Vì sao người lao động ở Công ty Cổ phần Xi-măng Hà Giang không có việc làm, không lương nhiều tháng nay?
Những nguyên nhân mấu chốt
HGĐT-
Toàn bộ dây chuyền sản xuất xi-măng của Nhà máy hiện đang... “đóng băng”(!).
Từ sự phản ánh trên, nhóm phóng viên đã tìm hiểu được biết: Công ty CP xi măng Hà Giang là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1994, đến tháng 6.2006, thực hiện Luật Doanh nghiệp, Công ty đã chuyển đổi loại hình sang Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang. Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần đầu được sáng lập có hơn 100 cổ đông góp vốn cổ phần để hoạt động và ông Vũ Duy Chanh, là cổ đông sở hữu 58% vốn điều lệ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Công ty. Đến tháng 6.2009, Công ty đã họp ĐHĐCĐ lần thứ nhất, ông Vũ Duy Chanh vẫn được cổ đông bầu làm Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc Công ty, tại cuộc họp đó, đã thống nhất tăng vốn điều lệ của Công ty từ 5 tỷ 300 triệu đồng lên 50 tỷ đồng.
Để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, từ khi Công ty cổ phần hóa, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc của Công ty đã tích cực chủ động bàn nhiều biện pháp để đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất ra nhiều sản phẩm xi măng cung cấp cho thị trường và phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bằng sự năng động sáng tạo, các thiết bị dây chuyền sản xuất xi măng đã được đổi mới công nghệ, vì thế sản lượng xi măng tăng từ 4,5 vạn tấn/năm lên đến 6,6 vạn tấn/năm. Đặc biệt, các thiết bị lọc bụi công nghệ cao của Trung Quốc trị giá trên 5 tỷ đồng được lắp đặt và đưa vào hoạt động đã góp phần hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường. Với những thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh cũng như cải tiến đổi mới công nghệ, trong những năm qua, Công ty đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Hai và nhiều giải thưởng như Cúp vàng tốp 50 sản phẩm Việt hợp chuẩn WTO năm 2008; Thương hiệu vàng golden brand Awards 2008... Điều quan trọng hơn đó là Công ty đã tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống...
Để bảo đảm đúng nguyên tắc theo Luật doanh nghiệp năm 2005, ngày 10.6.2012, Công ty đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhưng... không thành, vì vậy, không thông qua được báo cáo tài chính và bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. Sau khi ĐHĐCĐ tổ chức không thành công, các cổ đông của công ty đều nghi ngờ và đặt nhiều dấu hỏi với HĐQT và Ban giám đốc. Ngay sau đó, các cổ đông đề nghị ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra tài sản chung của công ty gồm: Tài chính, nguyên vật liệu sản xuất và các tài sản khác... Thể theo nguyện vọng của các cổ đông, ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh buộc phải ra Quyết định số 77/QĐ – HĐQT ngày 10.7.2012 về việc thành lập tổ kiểm tra để đánh giá thực trạng tài sản của công ty từ ngày 16 đến 17.7.2012. Tổ kiểm tra được thành lập gồm 10 người là các cổ đông của công ty, trong đó ông Nguyễn Quốc Lập là đại diện cổ đông Đoàn Văn An, sở hữu 35% vốn điều lệ và là Phó chủ tịch HĐQT công ty làm tổ trưởng. Tổ kiểm tra đã kiểm tra sơ bộ hồ sơ, sổ sách kế toán được lưu tại phòng kế toán, kiểm kê hàng tồn kho và tài sản hiện có của công ty đến thời điểm 31.1.2011.
Theo báo cáo kết quả của tổ kiểm tra cho biết, sau khi kiểm tra, đã phát hiện thấy Công ty đang bị tham ô và thất thoát một số lượng rất lớn tài sản gồm: Tham ô qua việc kê khống số lượng than mua vào, cụ thể: Trong 3 năm 2009, 2010, 2011 nhập trên sổ sách, chứng từ do phòng Tài vụ lưu giữ là 44.500,31 tấn. Nhưng thực nhập do thủ kho cung cấp là 28.002,95 tấn. Tổ kiểm tra đã đối chiếu với số liệu của Phòng Công nghệ, kiểm kê hàng tồn kho và được ông Vũ Duy Quang, giám đốc và ông Phùng Minh Thoại, kế toán trưởng của Công ty xác nhận con số này là đúng. Như vậy, số lượng trên sổ sách kế toán nhiều hơn số lượng nhập kho thực tế là 16.497,36 tấn, nếu tính giá bình quân khoảng 2.200.000 đồng/tấn vào thời điểm hiện tại thì số bị tham ô qua mặt hàng than xấp xỉ 40 tỷ đồng (bao gồm cả thuế VAT). Ngoài việc kê khống mặt hàng than phục vụ sản xuất, ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh còn tự ý nâng giá mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cao hơn giá thị trường cùng thời điểm, lập chứng từ dịch vụ vận tải khống để rút tiền. Cụ thể ngày 31.1.2010, Doanh nghiệp Tuấn Anh phát hành hóa đơn vận chuyển than số 47754, trị giá 149.885.000 đồng. Qua kiểm tra, tổ kiểm tra phát hiện không phát sinh dịch vụ vận tải này. Tổ kiểm tra cũng tiến hành kiểm kê, kiểm tra tình trạng tài sản hiện có của công ty như một số nhà cửa, vật kiến trúc đã được bán hoặc thay đổi mục đích sử dụng nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc làm đầy đủ các thủ tục thanh lý, chuyển nhượng theo quy định. Cụ thể như nhà căng tin tập thể 3 gian, mái Fibroximăng chuyển thành nhà ở của gia đình ông Vũ Duy Quang (con trai ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh). Nhà và đất tại thị trấn Vị Xuyên đã được HĐQT họp ngày 10.5.2010 và ra Quyết định số 07/HĐQT – XM ngày 31.5.2010 bán cho bà Nguyễn Thị Trang (vợ ông giám đốc Vũ Duy Quang, con dâu ông Vũ Duy Chanh) giá 150 triệu đồng nhưng không có hợp đồng chuyển nhượng, không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Nhà và đất ông Lưu Đình Lập, cán bộ kinh doanh của công ty, tại phường Quang Trung, thành phố Hà Giang không có hồ sơ thanh lý hay hợp đồng chuyển nhượng. Hiện ông Vũ Duy Quân, Phó giám đốc công ty, thành viên của HĐQT (con trai ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh) lại xây nhà trên diện tích này nhưng không có văn bản nào bảo đảm tính pháp lý thể hiện việc giao đất cho ông Quân.
Cùng đó, Công ty có 5 chiếc xe ô tô, trong đó có 1 xe du lịch nhãn hiệu FORD, 2 chiếc xe ben nhãn hiệu HOWO và 2 chiếc xe tải đầu kéo nhãn hiệu HOWO là tài sản của Công ty nhưng đã được bàn giao cho cá nhân và đơn vị khác quản lý sử dụng, không những không mang lại hiệu quả kinh tế cho Công ty, mà Công ty vẫn phải tính khấu hao, lãi ngân hàng. Riêng chiếc xe ô tô du lịch hiệu FORD đã có biên bản đấu giá ngày 20.12.2006 và biên bản họp HĐQT số 08 ngày 21.12.2006 bán cho ông Trần Văn Vinh, nguyên giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang, tuy nhiên không có hồ sơ, hợp đồng chuyển nhượng, nhưng vẫn hạch toán là tài sản của công ty. Khi kiểm tra đến vấn đề này tổ kiểm tra không thấy 5 chiếc xe ô tô đâu, hỏi ông Vũ Duy Quang, Giám đốc và ông Phùng Minh Thoại, Kế toán trưởng công ty các ông đều trả lời không biết. Sau đó các cổ đông và Ban kiểm soát đã làm văn bản hỏi ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh về việc không thấy 5 xe ô tô tại nhà máy thì được ông Chủ tịch HĐQT trả lời bằng văn bản là “5 xe này đã được bán đi, có 4 xe đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp Hà Giang...”.
Tiếp nữa, mua dây chuyền sản xuất gạch Blook của Công ty cổ phần Đồng Tâm trị giá 2 tỷ 696 triệu 142.000 đồng, nhưng mới chỉ có hợp đồng, hóa đơn, chưa có biên bản bàn giao, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Không những thế, ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh còn làm thất thoát một số lượng lớn tài sản, cụ thể như hợp đồng tổng thầu số 199/2007, theo báo cáo tài chính thì công ty đã chuyển 18 tỷ 385 triệu 507.297 đồng tiền đặt cọc cho khách hàng, lãi vay khoảng trên 13 tỷ đồng (1,5% x 54 tháng), ký hợp đồng nhưng không thông qua ĐHĐCĐ theo quy định, như thế đã vi phạm Khoản 1, Điều 13 Điều lệ Công ty, tiền đặt cọc được chuyển cho một công ty khác, số tài khoản khác nhưng không có chỉ định của người ký hợp đồng, không có hồ sơ, tài liệu thể hiện việc thực hiện hợp đồng này, hiện nay công ty vẫn phải trả lãi vay cho khoản tiền đặt cọc trên. Tổng thiệt hại khoảng trên 32 tỷ đồng.
Còn nữa, việc góp vốn của cổ đông Đồng Tâm (Công ty cổ phần Đồng Tâm là của gia đình ông Vũ Duy Chanh, Chủ tịch HĐQT), tổ kiểm tra đã kiểm tra và xác định ông Vũ Duy Chanh đã không nộp đủ và đúng hạn tiền mua cổ phần theo cam kết tại cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 14.6.2009. Cụ thể, năm 2009, khi Công ty tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng, cổ đông Đồng Tâm cam kết góp tổng số là 98,423% vốn điều lệ, tương đương với 49 tỷ 211 triệu 520 ngàn đồng. Theo báo cáo tài chính, trong năm 2009 cổ đông Đồng Tâm đã góp 44 tỷ 700 triệu đồng gồm: góp vốn bằng tiền mặt là 1 tỷ 050 triệu đồng, góp vốn bằng bù trừ công nợ số tiền là 19 tỷđồng, góp vốn từ lợi nhuận chưa phân phối số tiền là 23 tỷ 450 triệu đồng bao gồm Khách sạn Thảo Nguyên tại Thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Nhà văn phòng tại số 1614 đại lộ Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) và 2 ngôi nhà hai tầng tại số 4, đường Nhi Đồng, phường Gia Cẩm, Việt Trì (Phú Thọ). Nhưng khi kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán, đặc biệt là báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2009, tổ kiểm tra phát hiện cổ đông Đồng Tâm nộp thiếu gần 13 tỷ đồng so với cam kết (đây mới chỉ là con số mà tổ kiểm tra tạm tính).
Thật trớ trêu, khi tổ kiểm tra đang thực hiện nhiệm vụ của mình được hơn một ngày phát hiện thấy có những dấu hiệu sai phạm của ông Chủ tịch HĐQT, thì đến 14 giờ ngày hôm sau 17.7.2012phải tạm dừng vì ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh điện thoại chỉ đạo không cho phòng Tài vụ cung cấp chứng từ hồ sơ từ tháng 10.2010 trở về trước, ông đã có 2 văn bản số 90/CV –HĐQT ngày 17.7.2012 và 02/CV – HĐQT ngày 24.7.2012 chỉ đạo tổ kiểm tra với nội dung là: “Hồ sơ báo cáo tài chính những năm 2006 – 2009 đã được kiểm toán và ĐHĐCĐ thông qua, do đó không yêu cầu kiểm tra lại hồ sơ ở chứng từ này. Tổ kiểm tra đánh giá tài sản chỉ được phép kiểm tra hồ sơ chứng từ kế toán, tài sản vật tư hàng hóa tại thời điểm chuyển nhượng cổ phần giữa công ty Đồng Tâm (công ty của ông Chủ tịch HĐQT) với cổ đông Đinh Văn Hiếu từ tháng 10.2010 đến nay. Các nội dung khác không nằm trong danh mục kiểm tra sẽ được thống nhất và quyết định tại ĐHĐCĐ lần tới”. Nội dung văn bản thứ 2 về việc tổ chức ĐHĐCĐ và kiểm tra tài sản là “Không cần thiết phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, yêu cầu đoàn kiểm tra theo Quyết định số 77 và Công văn số 90 dừng triển khai nhiệm vụ kiểm tra”.
Sau khi có 2 văn bản chỉ đạo tổ kiểm tra tạm dừng kiểm tra của ông Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Chanh, ngày 26.7.2012 tổ kiểm tra đã họp và thống nhất không tiếp tục kiểm tra nữa vì nội dung của Quyết định 77/QĐ – HĐQT ngày 10.7.2012 và nội dung chỉ đạo tại 2 văn bản trên mâu thuẫn với nhau. Ngày 25.7.2012, ông Nguyễn Quốc Lập và Hoàng Trọng Trung đại diện cho cổ đông Đoàn Văn An sở hữu 35% vốn điều lệ, Phó chủ tịch HĐQT đã gửi đơn yêu cầu ông Trưởng Ban kiểm soát Nguyễn Minh Nhâm triệu tập ĐHĐCĐ bất thường vì ông Chủ tịch HĐQT đã từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần phổ thông...
Kỳ sau: Vậy đâu là giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh?
Ý kiến bạn đọc