Bắc Quang viết tiếp trang sử Anh hùng
Theo những nẻo đường kháng chiến
HGĐT- Nền móng đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8.1945 của tỉnh bắt đầu từ huyện Bắc Quang mà Tiểu khu Trọng Con là cội nguồn. Chiến khu xưa, trải qua thăng trầm lịch sử và các thời kỳ dựng nền độc lập, xây dựng đất nước, Bắc Quang đã làm tròn sứ mệnh của mình, vươn lên thành “đầu tàu” phát triển kinh tế tại tỉnh nhà. Bắc Quang, huyện đã được Đảng, Nhà nước ta phong tặng Anh hùng. Ngày hôm nay đang viết tiếp trang sử đỏ hào hùng đó trong lòng dân tộc.
Đường vào chiến khu xưa đang nối dài các miền quê đổi mới.
Dừng chân tại ngã ba Pác Há, tấm biển chỉ dẫn đỏ: Tiểu khu cách mạng Trọng Con. Lối mòn khi xưa nay đã thành con đường trải nhựa rực lên trong sớm Thu về. Đồng xanh, rừng cũng xanh, trải dài trên đường vào Chiến khu xưa.
Nhớ lại vào thời gian này năm ngoái, tôi cùng các anh lãnh đạo huyện Bắc Quang đến thăm cụ Ma Thị Lâm, người cán bộ lão thành của Đảng từ ngày đầu xây dựng phong trào cách mạng tại khu Trọng Con trước Khởi nghĩa tháng 8.1945. Năm nay cụ Lâm đã gần 90 tuổi, mắt đã mờ, tai cũng đã không còn trong nữa. Trong câu chuyện về ngày đầu những năm bốn lăm khi anh giáo tên Bút về làng, đến ở nhà cụ Ma Tường Phương, xã Hồng Minh khi xưa, xã Bằng Hành ngày nay dạy học thì mẹ nhớ như in: Cách đấy độ 7 – 8 năm về trước, khi ấy cụ Lâm còn nhỏ, đã từng được tham gia vào các lớp học chữ do thầy giáo Bút dẫn dắt. Vào độ tuổi mười tám, đôi mươi, cụ Lâm mới hay biết thầy giáo Bút được Đảng, Bác, cử về từ Cao Bằng, đến xã Hồng Minh kiếm cớ dạy học để giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân trong vùng. Thầy giáo Bút đến ở tại nhà cụ Ma Tường Phương. Cụ Ma tường Phương lúc bấy giờ đang làm Phó Tổng khu Bằng Hành cho thực dân Pháp. Trong quá trình ăn, ở, dạy học không lấy tiền trẻ em nghèo như cánh cụ Lâm thời đó, cùng đức tính trân thành, cởi mở, gần gũi nhân dân của thầy Bút đã dần dần cảm hoá cụ Phương giác ngộ đi theo Đảng, làm việc cho cán bộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng. Khi cụ Lâm nhận ra vai trò tổ chức xây dựng phong trào cách mạng tại làng quê mình thì cũng là lúc thầy giáo Bút rời khỏi Hồng Minh về lại Cao Bằng chuẩn bị cho việc thành lập phong trào cách mạng quần chúng tại Trọng Con. Vai trò cầm lái tạm thời sau khi thầy Bút đi được giao lại cho cụ Ma Tường Phương. Cụ Ma Tường Phương đã khôn khéo che mắt thực dân, giác ngộ cách mạng. Cụ Phương cùng cụ Nam Long, Vi Văn Xuân “ngầm” tổ chức lực lượng trong dân chuẩn bị đón cán bộ của Đảng về Tổng Bằng Hành chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa vũ trang lật đổ chế độ thực dân năm 1945.
Dừng lại đôi chút, khuôn mặt cụ Lâm trở nên trầm lắng. Có lẽ sự trầm ngâm đó đang trở về quá khứ gian nan, hào hùng của một thời tuổi trẻ tham gia phong trào cứu nước, đánh Tây, đuổi Nhật đã đi qua. Cụ Lâm kể tiếp: Ngày đó, trong khu Tổng Bằng Hành do thực dân Pháp đặt ra để cai trị dân ta gồm 6 xã phía Đông huyện Bắc Quang ngày nay. Cả vùng này khi xưa đồi núi rậm rạp, đường mòn, địa bàn chia cắt bởi con sông Lô chảy qua Phố Sảo hôm nay. Sự cách biệt trên đã tạo cho Tổng Bằng Hành trở thành Tiểu khu độc lập rất khó kiểm soát. Dựa vào lợi thế trên mà Đảng, Bác Hồ đã chọn nơi này để nhen nhóm hoạt động cách mạng, tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng. Sau thời gian chuẩn bị lực lượng, đến ngày 4.4.1945, cụ Lâm cùng theo đoàn do cụ Ma Tường Phương, cụ Nam Long, cụ Vi Văn Xuân bí mật dẫn đầu đi đón ông Bế Triều từ con đèo vắt ngang dãy núi đá từ xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hoá – Tuyên Quang về Bằng Hành. Ông Bế Triều dẫn đầu đội quân cách mạng của Đảng về đây gồm 57 chiến sĩ tự vệ. Do tình hình cách mạng cấp bách chuẩn bị cướp chính quyền từ tay thực dân. Chỉ sau một ngày về Bằng Hành, dưới sự lãnh đạo của cụ Bế Triều, Uỷ ban Xã bộ Việt Minh đã được thành lập (5.4.1945) bao gồm các tổ chức: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc và Nông hội cứu quốc (Hội nông dân). Từ đấy, phong trào cách mạng được chuẩn bị từ trước cứ nối nhau bùng lên như sấm dậy tại các xã: Ngày 6.4, tổ chức cách mạng được thành lập tại xã Cao Đường (Đức Xuân); ngày 8.4 tại xã Quý Quân (Hữu Sản); ngày 12.4 thành lập tại xã Hồng Minh (Bằng Hành), đến ngày 14 và 15.4.1945 tổ chức cách mạng đã thành lập tại xã Kim Đồng (Kim Ngọc), Minh Khai (Sảo) và Xuân Trường (Vô Điếm) ngày nay. Phong trào cách mạnh từ Trọng Con cứ thế lan dần lên các xã của huyện Vị Xuyên, lan sang Tiểu khu Gia Tự, về Bắc Quang, Tân Trịnh... tạo thành làn sóng đấu tranh giành chính quyền từ tay thực dân Pháp vào tháng 8.1945. Những con người như cụ Vi Văn Xuân, Ma Trọng Độ, Ma Xuân Trường, Ma Tường Phương... đối với cụ Lâm hôm nay đều là những người con trung hiếu với dân, với Đảng đã một thời cùng nhau sát cách làm nên cuộc cách mạng dân tộc tại chiến khu xưa.
Hôm nay đây, dừng chân trên Quốc lộ 279, đứng trên cầu Thác Vệ khi xưa để hình dung về những ngày đầu luyện quân củađội quân cách mạng mới hay: Cánh đồng Nà Mi lúa mùa đang thời con gái, nó cũng tựa như sức trẻ khi xưa của đội quân trẻ dưới sự dẫn dắt của cụ Bế Triều, ngày đêm rèn gươm, luyện súng, hun nấu chí căm thù quân xâm lược. Bên cánh đồng xanh, bụi tre già nép bên bờ suối Vệ, nơi che bóng mát cho đội quân cách mạng luyện rèn xưa kia còn đó. Kia nữa, bên kia Thác Vệ là đồi Thác Vệ cây cối um tùm còn nguyên đây, đấy là trung tâm chỉ huy đội quân cách mạng ngay từ ngày đầu thành lập vẫn được tôn tạo, tu bổ, gìn giữ hàng năm. Thăm lại chiến khu xưa đúng vào mùa thu Tháng 8. Lần tìm theo dấu ấn lịch sử tại Tiểu khu cách mạng Trọng Con để cảm nhận sự lãnh đạo sáng suốt, sự lựa chọn tài tình của Đảng, Bác Hồ kính yêu khi chọn nơi này đặt “nền móng” cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đầu tiên ở Việt Nam, tại Hà Giang và vùng Đông Nam Á, trong cuộc đấu tranh đánh đổ sự đô hộ của thực dân, phong kiến. Xem lại các di vật lịch sử của các cụ: Bế Triều, Ma Tường Phương, Vi Văn Xuân, Ma Trọng Độ tại nhà lưu niệm là những bộ áo vải bạc màu, nhuộm mưa nắng, thấm đẫm máu sương, gào thét tiếng gọi tự do dân tộc. Kia là vũ khí thô sơ: Súng trường, gậy, giáo mác... và cả lòng quả cảm của toàn dân đứng lên làm cách mạng đang còn đây, ngay dưới Đài tưởng niệm tự do hôm nay cho đồng xanh, rừng xanh, làng quê yên bình, trải dài theo chiều dài đất nước. Bằng Hành, Hữu Sản, Đức Xuân, Sảo, hay xã Liên Hiệp bây giờ đều đã thành các xã vệ tinh trong vùng kinh tế “động lực” của tỉnh Hà Giang đang trên đà phát triển. Tại đây điện, đường, trường, trạm... đã làm thay đổi diện mạo vùng quê kháng chiến khi xưa.
Con đường kháng chiến khi xưa nay đã nối dài qua đèo về xã Hồng Quang, Minh Đức, Quang Minh, huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) và chạy dọc theo Quốc lộ 279 về Bắc Kạn, Cao Bằng. Con đường cách mạng này cũng đã nối liền các xã trong Tiểu khu cách mạng Trọng Con, vượt sông Lô qua cây cầu Sảo, xã Cố Minh Khai khi xưa để bắt nhịp vào Quốc lộ 2, đi Nam, lên Bắc, hoà nhịp trong công cuộc đổi thay của cả đất nước, cả dân tộc. Theo dấu con đường vào khu cách mạng Trọng Con cách đây 67 năm về trước, để nhìn rõ hơn công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế theo con đường cách mạng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Quang đã và đang tô thắm hơn trên con đường cách mạng đó. Bắc Quang, huyện Anh hùng và đang phấn đấu trên danh hiệu cao cả đó.
Tháng 8.2012.
Ý kiến bạn đọc