Tăng cường công tác tuyên truyền về biển, đảo

16:48, 28/08/2012

HGĐT- Xuất phát từ những diễn biễn phức tạp về tình hình biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa trong thời gian qua đặt ra công tác tuyền truyền về biển, đảo cần được tăng cường và đi vào chiều sâu. Qua đó nâng cao nhận thức cho toàn dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là vấn đề mấu chốt hiện nay.


Những năm gần đây Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác tuyên tuyền về biển, đảo. Đặc biệt Bộ Quốc phòng đã giao Quân chủng Hải quân ký Chương trình phối hợp tuyên truyền về biển, đảo với hơn 40 tỉnh, thành phố và nhiều cơ quan ban ngành Trung ương, cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và từng bước khẳng định được vai trò nòng cốt trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo trong cả nước; tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.



                       Bộ đội rada - con mắt biển trời trên đảo Trường Sa
           
Hàng năm Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã tổ chức đưa hàng chục Đoàn công tác với hàng nghìn lượt Đại biểu các tỉnh, thành phố, cơ quan ban, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí đi thăm, kiểm tra huyện đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1 tạo sức hút lớn phong trào cả nước hướng về Trường Sa. Bên cạnh đó các lực lượng đóng quân trên quần đảo, nhà dàn DK1 và tàu trực trên các vùng biển đã phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về Luật biển, sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền hàng trăm lượt tàu thuyền của ngư dân (có cả ngư dân nước ngoài) làm ăn trên biển qua đó góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, trước bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa; vấn đề cấp thiết đặt ra cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo đến với mỗi người dân. Do vậy, trong công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

          
Trước hết tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề cốt lõi trong thực hiện thắng lợi NQTW4, khóa X: “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Công tác tuyên truyền phải sâu rộng và có hệ thống, thể hiện được các quan điểm, mục tiêu, các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với các vùng biển, đảo trong cả nước. Quá trình tuyên truyền cần đặc biệt chú ý khai thác, làm rõ những vấn đề có tính pháp lý để khẳng định chủ quyền các vùng biển, đảo của nước ta theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, các văn bản pháp luật của Việt Nam; nhất là cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên biển và kết quả giải quyết về biên giới trên biển giữa Việt Nam với các nước có liên quan; tập trung hướng vào mục tiêu cao nhất là khẳng định chủ quyền, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình trên biển, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa các nước, tránh bị lôi kéo kích động, lợi dụng chia rẽ. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra và định hướng nhận thức tư tưởng kịp thời cho nhân dân. Đặc biệt đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần quán triệt và nắm chắc quan điểm đối ngoại quân sự của Đảng trong tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo “8k” (Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và không để xảy ra xung đột, đụng độ); “4 tránh, 3 không” (“4 tránh”: tránh xung đột về quân sự, tránh bị cô lập về kinh tế, tránh bị cô lập về ngoại giao, tránh bị lệ thuộc về chính trị; “3 không”: không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực”. Đồng thời giáo dục cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nội dung cơ bản Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên đối với biển Đông (DOC). Qua đó góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức rõ chức trách, nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.



  Vừa sẵn sàng chiến đấu vừa làm tốt công tác phòng chống thiên tai
             
Trong công tác tuyên truyền cần làm nổi bật vai trò, nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc như: Quân chủng Hải quân làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hay vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng… Bên cạnh đó Quân chủng Phòng không - Không quân giữ vai trò hết sức quan trọng, đóng vai trò là lực lượng hiệp đồng tác chiến với Hải quân và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay và bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, phát triển kinh tế biển, đảo; tiềm kiếm cứu hộ cứu nạn. Đồng thời tích cực vận động các ngành, các cấp và đặc biệt là ngư dân vươn ra biển khơi để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển vừa giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

           
Tuyên truyền về biển, đảo là vấn đề nhạy cảm do vậy các cấp, các ngành, cơ quan thông tấn báo chí cần hết sức lưu ý tránh những vấn đề không có lợi cho quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Công tác tuyên truyền biển, đảo đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng và cơ quan chuyên môn. Đội ngũ tuyên truyền viên phải được ra soát chặt chẽ,được bồi dưỡng toàn diện về mọi mặt nhất là về bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn. Các cơ quan thông tấn, báo đài khi cử cán bộ đi tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, Nhà dàn DK1 và các đảo xa bờ phải chấp hành nghiêm qui định trong công tác tuyên truyền, thể hiện ý thức trách nhiệm chính trị cao. Phải bảo đảm thông tin kịp thời, tính định hướng cao và cơ sở vững chắc. Công tác tuyên truyền biển, đảo là vấn đề lớn, mang tính hiệp đồng cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và các đối tượng. Đặt ra yêu cầu phải phát huy sức mạnh tổng hợp, có sự thống nhất, tích cực, chủ động thì mới đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Ngoài ra các cơ quan chức năng có các biện pháp quản lý chặt chẽ thông tin tuyên truyền trên mạng internet, nhất là các thông tin, bài viết, hình ảnh xuyên tạc sai sự thật về biển, đảo và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước ta. Cần có những bài viết, nội dung tuyên truyền chính thống có chất lượng, có tính thiết phục cao đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch nhằm âm mưu chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam và các nước xung quanh biển Đông.


 
  Bộ đội Trường Sa đẩy mạnh công tác tăng gia, đánh bắt hảo sản cải thiện đời sống

             
Biển, đảo có vị trị chiến lược rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng và kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh chính trị, kinh tế, pháp lý và ngoại giao. Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về biển, đảo là yêu cầu cấp thiết hiện nay; qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự trên biển và khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Trương Công Pháp (Đảo Trường Sa lớn)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu về lao động ngày càng tăng của địa phương
HGĐT - Lực lượng lao động là một trong những yếu tố quyết định quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần làm tăng trưởng và phát triển KT-XH. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần phải tổ chức đào tạo nghề cho lao động.
28/08/2012
Thành tựu đổi mới
HGĐT- Phấn đấu để đạt được danh hiệu Anh hùng đã khó, làm thế nào để gìn giữ, phát huy được danh hiệu đó lại càng khó hơn? Bên cạnh đó là trách nhiệm của Đảng bộ tỉnh giao cho Bắc Quang lại vô cùng lớn lao, đó là: Bắc Quang “phải” trở thành vùng kinh tế “trọng điểm”, ví như một “đầu tàu” kéo theo nền kinh tế phát triển.Kỳ 1: Theo những nẻo đường kháng chiến
28/08/2012
Vậy đâu là giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh?
HGĐT- Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, nhanh chóng củng cố và đưa công ty đi vào sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, thể theo nguyện vọng của các cổ đông, ngày 4.8.2012, nhóm cổ đông của công ty đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Minh Nhâm, Trưởng Ban kiểm soát (vắng mặt ông chủ tịch HĐQT, giám đốc và kế toán trưởng). >
28/08/2012
Những nguyên nhân mấu chốt
HGĐT- Theo phản ánh của đại bộ phận cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ở Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang, từ tháng 5.2012 đến nay, người lao động ở Công ty không có việc làm, không có lương, nhà máy phải tạm dừng hoạt động, hiện nay cuộc sống của 150 cán bộ, công nhân viên của công ty đang lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Vậy thì nguyên nhân từ đâu?
28/08/2012