Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu về lao động ngày càng tăng của địa phương
HGĐT - Lực lượng lao động là một trong những yếu tố quyết định quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần làm tăng trưởng và phát triển KT-XH. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần phải tổ chức đào tạo nghề cho lao động.
Theo đó, trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, có hiệu quả bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động tối đa mọi nguồn lực gắn với lồng ghép các chương trình và tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động; giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tăng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao dân trí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người lao động...
Nghề rèn đồ dùng dân dụng truyền thống được khôi phục tại nhiều địa phương, tạo nguồn thu nhập khá ổn định cho người lao động.
Nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước đã ban hành Luật Dạy nghề và hệ thống các văn bản quản lý Nhà nước về dạy nghề; ban hành những chương trình, đề án về dạy nghề cho từng giai đoạn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và bố trí kinh phí đầu tư cho các hoạt động này. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là trong lĩnh vực về: “Nâng cao chất lượng đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, cho biết: “Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước và tổ chức triển khai, thực hiện công tác đào tạo nghề, Sở luôn xác định muốn đẩy nhanh sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế Quốc tế, phải tập trung đầu tư cho các cơ sở dạy nghề về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên; quy hoạch nâng cấp mạng lưới cơ sở dạy nghề và đánh giá, xếp hạng; kiểm định chất lượng dạy nghề... Vì thế, trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực, được các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể, người lao động tham gia; huy động được nhiều nguồn lực về kinh tế thông qua các chương trình, mục tiêu. Nhờ đó, số lượng lao động tham gia học nghề ngày càng tăng, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 10,8% năm 2006 lên 27,3% năm 2011...”. Qua tìm hiểu được biết: Theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tỉnh và nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn, cuối năm 2011, Bộ LĐ-TBXH đã quyết định nâng cấp trường Trung cấp Nghề tỉnh lên thành trường Cao đẳng Nghề; UBND tỉnh quyết định nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang lên thành trường Trung cấp Nghề. Cùng với đó, đầu năm 2012 đã thành lập mới một Trung tâm Dạy nghề. Nhờ đó chất lượng đào tạo nghề của tỉnh đã từng bước được nâng lên, phần nào đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của từng địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Để tìm hiểu kỹ hơn về công tác nâng cao chất lượng đào tạo lao động trên địa bàn, chúng tôi đã về với trường Trung cấp Nghề Bắc Quang trong những ngày cuối hè. Một mặt bằng khá rộng và trên đó là những ngôi nhà 2 tầng mới hoàn thành còn thơm mùi sơn đã sẵn sàng cho những khóa học mới. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi cảm nhận ngay được khi đặt chân tới ngôi trường mới đó chính là sức trẻ, lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Đây chính là lợi thế đáng kể khi mà thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Tới đây, những cán bộ, giảng viên trẻ có trình độ và lòng tâm huyết với nghề sẽ tỏa về khắp mọi bản, làng truyền đạt những cách làm mới, phương pháp hay cho người lao động nông thôn bằng cả truyền thống của một ngôi trường đã có một quá trình lâu dài gắn bó với người lao động. Trường Trung cấp Nghề Bắc Quang, sau 6 năm hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc nâng cấp chất lượng lao động nông thôn, giảm tỉ lệ thất nghiệp, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Sau khi người lao động được đào tạo nghề chính quy, bài bản, nhiều học viên đã tự tìm được việc làm, ổn định thu nhập. Riêng đối với học viên học các nghề về nông nghiệp, kết thúc khóa học đã chủ động áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn các xã, thị trấn. Với học viên nghề thủ công nghiệp như mây, tre đan, làm tăm hương cho các HTX đều có mức thu nhập bình quân đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy còn gặp khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, trong 7 tháng đầu năm 2012, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được 14 lớp, với gần 440 học viên học các nghề: Mây, tre đan; bện chổi chít; chăn nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng dân dụng...
Với những động thái quyết liệt cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo lao động trên địa bàn toàn tỉnh, trong năm 2011, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo nghề cho gần 17.300 người, đạt 110,3% kế hoạch và năm 2012, dự kiến sẽ đạo tạo nghề cho trên 15.000 lao động; tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 70%. Qua đó, sẽ nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 27,3% năm 2011 lên gần 30% vào cuối năm 2012. Mục tiêu đó sẽ đạt và vượt vì hiện công tác đào tạo nghề được phát triển cả về quy mô, ngành nghề đào tạo; về số lượng, chất lượng đào tạo với phương châm đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, như: Dạy tại cơ sở đào tạo, lưu động tại cụm xã, thôn, bản. Các mô hình dạy nghề đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của người lao động, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững và chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.
Ý kiến bạn đọc