Chung tay xây dựng quê hương
Tối nay 15.10, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam sẽ tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng Khi Tổ quốc cần cho đội, nhóm trưởng thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu năm 2012.
Giúp hàng chục thanh niên có việc làm và gắn bó với mảnh đất quê hương, họ đã được T.Ư Hội LHTN Việt Nam tuyên dương và tặng giải thưởng Khi Tổ quốc cần cho đội, nhóm thanh niên làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2012.
Cử nhân về quê lái máy cày
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Hồng Tiến (H.Khoái Châu, Hưng Yên), anh Đỗ Văn Hùng từng học qua trường trung cấp điện và tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp, ĐH Nông nghiệp. Nhận bằng cử nhân, Hùng lặng lẽ về quê bởi nặng lòng với nghề làm nông.
|
Hùng cho biết, cả xã vẫn còn hơn 400 ha đất nông nghiệp nhưng thanh niên không còn mặn mà với công việc chân lấm tay bùn. Vào mùa vụ, Hồng Tiến thiếu lao động trẻ, trong khi một vài hộ có máy nông cụ lợi dụng nhu cầu của người dân nâng giá dịch vụ. Sau thời gian tìm hiểu, Hùng đã thuyết phục bạn bè cùng vay vốn mua máy nông cụ làm dịch vụ.
|
Giữa tháng 10.2010, tổ dịch vụ vận tải máy kéo cày bừa ra đời với 9 thành viên chủ yếu là bí thư chi đoàn ở các thôn, xóm. Cả nhóm huy động gần 400 triệu đồng đầu tư mua 4 máy cày bừa công suất lớn. Giá dịch vụ cày bừa đưa đến người dân chỉ từ 50.000 - 65.000 đồng/sào, rẻ hơn so với tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ này trong xã thế nên người nông dân tìm đến đăng ký mỗi ngày một nhiều. Vụ đầu tiên, cả nhóm thắng lớn khi nhận cày bừa hơn 300 mẫu ruộng với doanh thu hơn 200 triệu đồng. Gần hai năm ra đời, tổ dịch vụ do Hùng khởi xướng được bà con nhân dân tín nhiệm, chính quyền địa phương đặc biệt ủng hộ. Hiện tại, hàng trăm hộ nông dân trong xã ký hợp đồng sử dụng lâu dài dịch vụ cày, bừa của tổ dịch vụ thanh niên quản lý. Vào mùa vụ, Hùng và các thành viên trong tổ thay nhau lái máy cày bừa, làm cả ngày đêm không hết việc. Có tháng cao điểm, mỗi thành viên thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.
Thành công trong cung cấp dịch vụ cày bừa, Hùng đầu tư thêm máy móc cơ giới hóa hoạt động nông nghiệp tại xã nhà bằng cách dùng tiền lãi mua thêm máy làm đất, máy múc đất, ký hợp đồng nạo vét công trình thủy lợi. Những tháng nhàn rỗi, đầu máy kéo, máy cày lại gỡ ra phục vụ việc thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Nhờ sự năng động, nhạy bén của Đỗ Văn Hùng nên tổ dịch vụ vận tải và máy cày bừa luôn có nguồn việc làm dồi dào quanh năm, góp phần thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã.
Doanh nhân mê múa lân sư rồng
Nằm trong số thanh niên nhận giải thưởng Khi Tổ quốc cần năm nay, Đặng Văn Thịnh, sinh năm 1980, Giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải Phú Thịnh, là tấm gương điển hình vượt khó làm giàu tại xã Hợp Thành, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Thịnh sinh ra trong gia đình làm nông khó khăn. Học hết trung học cơ sở, Thịnh vào đời bằng nghề thu mua sắt vụn phế liệu, rồi tích góp, vay vốn mua máy hút cát, bán vật liệu xây dựng, tiếp theo là vận tải hành khách, cho thuê máy móc san lấp mặt bằng.
Từ hai bàn tay trắng, Thịnh đã giúp 20 thanh niên có việc làm với mức lương từ 3,5-4,5 triệu đồng. Ngoài thời gian kinh doanh, Thịnh đam mê nghệ thuật múa lân sư rồng. Nhận thấy trên địa bàn xã chưa có nhiều điểm vui chơi lành mạnh, Thịnh dùng chính màn múa lân sư rồng của mình để thuyết phục, động viên nhiều bạn trẻ học, tạo sân chơi bổ ích tránh xa tệ nạn xã hội. Cho đến giờ, đoàn múa lân sư rồng Bắc Lân Đường do Thịnh làm trưởng đoàn đã thu hút gần 40 thanh niên trong chi đoàn 8 xã Hợp Thành luyện tập sinh hoạt. Để duy trì hoạt động, Thịnh tìm kiếm các chương trình, sự kiện để ký hợp đồng biểu diễn, nay Bắc Lân Đường đã tạo ra việc làm thời vụ cho gần 40 thành viên.
Doanh thu từ công việc kinh doanh xấp xỉ 2 tỉ đồng mỗi năm, Đặng Văn Thịnh luôn dành hàng trăm triệu đồng tài trợ, hỗ trợ các chương trình sinh hoạt hè của thiếu nhi trong xã, ủng hộ quỹ từ nhiện, nhân đạo hay hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây nhất, doanh nghiệp vận tải do Thịnh điều hành đã có thêm chính sách hỗ trợ khách hàng đi xe công ty trên lộ trình từ H.Thủy Nguyên (Hải Phòng) - Hà Nội và ngược lại. Theo đó, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách đi lại học tập và khám bệnh trên tuyến đường này đều được công ty hỗ trợ giảm một nửa tiền vé.
Ý kiến bạn đọc