Một Bí thư Đoàn xã năng động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Trong chuyến xuống cơ sở lần này, tôi đi theo một ý định khác. Cũng tại hôm trước chị Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã điện cho tôi: "Này anh nhà báo ạ, anh Thào Chờ Sáu lại hiến mảnh đất nữa để xây dựng trường mầm non cho bản, vậy mà không có kinh phí, chẳng biết lấy đâu ra tiền để đầu tư xây dựng cả...".
Thế là tôi lại vượt núi, trèo đèo tìm đến xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, Hà Giang. Nhưng lần này không gặp được Thào Chờ Sáu mà lại gặp Bí thư đoàn xã Lục Thị Lan, một tổ trưởng tổ đại biểu Hội đồng nhân dân phụ trách hai bản xa nhất, khó khăn nhất của xã là Kẹp A và Kẹp B.
Lan có nụ cười đôn hậu nhưng cũng không giấu nổi sự trẻ trung, sôi nổi của một cán bộ đoàn. Là người dân tộc Tày, sinh ra trên mảnh đất Minh Sơn này, Lan hiểu rõ quê mình hơn ai hết, một vùng quê sâu xa, đói nghèo và cũng không ít khó khăn. Với địa hình núi cao, ruộng đất canh tác ít, tập quán canh tác lạc hậu, mãi rồi vẫn cứ ở cái xã "vùng ba". Nếu không đổi mới, không bỏ tập quán canh tác cũ, nếu không tìm ra hướng đi thích hợp mà bền vững thì có được hỗ trợ mãi cũng sẽ tái nghèo thôi. Phải đi tìm "cái cần câu", chứ quyết định không xin mãi con cá được. Đó là ý nghĩ của Lan mà cũng là quyết tâm chung của Đảng ủy, chính quyền xã Minh Sơn. Nhưng muốn thực hiện được điều đó không phải một sớm, một chiều, mà phải phấn đấu bằng tất cả những gì mình có thể. Qua nhiều năm phấn đấu, Lan đã trở thành một đoàn viên ưu tú, một mô hình điểm về phát triển kinh tế trong gia đình trẻ của xã. Với cách làm ruộng thâm canh, trồng ngô giống mới, nuôi lợn thịt, chăn cá, thả vịt, trồng rừng. Bằng những nỗ lực của mình và sự giúp đỡ của chi đoàn, của cán bộ đảng viên cơ sở, năm 2006, Lan được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Lan cũng được sự tín nhiệm của thế hệ trẻ Minh Sơn, đại hội đoàn khoá 2006 - 2012, cô được bầu làm Bí thư xã đoàn.
Không chần chừ, không ỷ lại, Lục Thị Lan tranh thủ ý kiến của Đảng ủy, của gia đình, bạn bè, Lan xuống cùng cơ sở, xây dựng, củng cố lại tổ chức đoàn, phát động phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bằng những việc làm cụ thể, gắn với đồng ruộng, với vườn, ao, chuồng, rừng núi của địa phương vận động đoàn viên, thanh niên làm kinh tế. Những mô hình kinh tế hộ đoàn viên, thanh niên, gia đình trẻ ra đời phù hợp với những điều kiện thực tiễn của từng hộ. Như mô hình thâm canh giống mới, mô hình trồng rau màu, cây lương thực vụ đông, mô hình trồng chè, nuôi cá ruộng, chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà thả vườn... Cứ thế, những mô hình thanh niên "tự nhiên hương", nhân rộng trong thôn, trong bản, được nhân dân và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn toàn xã đón nhận. Cũng trong dịp này, Lan đã cùng với ban chấp hành đoàn củng cố lại những chi đoàn yếu kém, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên còn hạn chế về nhận thức và tiến hành thành lập 2 chi đoàn mới. Đặc biệt là việc thu hút thanh niên trong xã tham gia sinh hoạt tại hội thanh niên, xây dựng tổ hội, cùng với đoàn viên và các tổ chức đoàn thể khác hưởng ứng nhiều phong trào của đoàn, của hội. Như việc làm đất phơi ải, gieo trồng lúa theo phương thức mới, đưa nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp vào đồng ruộng.
Lan tâm sự: Không đơn giản đâu anh, em cũng là người dân tộc em biết, để thay đổi một tập quán thì không dễ gì. Ngay việc đưa chuồng trại chăn nuôi, đưa công trình vệ sinh ra xa nhà thôi cũng lại đòi hỏi có cả một quá trình. Khi xã em được chọn làm điểm của huyện Bắc Mê về vệ sinh môi trường nông thôn cũng gặp không ít khó khăn. Mưa dầm thấm lâu, cứ dần dần tuyên truyền, thuyết phục, không chỉ ở những buổi sinh hoạt đoàn, sinh hoạt hội mà ở bất cứ cuộc hội họp nào có thể. Điều quan trọng là chính mình phải đầu tàu gương mẫu, chỉ còn một cán bộ, một đảng viên, đoàn viên không làm thì cũng khó mà vận động được quần chúng nhân dân. Trồng cây gì? nuôi con gì? không đơn giản là năng suất, còn đầu ra, còn chất lượng, giá trị hàng hoá, mà mình không thành công thì coi đó là thất bại chung cho cả địa bàn. Cũng may, chồng em, anh Hoàng Văn Lê cũng là đại biểu Hội đồng nhân dân, hiện anh là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Du Tiến, huyện Yên Minh, cách nhà chừng hơn ba mươi cây số. Chúng em cũng chỉ mới có một cậu con trai 8 tuổi, nên dẫu sao em có sự hậu thuẫn, đồng tình của chồng, có điều kiện để hoạt động. Là đại biểu của dân, chúng em càng hiểu nhau, vợ chồng em đều tâm đắc một điều, công việc của đại biểu không chỉ là giám sát, không chỉ là lắng nghe ý kiến cử tri, mà còn điều quan trọng nữa là dân cần ở mình cái gì? và mình làm cái gì cho dân ngay tại thôn bản và gia đình họ? Hơn nữa em lại là bí thư đoàn, mình không năng động, không tích cực thì còn nói được ai. Muốn thế, trước tiên gia đình mình phải gương mẫu, kể cả bố mẹ đôi bên, họ hàng, mình phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân để làm những gì có lợi cho thôn, cho xóm...
"Lục Thị Lan nói là làm, làm là đến nơi, đến chốn", đấy là nhận xét không riêng gì cán bộ xã Minh Sơn mà của cả bà con, của đoàn viên, thanh niên ở bản Kẹp A, Kẹp B nơi tổ hội đồng nhân dân của Lan phụ trách hay ở Ngọc Chì nơi gia đình Lan sinh sống. Lan đặc biệt quan tâm tới những dự án kinh tế nhằm phát triển bền vững và hướng dẫn, đưa tuổi trẻ vào cuộc với cách làm chu đáo và có tính khả thi cao. Như dự án phát triển cây chè, thành lập hợp tác xã chế biến chè. Hiện toàn xã có hơn 100ha chè cho thu hoạch và đều do đoàn viên đảm trách. Hay dự án trồng cỏ, chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng ở Kẹp A, Kẹp B cũng do thanh niên đoàn viên đảm nhiệm, đến nay đã có trên 200 con trâu bò thương phẩm. Đồng thời có nhiều mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi cá và tổ chức trang trại đa thu nhập nhỏ và siêu nhỏ.
Khi làm việc với chi đoàn thôn Lùng Quốc, một chi đoàn được đánh giá là mạnh, anh Thào Mí Phư, Bí thư chi đoàn và là đại biểu Hội đồng nhân dân hay anh bí thư chi đoàn bản Kẹp B, Giàng Mí Nô đều nhận xét: "Bí thư Lan là người năng động, sáng tạo, luôn hoàn thành trách nhiệm của mình. Điều đó cũng đã được khẳng định và nhận được sự tín nhiệm của đoàn viên, thanh niên toàn xã, trong đại hội Đoàn, nhiệm kỳ 2012 - 2016 tháng 3 vừa qua, chị Lan có số phiếu bầu cao nhất. Lan được tái bầu làm Bí thư đoàn xã..."
Hiện nay tổ chức đoàn xã Minh Sơn có gần 300 đoàn viên và gần 1.000 thanh niên, trong đó có 86 đoàn viên là đảng viên và 13 người là đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Một trăm phần trăm đoàn viên đã thoát đói, số hộ đoàn viên thanh niên còn nghèo thì chỉ ở trong diện "bất khả kháng" như đau ốm, bệnh tật, tai nạn hay hoạn nạn. Công tác đoàn thanh niên ở Minh Sơn luôn được huyện đoàn Bắc Mê đánh giá cao trong suốt nhiêm kỳ qua và những tháng đầu nhiệm kỳ mới. Lục Thị Lan, người Bí thư xã đoàn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát huy được cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bằng những việc làm thiết thực của mình. Điều đáng nói là đi đến đâu cũng được nghe đoàn viên, thanh niên, nhân dân nói về gia đình trẻ, đại biểu của dân "Lê - Lan", như nói về một tấm gương của tuổi trẻ trên vùng "núi sáng".
Ý kiến bạn đọc