Nỗ lực duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường

07:11, 25/08/2012

HGĐT- Hệ thống giao thông có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạch định chính sách phát triển KT-XH của mỗi địa phương. Với điều kiện đặc thù của tỉnh ta nằm cách xa các trung tâm kinh tế, địa hình rộng, chia cắt mạnh, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nhằm rút ngắn khoảng cách với các vùng, miền luôn được đặt lên hàng đầu.



Công ty TNHH MTV Đường bộ 1 khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường đi xã Du Già (Yên Minh).

Những năm gần đây, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để mở mới, nâng cấp các tuyến đường, phong trào mở đường “Đại đoàn kết” đã góp phần đưa mạng lưới giao thông của tỉnh không ngừng phát triển. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cấp, mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hoá của nhân dân. Đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh có trên 7 nghìn km đường các loại, trong đó hệ thống đường quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh có chiều dài 453 km, đường tỉnh lộ dài 379 km, đường huyện dài 1.809 km, đường xã 4.588 km và đường đô thị 175 km. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, rải nhựa xong từ năm 2004 trở về trước, phần lớn nền, mặt đường đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến công tác vận tải hàng hoá, hành khách, người tham gia giao thông, phát sinh các nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn.


Trong hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, duy nhất có tuyến Quốc lộ 2 nối Hà Giang - Hà Nội và các tỉnh miền xuôi được xây dựng đồng bộ, nhưng đến nay phần mặt đường cũng đã xuống cấp. Các tuyến khác như Quốc lộ 4C, 34, 279 và đường địa phương đều có cấp hạng kỹ thuật thấp, đầu tư xây dựng không đồng bộ. Tuyến Quốc lộ 4C chạy qua địa bàn tỉnh được đầu tư từ năm 2008, đến nay vẫn thi công dở dang. Các tuyến đường khai thác, sử dụng chưa được đầu tư, sửa chữa lớn, bảo trì toàn diện, mặt khác kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cầu đường bộ rất thấp so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, đối với các tuyến quốc lộ, định mức duy tu bảo dưỡng năm 2011 là 36,7 triệu đồng/km/năm, đường tỉnh lộ là 30 triệu đồng/km/năm, trong khi đó nhu cầu thực tế là 150 triệu đồng/km/năm.


Với điều kiện đặc thù của tỉnh, hệ thống đường giao thông thường xuyên bị tác động trực tiếp của hiện tượng sạt, lở vào mùa mưa, điều này kết hợp với nguồn kinh phí cấp theo định mức thấp khiến công tác duy tu, bảo dưỡng đảm bảo an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ảnh hưởng do lượng lớn đất, đá sạt, lở, vùi lấp, gây đứt, gãy mặt đường... khối lượng thiệt hại nhiều tỷ đồng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của ngành Giao thông, tính đến đầu tháng 8, các tuyến đường như: Quốc lộ 4C, khối lượng đất sạt trên 3 nghìn m3, lượng bùn tràn lấp mặt đường trên 1,3 nghìn m3; Quốc lộ 34 khối lượng đất sạt 19,5 nghìn m3; đường Yên Bình - Cốc Pài, lượng đất sạt, lở cần đào hót 10,3 nghìn m3; Ngọc Minh - Mậu Duệ, lượng đất sạt đào hót 60,2 nghìn m3; Bắc Quang - Xín Mần, đào hót trên 23,6 nghìn m3 đất sạt... giá trị khối lượng duy tu, bảo dưỡng, khắc phục hậu quả thiên tai, ước tính trên 17,6 tỷ đồng. Trong đó, các tuyến Quốc lộ 34, 4C, 279 thiệt hại trên 7 tỷ đồng, tuyến tỉnh lộ trên 9 tỷ đồng, sửa chữa cầu Khâu Lầu và Suối Đỏ trên 1 tỷ đồng. Thế nhưng, nguồn kinh phí bố trí hàng năm thường không đáp ứng được yêu cầu đặt ra, năm 2010 ngân sách địa phương cấp còn thiếu 1,7 tỷ đồng, năm 2011 còn nợ 793 triệu đồng và năm 2012 kế hoạch cấp 1 tỷ đồng, ngân sách T.Ư năm 2011 còn nợ 1,4 tỷ đồng...


Nhu cầu đảm bảo giao thông trên các tuyến đường luôn là yêu cầu cấp bách, vì vậy ngành Giao thông đã chủ động đối phó, đặc biệt vào mùa mưa bão, các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng thường trực, xử lý mọi tình huống xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất. Trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 và số 4 vừa qua, nhiều tuyến đường bị thiệt hại nặng như tuyến Quốc lộ 34, đường Bắc Quang - Xín Mần, đường đi Du Già (Yên Minh), mỗi điểm sạt, lở khối lượng lên đến hàng chục nghìn m3 đất, đá, các đơn vị được giao quản lý, duy tu bảo dưỡng, khắc phục hậu quả đã kịp thời huy động phương tiện máy móc, nhân lực tham gia khắc phục hậu quả, đảm bảo thông tuyến sớm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. “Công tác duy tu, bảo dưỡng, khắc phục hậu quả sạt, lở trên các tuyến đường được tiến hành kịp thời, hiệu quả trong cả những điều kiện khó khăn, phức tạp đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện đi lại”, đồng chí Cù Duy Man - Phó Giám đốc Sở GT-VT chia sẻ như vậy.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần giúp người dân tránh những “chiếc bẫy” trên phố
HGĐT- Sau khi được công nhận là đô thị loại III, thành phố Hà Giang đã có sự chuyển biến không nhỏ về bộ mặt đô thị, nhiều tuyến phố được chỉnh trang. Tuy nhiên, thời gian qua, tại không ít những tuyến phố đã xuất hiện những điểm nắp bê tông trên các rãnh thoát nước bị các phương tiện vận tải chèn vỡ, gẫy, bị mất. Từ đó, vô hình tạo nên những chiếc bẫy nguy hiểm với người đi
24/08/2012
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Mèo Vạc lần thứ 16, nhiệm kỳ 2012 – 2017
HGĐT - Sáng ngày 23.8, huyện Mèo Vạc tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2012 – 2017.
23/08/2012
Quang Bình thiệt hại gần 600 triệu đồng do ảnh hưởng của bão số 5
HGĐT- Trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh ta nói chung và huyện Quang Bình nói riêng đã bị ảnh hưởng cơn bão số 5.
23/08/2012
Bắc Quang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 5
HGĐT- Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã xảy ra những thiệt hại không nhỏ về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thông tin của huyện cho biết, đã có 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 3 nhà bị hư hỏng nặng; 126 nhà bị tốc mái, hư hỏng nhẹ. Mưa bão cũng khiến 1 hội trường thôn, 2 nhà lớp học, 1 phòng khám khu vực bị tốc mái...
23/08/2012