“5 cùng” trong xây dựng “Cánh đồng mẫu đậu tương” ở Hoàng Su Phì
HGĐT - Xác định cây đậu tương là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì luôn quan tâm chỉ đạo bà con mở rộng diện tích, cải tạo bộ giống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào gieo trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Nổi bật, trong vụ Hè - thu năm nay, lần đầu tiên huyện thực hiện chương trình xây dựng “cánh đồng mẫu đậu tương” với phương thức thực hiện “5 cùng” đã đạt kết quả tốt, mang lại ý nghĩa to lớn.
Do phù hợp với điều kiện thổ những, khí hậu nên nhiều năm nay cây đậu tương sinh trưởng, phát triển tốt trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Cùng với cây lúa, cây chè, đây là cây trồng chính đem lại thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng núi đất. Tuy nhiên, thực trạng phát triển cây đậu tương trên địa bàn còn tồn tại những hạn chế nhất định: Diện tích trồng còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất lớn; bà con chưa thực hiện mạnh quy trình kỹ thuật vào gieo trồng, chăm sóc nên năng suất, sản lượng đậu tương hàng năm chưa tương xứng với tiềm năng; thời điểm gieo trồng không được thống nhất “mạnh ai nấy làm” dẫn đến diện tích cho thu hoạch không cùng thời điểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây... Để khắc phục những tồn tại trên, trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình, mô hình, chính sách hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt, trong vụ Hè - thu năm nay, huyện lần đầu tiên triển khai thực hiện chương trình xây dựng cánh đồng mẫu đậu tương. Huyện thực hiện cánh đồng mẫu đậu tương trên tổng diện tích 37 ha, tại 6 địa điểm trên địa bàn 3 xã: Sán Sả Hồ, Chiến Phố, Pố Lồ. Theo đồng chí Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện thực hiện cánh đồng mẫu đậu tương với mục đích chính nhằm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Hướng dẫn bà con biết nắm bắt được thời vụ gieo trồng tập trung, chọn lựa giống tốt và biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật với mục tiêu trọng tâm là nâng cao năng suất, sản lượng đậu tương hàng năm, dần hình thành vùng sản xuất đậu tương quy mô lớn mang tính hàng hóa. Để đạt được mục đích trên, huyện thực hiện phương thức “5 cùng” đó là: Cùng giống; cùng gieo trồng; cùng biện pháp kỹ thuật; cùng định mức thâm canh; thu hoạch cùng thời điểm. Phương thức trên đã được huyện và các ngành chức năng nghiên cứu trên cơ sở thực tế phát triển cây đậu tương trên địa bàn”. Để đảm bảo thực hiện thành công cánh đồng mẫu, huyện chỉ đạo Phòng NN – PTNT cắt cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện. Đồng thời, để kích thích bà con, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ tham gia toàn bộ giống DT84 trên diện tích 37 ha và hỗ trợ 200 kg phân lân/ha. Ngoài ra, các hộ cũng được tham gia tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch và bảo vệ thực vật trước khi bước vào mùa vụ.
Bước vào triển khai gặp không ít khó khăn do tập quán của bà con từ trước đến giờ vẫn làm tự phát, không theo khuôn khổ. Cùng với đó, việc gieo trồng, chăm sóc trong cùng thời điểm gây khó khăn cho các hộ trong việc bố trí nhân lực. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của huyện, tại 6 điểm cánh đồng mẫu, cây đậu tương sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đánh giá của Phòng NN – PTNT huyện thì cây đậu tương tại các điểm cánh đồng mẫu sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất dự kiến cao hơn từ 1 đến 2 tạ/ha so với đậu tương trồng đại trà toàn huyện, hiện đánh giá năng suất đạt 15,5 tạ/ha. Đồng chí Trần Quang Bằng, Trưởng phòng NN – PTNT huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Năng suất bình quân đậu tương trên cánh đồng mẫu chưa thực sự nổi trội hơn so với diện tích trồng đại trà, đó là do năm đầu tiên triển khai nên bà con còn bỡ ngỡ, thực hiện chưa đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, cái được lớn nhất từ xây dựng cánh đồng mẫu với phương châm thực hiện “5 cùng” đó là góp phần chuyển đổi nhận thức của người dân về phát triển cây đậu tương mang tính hàng hóa. Thay đổi tập quán canh tác từ gieo trồng không cùng thời điểm, lẻ tẻ, nhiều bộ giống khác nhau sang gieo trồng tập trung cùng thời điểm, cùng giống, tránh được sâu bệnh cục bộ. Giúp bà con tiếp cận quy trình thâm canh đậu tương để dần nâng cao năng suất, sản lượng trong những năm tiếp theo. Đặc biệt là tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh và huyện”.
Đồng chí Hoàng Hải Lý cho biết thêm: “Xây dựng cánh đồng mẫu đậu tương trong vụ Hè - thu năm nay nhằm đúc rút kinh nghiệm triển khai trong những năm tiếp theo. Ngoài xây dựng cánh đồng mẫu, huyện còn thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm mở rộng diện tích, nâng cao năng suất như: Vận động người dân trồng đậu tương trên đất lúa 1 vụ góp phần nâng diện tích đậu tương năm 2012 lên 5.394 ha, tăng khoảng 400 ha so với năm 2011; hỗ trợ phân lân cho các hộ thực hiện phương án luân canh trồng đậu tương, diện tích được hỗ trợ 1.828 ha; hỗ trợ giống đậu tương DT 84 cho các hộ thiếu giống với diện tích 500 ha; phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông thuộc Viện Khoa học Công nghiệp Việt Nam đưa vào thử nghiệm bộ giống DDVN14, DDT26, D2101, DT9804...”
Việc xây dựng cánh đồng mẫu và triển khai các chương trình, chính sách phát triển cây đậu với mục tiêu mở rộng diện tích, đảm bảo bộ giống tốt, thay đổi tập quán canh tác, tạo vùng sản xuất hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo là những việc làm cụ thể của huyện Hoàng Su Phì thực hiện Đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc