Vượt lên "nỗi đau thời chiến"!
HGĐT- Trong những ngày máu lửa hào hùng của dân tộc, hàng nghìn người con Hà Giang hăng hái lên đường nhập ngũ. Chiến tranh qua đi, nhiều người không trở về, nhiều người để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Cuộc chiến đã lùi xa, những vết thương cũng đang lành, trong cuộc sống đời thường, thân nhân các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh vẫn luôn phát huy truyền thống, tích cực lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày TBLS, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Lý Quang Thái, Giám đốc Sở LĐ-TBXH.
- PV: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Lời dạy của người cách đây mấy mươi năm đã trở thành ngọn đuốc soi đường, nguồn động lực để mỗi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ nén đau thương, vươn lên khẳng định bản chất “Anh bộ đội cụ Hồ”?
- Đồng chí Lý Quang Thái: Đúng vậy, khắc ghi lời dạy của Bác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ luôn phát huy, giữ vững phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Dù bước ra khỏi cuộc chiến với một cơ thể không lành lặn, người thì để lại một chân, một tay hoặc hai chân, hai tay... ở chiến trường, những khi trời trở gió, vết thương lại hành hạ, nhưng họ luôn biết chế ngự, vượt lên hoàn cảnh. Khắp các địa phương trong tỉnh, ở đâu cũng có những gương thương binh điển hình về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu rất đáng khâm phục như thương binh 4/4 Phạm Xuân Bản, thị trấn Yên Bình (Quang Bình). Rời chiến trường biên giới Tây
- PV: Đi qua cuộc chiến, nhiều người trở về với cơ thể không lành lặn, nhưng được như vậy đã là niềm vui, hạnh phúc của bao gia đình. Còn nhiều người phải lẻ loi, một mình gặm nhấm nỗi đau khi người thân không trở về, nhưng họ luôn biết vượt qua mất mát, sống xứng đáng với sự hy sinh của chồng, con?
- Đồng chí Lý Quang Thái: Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, vết thương đang dần liền da, nhưng để vượt qua sự mất mát người thân đòi hỏi phải có một quá trình. Chúng ta rất khâm phục khi biết có rất nhiều người mẹ, người vợ đã nén nỗi đau mất chồng, mất con thành sức mạnh giúp họ vừa đảm nhiệm tốt vai trò, chức trách với gia đình, vừa tích cực tham gia hoạt động xã hội. Tiêu biểu trong số đó là chị Lê Thị Loan, vợ liệt sỹ Hoàng Quốc Toàn, trú tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang). Anh Hoàng Quốc Toàn hy sinh năm 1982 tại xã Phú Lũng (Yên Minh) để lại cho chị 2 con thơ dại. Nhưng chị đã vượt qua nỗi đau, nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống để xứng đáng với sự hy sinh của chồng. Trong công việc chuyên môn, chị đã làm tốt vai trò của nhà giáo, năm 2002 chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, năm 2003 là giáo viên xuất sắc cấp tỉnh và được Báo Lao động tặng Bằng khen. Trong gia đình, chị đã làm tốt vai trò người mẹ, chăm lo, nuôi dạy 2 con khôn lớn, học hành thành đạt. Chị là gương phụ nữ “Ba đảm đang”, xứng đáng để mọi người học tập.
- PV: Sự vươn lên, vượt qua khó khăn của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, có sự trợ giúp đắc lực của toàn xã hội?
- Đồng chí Lý Quang Thái: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh ta đã thực sự làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ. Những năm gần đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát huy và nhân rộng, đến nay toàn tỉnh có 186/195 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công, 98% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc khá hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Nhiều tập thể, cá nhân đã làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ như: Viễn Thông Hà Giang,thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà thân nhân gia đình liệt sỹ nhân dịp lễ tết, nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH Phùng Thị Liền, xã Linh Hồ (Vị Xuyên). Hay như, VietinBank Hà Giang đã ủng hộ trên 200 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lan, xã Minh Ngọc (Bắc Mê).
- PV: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng các gia đình chính sách vẫn còn nhiều khó khăn, tỉnh ta có những hoạt động cụ thể gì để giúp đỡ họ?
- Đồng chí Lý Quang Thái: Trong những năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã và đang phát triển với những việc làm cụ thể như gây Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây nhà tình nghĩa, tình thương, phụng dưỡng Mẹ VNAH, giúp đỡ chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực được nảy nở từ cơ sở. Hưởng ứng phong trào này, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 8,5 tỷ đồng, xây mới 226 nhà tình nghĩa, sửa chữa 153 nhà, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tặng 250 Sổ tiết kiệm tình nghĩa, 3 Mẹ VNAH còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng hết đời; con thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ được quan tâm, được bố trí sắp xếp việc làm...
- PV: Bù đắp lại những đau thương, mất mát, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Các chính sách đó được tỉnh ta thực hiện như thế nào?
- Đồng chí Lý Quang Thái: “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng sự hy sinh, mất mát của các thương binh, gia đình liệt sỹ, tỉnh ta đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước như: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, cùng hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi được Nhà nước ban hành. Các chính sách này được thực hiện đã có tác dụng to lớn, sâu rộng, được toàn dân, toàn quân hưởng ứng, trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội. Việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh đã và đang được các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết một cách tích cực như xác nhận liệt sỹ, thương binh, chính sách thanh niên xung phong, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, chính sách đối người tham gia kháng chiến sau ngày 30.4.1975, chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... đã thực sự động viên, hỗ trợ những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trong cuộc sống, giúp họ vượt qua những nỗi đau của thời chiến để lại.
- PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc