Một vài suy ngẫm qua bài viết “Từ chuyện miền Tây Hà Giang được lên... ti vi”
HGĐT- Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Giang, được chứng kiến sự phát triển không ngừng của tỉnh nhà, từ một tỉnh nghèo nhất của cả nước đến nay mọi người dân đều có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được cắp sách tới trường, hệ thống điện - đường - trường - trạm đều đã có ở hầu hết 100% xã trong toàn tỉnh...
Ngày 16.9, huyện Hoàng Su Phì tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia ruộng bậc thang của huyện, là người dân Hà Giang tôi không khỏi tự hào và hãnh diện về sự kiện này. Đã có nhiều cơ quan báo chí đưa tin xung quanh Lễ đón nhận, nhưng tôi cũng không khỏi băn khoăn, suy nghĩ khi đọc bài viết “ Từ chuyện miền Tây Hà Giang được lên... ti vi” của tác giả Dương Quang Tiến, đăng trên báo Nhân Dân điện tử. Trong bài viết, có một điều gì đó mà tác giả chưa nói tới, hoặc quên chưa nghĩ đến... do đó, tôi muốn được chia sẻ với bạn đọc đôi điều cảm nhận về bài viết này.
Điều đầu tiên, không nói có lẽ chúng ta ai cũng biết ruộng bậc thang là loại hình canh tác tương đối phổ biến, có mặt ở rất nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông - Nam Á. Tại Việt Nam, ruộng bậc thang là phương thức sản xuất của rất nhiều dân tộc sinh sống ở miền núi phía Tây Bắc và Đông Bắc như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Hà Nhì... Mỗi dân tộc có quá trình hình thành và phát triển sản xuất trên ruộng bậc thang, tập quán, cách thức canh tác cũng như nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp khác nhau. Đối với Hà Giang, hình thức canh tác trên ruộng bậc thang tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi phía Tây, nhưng tiêu biểu nhất, tập trung nhất là ruộng bậc thang của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Đây là vùng đất có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và trung bình, thấp dần theo hướng dòng chảy của sông Chảy, sông Bạc, tạo nên 3 dạng địa hình chính gồm núi cao, đồi núi thấp và trung bình, thung lũng hẹp. Khi so sánh về vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang ở huyện Hoàng Su Phì với Sa Pa (Lào Cai) hay với Mù Căng Chải (Yên Bái), khi ta mang những nét đẹp đó ra so sánh quả là khó, cũng như tác giả bài viết có nói “Xấu, đẹp tùy thuộc vào điểm ngắm và quan điểm thẩm mỹ của mỗi người”. Nhưng tất cả mọi sự vật đều có một cái “khung” nhất định của nó, và khi nó được đại đa số người thừa nhận theo hướng tích cực, thì khi đó nó đương nhiên có giá trị. Và do đó, việc ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì – Hà Giang được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia thì đương nhiên nó phải đạt được những điều kiện, những tiêu chuẩn nhất định do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa ra. Hiện nay một số phóng viên, nhà báo có lẽ do thiếu tâm huyết với nghề dẫn đến việc “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” như tác giả bài viết “ Từ chuyện miền Tây Hà Giang được lên ...ti vi” có nói “ ...mới đây một tờ báo viết bài về ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nhưng lại đưa bức ảnh chụp ở Mù Căng Chải...”
Tôi tự hỏi, không biết mối quan hệ giữa tác giả bài viết với đồng chí Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang tới đâu mà“tường tận” và “hiểu rõ suy nghĩ” của đồng chí Nguyễn Trùng Thương đến thế“Dẫu biết rõ giá trị của di tích danh thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, và có thể biết thêm cả tình trạng “ dàn hàng ngang để đứng đầu” trong việc cạnh tranh, khai thác du lịch vùng Tây Bắc, nhưng ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang vẫn “ nghiến răng” quyết định tổ chức Lễ đón nhận hoành tráng...” . Cá nhân đồng chí Nguyễn Trùng Thương có “nghiến răng” – như lời tác giả viết, để quyết định một sự kiện quan trọng liên quan từ cấp Trung ương tới Tỉnh được không? Một điều có vẻ như hết sức “ thuyết phục” độc giả của báo, khi tác giả Dương Quang Tiến dẫn lời của đồng chí Nguyễn Trùng Thương, khi nói với lãnh đạo tỉnh “ Khách du lịch đến Hà Giang phần lớn chỉ biết đến Cao nguyên đá Đồng Văn. Còn phía Tây dường như có rất ít người biết đến. Tổ chức Lễ đón nhận để tranh thủ quảng bá, góp phần “thắp sáng” phía Tây Hà Giang, thu hút khách du lịch...”. Sao tác giả bài viết này “hiểu rõ vấn đề” đến thế? Nhưng không biết đồng chí Nguyễn Trùng Thương có nói với lãnh đạo tỉnh Hà Giang ở đâu? khi nào? và lãnh đạo tỉnh ở đây là đồng chí nào? thì chúng ta không biết. Những cán bộ công nhân viên chức trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh Hà Giang, những người yêu nhạc, bạn bè xa gần của đồng chí Nguyễn Trùng Thương đều biết một điều rằng:cuối tháng 8 – khi chưa diễn ra “sự kiện ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” đón nhận di tích Quốc gia, đồng chí Nguyễn Trung Thương đã bị ốm đột ngột trong chuyến đi công tác về Hà Nội, và cho đến tận ngày hôm nay đồng chí vẫn chưa có thể nói chuyện được.
Chẳng lẽ tác giả bài viết không biết rằng: Với công sức của người dân Hà Giang, của các nhà khoa học, của các cấp, các ngành và của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” không lẽ chỉ để “dàn hàng ngang để đứng đầu” trong việc cạnh tranh như tác giả đã viết? và lẽ nào với tầm nhìn của những nhà lãnh đạo cấp cao khi tổ chức sự kiện “ hoành tráng” chỉ để tranh thủ quảng bá du lịch?
Chúng ta đều biết, Hà Giang là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, tình hình an ninh chính trị tuy được giữ vững, ổn định nhưng luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở những vùng dân trí thấp, kinh tế kém phát triển trong đó có huyện Hoàng Su Phì. Theo tôi được biết, việc lập Hồ sơ “Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia bắt nguồn từ chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang về việc muốn tôn vinh sự lao động cần cù của các thế hệ người dân nơi đây đã có công khai phá, tạo dựng bản làng, giữ gìn đất đai. Khẳng định sự có mặt của người Việt ta từ hàng nghìn năm trước đây, tại nơi này. Sâu xa hơn nữa, nó còn mang ý nghĩa đó là: Khẳng định biên giới chủ quyền của Việt
Ngoài ra, việc tôn vinh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia nó còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế, xã hội thông qua việc phát triển du lịch trong tương lai. Theo đó, tỉnh Hà Giang, các cơ quan chuyên môn sẽ xây dựng một số mô hình, sản phẩm du lịch trải nghiệm trên vùng đất này... Cũng như người dân sẽ hiểu thêm về những giá trị phi vật thể mà họ đang sở hữu, từ đó họ sẽ có ý thức bảo về và gìn giữ nó.
Việc công nhận ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia mang tính chiến lược lâu dài và nó có ý nghĩa quan trọng trên tất cả các mặt như: Chính trị - Kinh tế - Xã hội - Văn hóa. Vì vậy, tôi cho rằng khi đánh giá một vấn đề nào đó (đặc biệt thông qua các tác phẩm báo chí) chúng ta không nên nhìn nó chỉ ở một khía cạnh hay một góc độ nhỏ hẹp mà phải dành nhiều thời gian hơn nữa, tâm huyết hơn nữa, khách quan hơn nữa thì mới có thể đánh giá được mọi khía cạnh, hiểu thấu được ý Đảng, lòng Dân.
Ý kiến bạn đọc