Về Đồng Văn những ngày tháng Bảy

07:29, 24/07/2012

HGĐT- Trong những ngày cả nước nghiêng mình tưởng nhớ sự hi sinh quên mình của các liệt sỹ thì ở Đồng Văn cũng đang dấy lên phong trào chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ trong toàn huyện. Nhiều thương binh đã vượt lên thương tật, điều kiện khó khăn để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.



              Thương binh Thào Mí Thò và gia đình bên ngôi nhà Tình nghĩa.

Sự quan tâm của xã hội:

Không chỉ vào những ngày tháng 7, việc chăm lo đời sống sinh hoạt, lao động cho các đối tượng đã được huyện Đồng Văn thực hiện thường xuyên ở mọi cấp, mọi ngành và cộng đồng dân cư. Toàn huyện có 72 gia đình thương binh, liệt sỹ với 76 đối tượng, trong đó có 39 đối tượng là bệnh binh, thương binh, nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sỹ... được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước 48,6 triệu đồng mỗi tháng. Bênh cạnh việc chi trả tiền trợ cấp hàng tháng, trong năm 2011, huyện đã trích từ Quỹ “Đền ơn - đáp nghĩa” và các nguồn tài trợ xây Nhà tình nghĩa cho bà Thào Thị Vá, thân nhân của liệt sỹ Giàng Mí Pó tại xã Lũng Cú; Tráng Thị Xia, thân nhân của liệt sỹ Thào Mí Sò tại xã Phố Cáo, mỗi nhà trị giá 80 triệu đồng. Tặng 10 Sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 3 triệu đồng (số Sổ tiết kiệm được tặng luân phiên hằng năm cho các đối tượng trong toàn huyện). Tặng quà nhân dịp lễ, tết, ngày 27.7 hằng năm mỗi suất quà trị giá 200 ngàn đồng. Những con số về mặt vật chất như trên phần nào thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với những người con đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc, bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lăng của các thế lực thù địch.


Là huyện biên giới vùng cao núi đá, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên những khó khăn, vất vả người dân nơi đây phải đối mặt còn rất nhiều. Trong sự khó khăn chung đó, cộng đồng dân cư nơi đây đã phát huy truyền thống quý báu từ sự đoàn kết, lòng nhân ái, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, chống chọi với thiên nhiên, từng bước tạo ra cho mình cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Tất cả các gia đình thương binh, liệt sỹ ở bất cứ khu dân cư nào của Đồng Văn cũng nhận được sự thương yêu, chăm lo săn sóc của cộng đồng dân cư. Đối với các gia đình liệt sỹ, bà con hàng xóm thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ sự mất mát của gia đình; đối với các thương binh, khi thời tiết thay đổi ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của họ, khi đó, tình làng, nghĩa xóm được thể hiện rõ nét bằng sự chăm sóc ân cần, chu đáo. Hầu hết mọi công việc lớn nhỏ của gia đình các thương binh, liệt sỹ đều có sự góp công, góp sức, góp tiền của của cộng đồng nơi họ sinh sống. Từ đó thấy được rằng những tình cảm yêu thương, trân trọng, nâng đỡ của đồng bào đối với những gia đình thương binh, liệt sỹ đáng quý biết bao.


Vượt lên nỗi đau, làm giàu chính đáng:

Trong số những thương binh của huyện Đồng Văn có không ít người vượt lên nỗi đau thương tật, vượt lên những chật vật, khó khăn trong cuộc sống để vươn lên làm giàu chính đáng không những tự phục vụ cho bản thân, cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế cho cả cộng đồng, xã hội.


Được sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Hữu Long, Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện, chúng tôi đến thăm một số thương bình điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả. Nằm cách thị trấn Đồng Văn khoảng 6 km, thôn Hấu Đề, xã Thài Phìn Tủng là nơi sinh ra, lớn lên của thương binh Lầu Thèn Sò. Khi từ chiến trường trở về quê hương, với chiếc nạng gỗ bên hông, Lầu Thèn Sò không khỏi chạnh lòng, tự ti trong cuộc sống. Nhưng với tinh thần, phẩm chất của người lính, anh đã vượt lên rất nhiều khó khăn để trở thành một điển hình về phát triển kinh tế của thôn Hấu Đề. Dựa vào điều kiện tự nhiên của thôn, anh đã đầu tư phát triển đàn bò hàng hóa, chăn nuôi lợn, trồng lúa nước đặc sản... Ngoài mức trợ cấp thương binh 2/4, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 70 triệu đồng. Thương binh 1/4 Thào Mí Thò tại thôn Đoàn Kết, thị trấn Đồng Văn lại có cách phát triển kinh tế khác. Với đồng vốn ít ỏi anh đã cố gắng mua một chiếc xe máy để hành nghề vận chuyển khách (xe ôm). Sau một thời gian hành nghề xe ôm, với bản tính thật thà, nghiêm túc, anh được tín nhiệm bầu làm Đội trưởng đội xe ôm tự quản của thị trấn. Đội xe ôm của anh được Ban quản lý chợ Đồng Văn tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, trông giữ xe trong những ngày chợ. Số tiền thu nhập từ dịch vụ này được nhập vào quỹ của Đội để trích ra giúp đỡ các thành viên khi cần thiết. Anh Thò cho biết, Mỗi ngày bình quân thu nhập từ chở khách đi xe ôm được khoảng 100 ngàn đồng. Ngoài việc chở khách có nhu cầu, anh đã hướng dẫn những thành viên trong gia đình chăn nuôi bò hàng hóa. Có những lúc gia đình anh chăn nuôi 7 con bò (Trị giá mỗi con khi bán từ 13 – 16 triệu đồng). Thời điểm chúng tôi đến thăm, gia đình anh vừa bán được 4 con bò, thu 67 triệu đồng, trừ vốn và chi phí chăm sóc còn lại 30 triệu đồng. Theo anh cho biết, mỗi năm tổng thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng, đủ để trang trải nuôi 3 đứa con ăn học. Anh cũng rất tự hào giới thiệu về 3 người con của mình: “Thằng cả là Thào Mí Giàng, hiện nay đang học thiếu sinh quân ở trường Quân sự tỉnh thằng 2 và đứa gái bé học lớp 9 và lớp 5 tại thị trấn Đồng Văn. Các cháu được Nhà nước quan tâm lắm”. Điều mong mỏi nhất của anh bây giờ là các cháu được nuôi dạy trưởng thành, sau này có công ăn việc làm, góp phần xây dựng quê hương.

Những con số về thu nhập của các thương binh ở Đồng Văn mặc dù chưa cao nhưng phần nào đã góp phần vào việc tự xóa đói, giảm nghèo, trang trải được một phần nhu cầu trong cuộc sống. Trên hết, số tiền đó được làm ra từ công sức, trí tuệ của những người thương binh, họ luôn có ý thức không cam chịu đói nghèo, trông chờ, ỷ lại mà luôn tự thân vận động vươn lên những điều mình có thể thực hiện được. Nỗi đau mất mát rồi cũng vơi dần, nỗi đau thể xác rồi cũng vượt qua. Đấy phải chăng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ”.


AN DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làm tốt công tác “Đền ơn - đáp nghĩa” là cách tri ân sâu sắc nhất với người có công
HGĐT- Xác định làm tốt công tác “Đền ơn – Đáp nghĩa” là cách tri ân sâu sắc nhất đối với những người có công với Tổ quốc, với mong muốn làm dịu đi những hy sinh mất mát của những người, những gia đình đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Không chỉ là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh, trong những năm qua, thành phố Hà
24/07/2012
Tỏa sáng đạo lý “Uống nước - nhớ nguồn”
HGĐT- Trong những năm qua, công tác chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Minh.
24/07/2012
Nơi cơn lũ đi qua
HGĐT- Đoàn cán bộ Agribank Hà Giang chúng tôi về Bắc Mê khi cơn lũ vừa đi qua, con đường Quốc lộ 32 qua trung tâm xã Lạc Nông vào trung tâm thị trấn Yên Phú vẫn còn nguyên dấu tích tàn phá của cơn lũ. Phải mất mấy chặng dừng xe chờ thông tuyến chúng tôi mới vào tới trung tâm thị trấn Yên Phú khi cơn mưa vừa tạnh.
23/07/2012
Ngoạn mục 4.000 bạn trẻ tạo kỷ lục với giọt máu khổng lồ
Trong ngày hội “Giọt hồng tri ân” diễn ra hôm nay (22/7), hơn 4.000 bạn trẻ đã tạo nên kỷ lục đáng nhớ khi tạo thành hình giọt máu khổng lồ đầy ngoạn mục với hình ảnh sao vàng 5 cánh ở chính giữa.
23/07/2012