Vì sao người lao động ở Công ty Cổ phần Xi - măng Hà Giang không có việc làm, không lương nhiều tháng nay?
Vậy đâu là giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh?
HGĐT- Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, nhanh chóng củng cố và đưa công ty đi vào sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, thể theo nguyện vọng của các cổ đông, ngày 4.8.2012, nhóm cổ đông của công ty đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Minh Nhâm, Trưởng Ban kiểm soát (vắng mặt ông chủ tịch HĐQT, giám đốc và kế toán trưởng).
> Những nguyên nhân mẫu chốt
Dây chuyền sản xuất xi - măng của Nhà máy hiện đang... “đóng băng”(!)
Tại cuộc họp các cổ đông đã phát biểu tập trung đi sâu vào những nội dung cụ thể gồm: Yêu cầu Ban Kiểm soát cùng tất cả các cổ đông kiểm tra toàn bộ sổ sách, chứng từ kế toán, đặc biệt là chứng từ thu, chi của công ty từ năm 2006 đến nay để làm rõ các chi phí thực tế và lỗ lãi thực tế trong sản xuất kinh doanh của công ty từ năm 2006 đến 2011, làm rõ số tiền bị thất thoát và số tiền thực góp của Công ty cổ phần Đồng Tâm (Công ty của gia đình ông Vũ Duy Chanh) trước và sau khi tăng vốn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra yêu cầu họp ĐHĐCĐ bất thường để công bố kết quả kiểm tra cho toàn thể cổ đông biết, xác định lại tỉ lệ góp vốn của cổ đông Đồng Tâm và của tất cả các cổ đông tại Công ty, sau đó làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định, yêu cầu phòng Tài vụ làm lại báo cáo tài chính theo con số thực tế, đồng thời triệu tập ĐHĐCĐ thường niên thông qua báo cáo tài chính, bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới theo quy định.
Tại cuộc họp nhóm cổ đông ngày 4.8.2012, ông Nguyễn Quốc Lập đại diện cho cổ đông Đoàn Văn An sở hữu 35% vốn điều lệ đã khẳng định trước các cổ đông rằng: “Điều đầu tiên là chúng ta phải làm rõ tất cả các con số, cổ đông Đồng Tâm phải công nhận và chính họ phải đưa ra phương án giải quyết, cổ đông Đồng Tâm đã góp thiếu vốn, ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh, giám đốc Vũ Duy Quang và kế toán trưởng Phùng Minh Thoại của công ty đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của công ty và hạch toán là tiền góp vốn của cổ đông Đồng Tâm. Còn tiền mặt được cổ đông Đồng Tâm góp vào được hạch toán là tiền vay ngoài để một lần nữa chiếm đoạt tiền của công ty...”. Cũng trong cuộc họp này, ông Hoàng Trọng Trung rất bức xúc nói: “Khi chúng tôi mua cổ phần thìông Chanh đưa bản Báo cáo tài chính năm 2009 cho xem và nói rằng công ty đang lãi hơn 600 triệu. Tôi hỏi ông Bùi Quang Bồng, Phó giám đốc thì ông Bồng cũng đang giữ bản báo cáo này. Tức là năm 2009, công ty lãi 656 triệu, nhưng không hiểu vì sao khi họp ĐHĐCĐ ngày 10.6.2012 lại thông báo là lỗ 581,3 triệu, vấn đề này yêu cầu phải làm rõ, có thể công ty có 2 hệ thống sổ sách...”, còn cổ đông Phạm Ngọc Tuấn cho biết: “Cuộc họp cổ đông được tổ chức đúng luật, nhưng ban lãnh đạo công ty coi thường cổ đông, tránh mặt, đề nghị Ban Kiểm soát bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi. Công ty phải làm rõ vốn góp của các cổ đông thì mới có thể hoạt động được, theo tôi cổ đông Đồng Tâm không góp đồng nào...”.
Để làm rõ những vấn đề mà các cổ đông yêu cầu, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ngày 13.8.2012 dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Đảng ủy Bùi Quang Bồng, BCH Đảng bộ công ty đã tiến hành phiên họp mở rộng để xem xét, phân tích, thảo luận về các ý kiến, kiến nghị của BCH Công đoàn, Ban kiểm soát công ty, các cổ đông và người lao động về việc góp vốn của cổ đông Đồng Tâm, việc quản lý điều hành công ty gây thất thoát tài sản lớn, việc nợ lương, người lao động không có việc làm, việc đe dọa xử lý sa thải đối với cổ đông là người lao động dự cuộc họp nhóm cổ đông ngày 4.8.2012. Cuộc họp đã có 7 ý kiến tham gia phát biểu, hầu hết các ý kiến đều quan tâm đến vấn đề cấp bách hiện nay đó là: Việc làm, tiền lương của người lao động, các ý kiến phát biểu tập trung và đề nghị cần làm rõ kiến nghị của cổ đông, Ban Kiểm soát, Ban chấp hành công đoàn và người lao động. Đề nghị HĐQT, Ban giám đốc có giải pháp sớm ổn định tổ chức, đầu tư tài chính đưa nhà máy vào hoạt động, thanh toán tiền lương cho người lao động, đồng thời yêu cầu các đồng chí đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo có trách nhiệm báo cáo, làm rõ những kiến nghị của cổ đông, người lao động có liên quan đến công việc mình phụ trách, báo cáo BCH Đảng ủy và trước toàn thể Đảng bộ. Kết luận cuộc họp BCH Đảng ủy, đồng chí Bùi Quang Bồng đã nêu rõ: “Hiện tại Công ty đang dừng hoạt động, cán bộ CNV nghỉ việc không có lương mà Công ty chưa có giải pháp cụ thể sớm khắc phục (thông báo dừng sản xuất số 104 của giám đốc công ty) và nội dung đơn đề nghị của cổ đông, Đảng ủy đề nghị HĐQT xem xét triệu tập Đại hội đồng cổ đông, sớm ổn định tổ chức, bầu ban lãnh đạo và đầu tư tài chính, nhanh chóng giải quyết tình trạng không có việc làm và nợ lương người lao động. Giao BCH Công đoàn có kế hoạch làm việc cụ thể với HĐQT, Giám đốc Công ty xác định thời điểm thanh toán tiền lương tháng 4,5,6/2012 và giải quyết chế độ cho người lao động, tạo niềm tin cho cán bộ CNV...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, đồng chí Nguyễn Viết Lợi, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp cho biết: “Việc của Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang chúng tôi đã nghe báo cáo, Đảng ủy Khối doanh nghiệp cũng đã chỉ đạo Đảng ủy Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên giữ vững lập trường quan điểm, tránh để xảy ra việc khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp trái với quy định của pháp luật. Ngăn chặn kịp thời các hành vi hung hãn, gây rối làm mất ổn định về an ninh trật tự nơi ở, nơi làm việc của cán bộ, CNV...”.
Như vậy, theo báo cáo của tổ kiểm tra cũng như báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh nhiệm kỳ 2009 – 2012 của Công ty, hiện nay Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang đang thua lỗ 9 tỷ đồng, vay nợ ngân hàng và các khách hàng 78 tỷ đồng (theo báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh nhiệm kỳ 2009 – 2012), số tiền lỗ và thất thoát này theo ông Nguyễn Quốc Lập, đại diện cổ đông Đoàn Văn An sở hữu 35% vốn điều lệ khẳng định: “Số tiền này chúng tôi đang làm sáng tỏ, một phần có thể vào túi cá nhân, một phần do ký hợp đồng trái thẩm quyền làm thất thoát... vì thế Công ty không còn vốn phải dừng hoạt động, không có tiền để trả lương cho người lao động từ tháng 4.2012 đến nay. Để nhanh chóng ổn định tình hình của Công ty đi vào sản xuất, tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho người lao động, theo chúng tôi trước mắt cần phải tập trung làm rõ những sai phạm trong thời gian qua, minh bạch về thu, chi tài chính, xác định chính xác tư cách cổ đông của từng cổ đông trong Công ty, buộc những người vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho Công ty và chịu trách nhiệm trước pháp luật”... Mặt khác, HĐQT, Ban giám đốc khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản (khai thác đá) làm vật liệu đầu vào sản xuất cho Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang để nhà máy trở lại hoạt động bình thường (UBND tỉnh có Quyết định số 1364, ngày 30.5.2006 cấp phép cho Công ty xi măng Hà Giang khai thác mỏ đá vôi để làm nguyên liệu sản xuất xi măng đến 30.5.2011 đã hết hạn. Hiện nay theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tỉnh không có thẩm quyền cấp phép khai thác mà Bộ mới có quyền cấp phép nên UBND tỉnh đã có Công văn số 3578/UBND – CNGTXD ngày 27.12.2011 “về việc xin ý kiến Bộ TNMT cho phép Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang tiếp tục khai thác khoáng sản tại mỏ đá vôi Ngọc Đường”nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ...
Ý kiến bạn đọc