Vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng
HGĐT- Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh thường xuyên quan tâm. Tuy nhiên, nền kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện phát triển còn chậm, tập quán canh tác lạc hậu vẫn còn tồn tại, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mức bình quân toàn tỉnh (98% hộ nghèo của tỉnh là hộ dân tộc thiểu số)...
Gia đình anh Sình Chờ Già, thôn Thiền Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn) được vay vốn không lãi suất từ Chương trình 132 để phát triển chăn nuôi.
Là một tỉnh miền núi, biên giới, Hà Giang có tổng dân số trên 74,3 vạn người với22 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những dân tộc chiếm đa số như: Mông chiếm 31,5%; Tày 25%; Dao 15,1%; Nùng 9,8%... còn lại là các dân tộc khác. Phần đông số dân tộc bản địa có nguồn gốc lâu đời, có làng bản cư trú, có phong tục, tập quán riêng, các dân tộc sinh sống sen kẽ bên nhau, có trình độ phát triển KT-XH khác nhau. Song nhìn chung trình độ dân trí còn thấp, đời sống đồng bào còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có trên 63.450 hộ nghèo thì có tới 62.300 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 98% số hộ nghèo toàn tỉnh.
Trong nhiều năm qua, Hà Giang đã rất nố lực trong việc tổ chức thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào các dân tộc. Theo đó đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm và đều có Trạm xá, trụ sở xã, trường học; 100% xã có điện lưới quốc gia và được trang bị điện thoại. Các Chương trình, dự án đầu tư phát triển, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của T.Ư, của tỉnh và các tổ chức quốc tế đều được lồng ghép triển khai hiệu quả. Đến nay lương thực bình quân đầu người đạt 448kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,6 triệu đồng/năm. Đối với các huyện phía Bắc của tỉnh, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 52 hồ chứa nước, giải quyết một phần nước sinh hoạtcho đồng bào các dân tộc. Toàn tỉnh cũng đã thành lập mới 5 trường PTTH ở các cụm xã và các trường phổ thông Dân tộc Nội trú theo khu vực. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được thực hiện có hiệu quả, ngày càng nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2012, đã có trên 410 nghìn người dân tộc thiểu số được mua thẻ Bảo hiểm y tế, được chăm sóc và khám chữa bệnh miễn phí theo quy định; có 185/195 xã được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia về y tế; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau xóa đói giảm nghèo được quan tâm; giáo dục-đào tạo được chú trọng; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng cho con em người nghèo và các chương trình hỗ trợ di dân, xóa nhà tạm theo Quyết định 193, 167; chương trình 30a; tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số...
Nhưng Hà Giang nói chung và các huyện miền núi nói riêng, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn đang đối mặt với những khó khăn như: Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số còn cao; khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác còn chênh lệch lớn; tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước... đang là những thách thức đặt ra đối với bà con nhân dân, cần được Đảng, Nhà nước quan tâm, xem xét bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới trong giai đoạn hiện nay. Anh Giàng Mí Lúa, Trưởng Ban Dân vận xã Lũng Cú cho biết: Những năm qua, trên địa bàn xã Lũng Cú, các chương trình, dự án như: Chương trình 135 giai đoạn II, chương trình 120, 167, hồ treo... đã đem lại hiệu quả thiết thực, kịp thời phục vụ cho đồng bào các dân tộc; các vấn đề xã hội cũng được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Ở xã Lũng Cú, nơi địa đầu của Tổ quốc, tình hình an ninh biên giới luôn được giữ vững, bà con nơi đây không có hoạt động di dịch cư tự do và truyền học đạo trái pháp luật... Tuy nhiên đời sống của đồng bào trong xã thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, do trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 60%),đất canh tác ít, mỗi năm chỉ gieo trồng 1 vụ, thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn... Mong rằng được T.Ư tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào về làm Hồ treo, khoanh nuôi bảo vệ rừng, phát triển chăn nuôi và cử con em các dân tộc trong xã được đi học tại các trường Cao đẳng, đại học và tăng mức hỗ trợ làm nhà theo chương trình 120...
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Ban Dân vận T.Ư trong một chuyến đi khảo sát thực tế tại huyện Đồng Văn đã đánh giá: Hà Giang đã và đang làm rất tốt công tác dân tộc; các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và diện mạo nơi đồng bào dân tộc sinh sống đã có sự đổi thay tích cực, đó là những bước chuyển mình của Hà Giang trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc... Tuy nhiên, Hà Giang vẫn còn là một tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất cần được tăng cường hơn nữa các chính sách đầu tư của Nhà nước dành cho vùng đồng bào các dân tộc và miền núi để hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Song trước mắt, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến việc hướng dẫn bà con nhân dân trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi, vận động quần chúng xây dựng mối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gắn với phát triển KT-XH, giữ vững an ninh - quốc phòng; triển khai tốt các chính sách dân tộc; quan tâm đến thế mạnh của địa phương và ưu tiên con em là người dân tộc thiểu số... có như vậy đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang mới từng bước được cải thiện và vững vàng nơi biên giới của Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc