có sẵn kế hoạch đối phó với đám cháy.
26/10/2012
Chủ động PCCC rừng trong mùa khô hanh
HGĐT - Hàng năm vào mùa khô hanh, nạn cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra ở hầu hết các huyện trong tỉnh; nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp tích cực trong công tác PCCCR và đã huy động hàng nghìn lượt người tham gia chữa cháy. Những cố gắng đó đã hạn chế được một phần nạn cháy rừng, nhưng vẫn chưa tạo ra cơ sở vững chắc nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nạn cháy rừng hàng
26/10/2012