Trắng tay, đi dễ khó về (!)
HGĐT- Hàng năm, cứ mỗi dịp nông nhàn thì trong khu vực nông thôn, đặc biệt những xã giáp biên ở đâu người ta cũng bàn đến vấn đề tìm kiếm việc làm, nhưng phần đông trong số họ chọn Trung Quốc (TQ) là điểm đến để làm thuê với kỳ vọng ngày công cao, thị trường việc làm phong phú, nhưng rất ít người đạt được kỳ vọng ấy, còn lại số đông phải trốn khỏi nơi làm việc, cậy cục, xoay sở đủ kiểu mới thoát thân trở về với gia đình, vợ con.
Theo những người không may mắn ấy kể lại: Một số ông chủ cai tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất bên TQ thường sử dụng những người gần khu vực giáp biên giới Việt Nam – TQ làm hệ thống chân rết thu hút lao động người Việt Nam để kiếm lời, công việc được giới thiệu ở nước ngoài chỉ là đào hố trồng cây, trồng và thu hái chè với thu nhập thấp ít nhất là 300 ngàn đồng (VNĐ)/ngày, thu nhập ấy đối với những người nông dân rất ít khi có được, họ rủ nhau trốn sang TQ vào ban đêm mà không cần tuân thủ theo quy định của pháp luật mặc dù đã được các cấp, các ngành đến tận thôn tuyên truyền. Khi sang đến đất khách quê người, họ được người dẫn đường đưa lên xe chờ sẵn đi ròng rã hơn hai ngày đêm mới đến tỉnh Quảng Tây – TQ. Tại đó, họ bắt tay vào công việc khai thác khoáng sản, than, quặng, có tốp thì vào tận rừng sâu khai thác lâm sản... Họ miệt mài, chăm chỉ lao động với hy vọng hết tháng sẽ được lấy tiền công như đã từng làm thuê ở địa phương mình, vậy mà khi hết tháng, thậm chí có những người đã hơn 6 tháng lao động mà vẫn chưa nhận được tiền công, khi hỏi ông chủ thì chỉ được trả lời một câu: Ở đây trả tiền theo năm, nếu không làm đủ năm thì đi nơi khác mà tìm việc làm, thấy không ổn nên một số người đã biện bạch gia đình có người ốm đau, hoặc một lý do bất khả kháng để có cơ hội lấy tiền trốn về nhà, nhưng biện pháp ấy vẫn không đem lại hiệu quả. Thế rồi muốn bỏ về không có tiền về, nên một số người phải điện cho người thân đem tiền đến tận nơi đón về, số còn lại thì cố mà làm để có cơm ăn, đến khi các cơ quan chức năng TQ kiểm tra không có giấy tờ tùy thân nên đã bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại, vậy là số lao động tự do đã và đang tìm cách trốn khỏi cơ quan doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trở về ngày một đông. Tính đến ngày 20.5.2012 xã Bạch Đích, huyện Yên Minh đã có 65/319 người từ TQ trở về trắng tay, 5 người bị phát hiện và bị xử lý về hành vi nhập cảnh trái phép, 2 người bị trao trả tại cửa khẩu Lạng Sơn. Dự báo, trong thời gian tới sẽ còn nhiều người trở về địa phương phải trắng tay, nhưng họ có bị các cơ quan chức năng TQ phát hiện và xử lý hay không còn tùy thuộc vào vận may của số phận.
Vấn đề tìm và giải quyết việc làm đối với những người ở độ tuổi lao động đang là bài toán khó ở khu vực nông thôn, nhưng còn đó, các doanh nghiệp trong nước và công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động vẫn đang mở cửa cho những ai có nhu cầu và chính sách cho vay vốn để áp dụng công thức luân canh, hoặc ưu tiên cho mô hình kinh tế trang trại để tự làm giàu trên quê hương mình đang là một hướng đi tích cực, không nên nhẹ dạ cả tin mà chui lủi đến nơi đất khách, quê người để rồi đi dễ khó về với hai bàn tay trắng.
Ý kiến bạn đọc