Xín Mần, vững vàng miền biên viễn:
Kỳ cuối: Vững vàng Chí Cà – Pà Vầy Sủ
HGĐT - Trong suốt chặng đường dài 32 km của 4 xã Biên giớiđi qua, mỗi nơi đến đều để lại trong lòng tôi mỗi tình yêu quê hương đất nước khác nhau. Tựu trung lại, là tình dân, tình Đảng, tình đồng bào, đồng chí gắn bó thuỷ chung bảo vệ biên cương, xây dựng đất nước...
Con đường từ ngã ba Xín Mần vào tới Trung tâm UBND xã Chí Cà giờ đã nhựa hoá. Sự khác biệt lớn nhất trong 19 xã, thị trấn của huyện Xín Mần có ở Chí Cà và Pà Vầy Sủ là 2 xã núi đá. Núi đá chiếm đa số, đan xen với núi đất tạo cho Chí Cà có tiểu vùng khí hậu rất khắc nghiệt. Thêm vào đó là địa hình chia cắt rất mạnh dọc theo hướng Tây Bắc đổ xuống đầu nguồn sông Chảy.
“ Con chữ bám rễ” trên vùng biên ải Xín Mần.
Dọc theo lối Chí Cà là những bãi ngô, nương đậu xanh ngắt. Tưởng như, ngô, đậu ở đây cứ cậy trong giữa lòng đất đá chui lên mà sống. Đất Chí Cà mùa này gần như không còn chỗ trống. Màu xanh của sự sống chen chúc nhau mọc lên giữa vùng biên ải càng đi càng rõ nét. Những ngôi nhà mái Phi brô xi măng thay cho mái lá khi xưa ẩn hiện trong màu xanh no ấm. Chí Cà, gọi theo tiếng địa phương nơi đây, nó đại diện cho một loài vật nuôi rất được yêu thích, đó là loài gà đen. Không biết từ bao giờ mà loài gà đenđược chăn nuôi tại đây trở thành tên gọi cho cả làng xã. Gà đen Chí Cà là một đặc sản nổi tiếng . Nhiều nhà nuôi tới cả trăm con. Gà đen Chí Cà có thịt thơm ngon đặc trưng riêng không lẫn, xương đen, thịt đen, rất giàu đạm còn dùng làm thuốc chữa một số căn bệnh nan y trong dân gian. Bí thư xã Chí Cà Hoàng Xuân Trường cho hay rằng: Chẳng biết loài gà đen xuất hiện trong làng từ bao đời nay. Chỉ biết, anh nay đã sắp nghỉ hưu xã rồi mà chưa từng thấy loài gà đen nào có thể thay thế loài gà địa phương. Gà to khoẻ, rất dễ nuôi trong vùng. Thế nhưng, cũng cần nói rõ là (chỉ nuôi ở Chí Cà) thôi nhé. Mỗi nhà nuôi vài chục đến cả trăm con dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Còn giờ đây gà đen Chí Cà nuôi không kịp để bán. Cho nên, gà đen, bò vàng, mật ong hiện là một trong những “mũi nhọn” mà xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo trong công tác phát triển chăn nuôi để xoá nghèo. Thảo nào mà bấy lâu nay người ta thường truyền nhau câu nói dân gian cửa miệng rằng: “Mật ong Chí Cà – Trà ngon Cốc Rế” đã để truyền đời này qua đời khác.
Trên con đường trở lại thôn Hậu Cấu gập ghềnh khi xưa một không khí lao động sôi nổi chưa từng thấy. Con đường vào các điểm Cột mốc biên giới 188 nơi có gần 50 hộ đồng bào Mông sinh sống giờ đang được mở rộng. Theo các anh lãnh đạo địa phương cho biết. Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng Hậu Cấu làm điểm “mở” để nhân dân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc giao thương trên tình hữu nghị lâu đời. Giờ đây, công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Con đường trên 7 km được giao lại cho HTX Huyền An Xín Mần thi công mở rộng để tiến tới cứng hoá nền, rãnh, tạo trục giao thông thông suốt thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Chủ tịch UBND xã Chí Cà Hạng Kháy Dụng vui lắm: Con đường vào nơi “chôn nhau, cắt rốn” của em giờ đây đã thành hiện thực. Em vui, cả làng vui lắm, thi nhau ra đường cùng doanh nghiệp làm cho chóng xong. Anh này, con đường ngựa thồ khi xưa nay đã không còn nữa. Chăn nuôi ngựa bây giờ, về sau, chỉ dành cho lấy thịt, lấy xương nấu cao bồi bổ sức khỏe thôi đấy. Mùa này đồng bào trong thôn Hậu Cấu trồng rất nhiều nông sản trên 26 ha ngô giống mới và đậu tương DT84, chăn nuôi cũng kha khá để đón trước khách vào mua bán. Chắc chắn rồi đây, con đường ta đi hôm nay sẽ là con đường xoá đói, giảm nghèo và làm giàu nữa đấy. Không chỉ có thế, Hậu Cấu còn làm rất tốt công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng hàng trăm ha cây thảo qủa, mở ra hướng làm kinh tế mới rất cao. Cái lớp học khi xưa tôi vào nơi cô giáo Mai dạy chữ nay đang được đồng bào trong thôn sửa lại cho năm học mới bắt đầu.
Con đường lên thôn biên giới Bản Phố mùa mưa khá trầy trật. Lên đến Bản Phố mới thấy thêm yêu quê hương, đất nước mình. Gian khó lắm mà con người Bản Phố vẫn kiên cường. Ngô đậu bám dọc chiều dài biên giới 6 km, lên xanh, bò dê, gà, đầy chuồng... Nhà trình tường với 3 lớp Tiểu học, 2 lớp Mầm non những ngày đầu đến lớp bi bô tiếng trẻ. Trao đổi với tôi anh Hoàng Xuân Trường Bí Thư Đảng uỷ xã cho biết: Bản Phố hay Chí Cà có mấy việc làm sớm đó là: Trồng cấy sớm vì ở trên cao mùa lạnh đến sớm; trẻ đến lớp sớm vì học để tránh rét mùa đông đến sớm. Còn lại là công việc phối kết hợp cùng các lực lượng tuần tra bảo vệ biên giới thì không kể ngày đêm sớm tối. Đoạn đường biên gần 6 km từ Mốc 185 đến 188 cả 4 mùa yên bình, đồng bào yên tâm bám trụ làm ăn. Cả xã Chí Cà 529 hộ, sống trên 10 thôn bản đã tạo thành một khối đoàn kết quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, bám chặt biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước và dâng hiến cho đời những sản vật đặc sắc, đã thưởng thức một lần không thể nào quyên.
Phải mất hơn một giờ đi bộ tắt từ Bản Phố để sang thôn Si Cà Lá của xã Pà Vầy Sủ. Đi trên mây núi bồng bềnh là cảm giác đến với Si Cà Lá. Tiếng địa phương gọi Si Cà Lá nghĩa là: Vùng Đá Trắng. Toàn đá là đá một màu sám sịt cao tít tắp chừng trên 1700m so với mặt nước biển. Sở dĩ phải đi từ Chí Cà đi sang vì mùa mưa đường vào Pà Vầy Sủ tắc. Người ta mở đường trên cao từ Trung tâm xã đi Si Cà Lá đã làm đất đá lăn xuống tắc đường. Các anh trong huyện đã từng can ngăn: Không cháy nhà, chết người, thì mưa dông này chớ đi vào Pà Vầy Sủ đấy nhé. Gian nan là thế mà khi đến Si Cà Lá mới thấy sức sống nới núi đá này mãnh liệt đến chừng nào? Thật khó có thể nói bằng lời thay cho hình ảnh có thật tại Si Cà Lá hôm nay. Con đường mở xiên từ Bản Phố sang đây mùa này cũng đi lại trầy trật lắm. Vào đây không chỉ có đá và đá nữa, mà còn có sức sống kiên cường của người dân giữ đất. Chẳng khác đồng bào phía Bắc là mấy, đồng bào Si Cà Lá cũng bốc nắm đất, cũng bỏ vào đó hạt ngô, hạt đậu ngay trên, trong, các kẽ đá mà “ươm lên” sự sống cho cả làng bản. Và cũng chắt lọc trên núi đá, khe đá từng hạt nước, hơi sương “đưa vào” máu thịt để tạo dựng cuộc đời trên vùng đá, tiếp đá. Bí thư đảng uỷ xã Tải Văn Bình cho tôi biết: Pà Vầy Sủ là một xã có 7 thôn bản thì cả ngần ấy thôn bản gắn liền dải biên giới Miền Tây trên chục km. Các thôn bản của Pà Vầy Sủ đều nằm trên đá, tiếp đá. Từ Si Cà Lá đi đến Tả Lử Thận, rồi Seo Lử Thận và xuôi dần xuống Cột mốc sốI (172) là Ma Lì Sán. Dọc trên đỉnh các triền núi đá ấy đi qua là cảm nhận một sức sống đầy thuyết phục. Đó là, trên đá có đầy đủ sự sống lâu bền từ ngàn đời để lại cho đến hôm nay. Trên đá, ngô, đậu, rau màu xanh ngắt. Những đàn bò, đàn dê vàng lững thững trên đá, bám vào đá để mà sống. Được biết: Chăn nuôi bò, dê và nuôi ong lấy mật là niềm tự hào của cả vùng đá trắng Si Cà Lá, Tả Lử Thận, Seo Lử Thận này. Bò, dê, mật ong là đặc sản cho mỗi phiên chợ vùng đá mời gọi du khách thập phương đến với vùng Đá Trắng Pà Vầy Sủ. Con đường mới đang mở rồi đây sẽ mở ra cả một khung trời mới thúc đẩy giao thương cho cả vùng đá. Bí thư Huyện uỷ Xín Mần Dương Minh Hoà trăn trở: Động viên và mời gọi các đơn vị doanh nghiệp vào với Xín Mần để mở đường vào Pà Vầy Sủ là cả quá trình. Đảng bộ chúng tôi luôn mở rộng cánh cửa đón chào sự chia sẻ của cả nước cho Pà Vầy Sủ. Còn chiến lược phát triển kinh tế tại vùng Đá Trắng được xác định là chăn nuôi đại gia súc, bảo vệ rừng đầu nguồn và đảm bảo vững chắc chủ quyền đất nước. Mục tiêu đầu tư cho các xã biên giới nói chung, cho 2 xã vùng đá nói riêng là: Đầu tư cho được hạ tầng giao thông mang tính chiến lược. Đầu tư cho dân có đủ giống, vật tư và hỗ trợ sản xuất để đảm bảo tốt đời sống để đồng bào bám đất, bám bản giữ đất, giữ yên biên giới làm ăn. Đồng thời cũng cần đầu tư “chiều sâu” cho công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền. Trong đó chủ yếu là đầu tư sức dân, hun đúc tình đoàn kết thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị xã hội, làm cho Biên giới – Nội địa trở thành “một khối thống nhất”.
Xuôi qua các thôn bản vùng Đá trắng trở lại với điểm chót đầu nguồn Sông Chảy là thôn Ma Lì Sán. Ma Lì Sán hôm nay đã trở thành một làng mới theo mô hình nông thôn mới tại vùng biên ải “xa, mà rất gần” trong lòng dân tộc. Cả thôn 24 ngôi nhà cấp 4 kèm theo các công trình phụ đủ đầy đã hoàn thành tươm tất. Công trình kéo điện từ bên kia bờ sông Chảy thuộc huyện Si Ma Cai đã được UBND tỉnh phê duyệt khởi công. Công trình cầu nối giữa đôi bờ Sông Chảy qua Si Ma Cai cũng đã được UBND tỉnh tiến hành xem xét xây dựng. Trong thôn, con đường bê tông chạy dọc. Lớp học, nhà văn hoá thôn đã xây xong. Công trình cấp nước sạch hoàn chỉnh đến từng hộ gia đình. Trưởng thôn Ma Lì Sán Vàng Kháy Sèng tâm sự: Ma Lì Sán trước kia cũng như ngày nay vẫn luôn là pháo đài bảo vệ vũng chắc chủ quyền biên giới. Pháo đài ấy được xây bằng “lòng đồng bào mình đấy. Chắc lắm!”, không gì làm thay đổi được đâu. Nhờ anh nói lại rằng, đồng bào cả vùng biên ải này từ gian khó ngàn năm nay vẫn luôn ăn cùng mèm mén, uống chung rượu ngô được trồng cấy, chắt lọc lên từ mảnh đất cha ông để lại. Bây giờ và mai sau, cái tình, cái lý đó đối với đồng bào mình không gì thay đổi!
Chia tay những con người bình dị kiên gan trên vùng Đá Trắng, lòng tôi đầy tự hào. Bài hát “Chiều biên giới”của Trần Chung, phổ thơ Lò Ngân Sủn cứ vang mãi, tưởng chừng không bao giờ tắt... “Chiều biên giới em ơi...!”
Ý kiến bạn đọc