Thượng Sơn cần tuyến đường hoàn chỉnh
HGĐT - Những ngày hè này, theo chân các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chúng tôi có dịp về với Thượng Sơn (Vị Xuyên) - quê hương của đặc sản chè Shan tuyết thơm ngọt, đã làm say đắm biết bao người mê trà. Với cái địa danh ngắn gọn đó cũng đủ làm cho mọi người, khi nhắc đến là nghĩ tới ngay một vùng đất rất cao, xa và... rất sâu.
Quả đúng vậy, để về với Thượng Sơn, dù đi bất cứ phương tiện nào từ xe gắn máy cho tới ô-tô, dường như cả người và xe đều phải gồng mình vượt dốc. Con dốc ấy dài lắm làm cho ta có cảm giác như lên tới “đỉnh trời”. Nhưng cũng chính bởi độ cao đó, trên 1.000m so với mặt nước biển, đã và đang mang lại cho mảnh đất này các lợi thế vùng miền to lớn mà không phải nơi nào cũng có được.
Những loại đặc sản đã trở thành thương hiệu, tiềm năng riêng, gắn chặt với điều kiện tự nhiên của nơi đây như cây chè Shan tuyết... Hiện toàn xã có gần 1.070ha chè; diện tích cây thảo quả có gần 600ha và được người dân chăm sóc rất cẩn thận, đang sinh trưởng tốt. Đây chính là 2 cây thế mạnh, tạo nguồn thu nhập chính, ổn định của bà con nông dân nơi đây. Trong 6 tháng đầu năm, với diện tích gần 800ha chè đang cho thu hoạch, người dân đã thu hái với năng suất đạt hơn 13 tạ/ha chè tươi, sản lượng đạt trên 341 tấn. Cây chè cùng với cây thảo quả và một số loại cây nông nghiệp khác đã, đang thực sự mang lại cuộc sống ấm no và trở thành cây trồng không thể thiếu của nhiều gia đình trong xã. Ngoài những cây trồng thế mạnh, người dân trong xã rất chú trọng phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm. Và cũng nhờ các cấp chính quyền xã luôn làm tốt công tác lãnh, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho đàn gia súc kết hợp với triển khai cho tất cả các thôn, bản ký cam kết với gần 1.000 hộ dân không được thả rông gia súc đã giúp tổng đàn luôn duy trì và phát triển ổn định với gần 3.000 con trâu, bò. Phát triển chăn nuôi không chỉ mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho người dân mà còn giúp bà con tiết kiệm được kinh phí đầu tư phân bón cho phát triển nông nghiệp.
Qua tìm hiểu thực tế được biết: Cách mà người dân nơi đây đang làm là các loại cây ngắn ngày trước đây chỉ được trồng gối vụ trên diện tích đất nông nghiệp sau khi thu hoạch, nay đã được trồng xen kẽ vào các vườn cây ăn quả, vườn rừng, giữa các luống ngô... Đây chính là cách làm hay mà nhiều nơi, nhiều vùng đã áp dụng thành công, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người lao động trên một đơn vị diện tích canh tác bằng cách quay vòng đất với các cây trồng ngắn ngày; nhiều hộ gia đình của Thượng Sơn không những đảm bảo nguồn lương thực mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Điều quan trọng nữa là đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, phá vỡ thế độc canh của những giống cây địa phương cho năng suất, sản lượng thấp trước đây, chuyển mạnh theo hướng thị trường, khai thác tối đa tiềm năng đất nông nghiệp vùng cao.
Tuy nhiên, với địa thế, tiềm năng của vùng đất rất tốt cho phát triển nông, lâm nghiệp, cuộc sống của người dân đã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây. Nhưng cái sự giàu thì dường như vẫn còn rất xa với với bà con. Toàn xã hiện có gần 1.100 hộ, với hơn 5.300 khẩu và tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm rất cao, trên 2.000 người. Với một lượng lao động hùng hậu như vậy cộng với tinh thần chịu khó lao động, sản xuất đúng ra tỉ lệ hộ khá, giàu phải chiếm rất cao nhưng thực tế thì ngược lại. Hiện toàn xã vẫn còn trên 600 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ hơn 55%, hộ cận nghèo còn gần 130 hộ và hộ giàu chỉ có 36 hộ, chiếm 3,4%. Vậy với tiềm năng, thế mạnh là vậy và nguyên nhân do đâu mà người dân vẫn nghèo trên nguồn tài nguyên phong phú, sản phẩm đa dạng và con người thì luôn miệt mài lao động. Phải chăng do chính con đường đã gây lên sự cản trở đó? Qua cảm nhận của chúng tôi: Thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây nên sự đói, nghèo cho bà con. Một phần là do thời tiết trong những năm gần đây luôn diễn biến bất thường, mưa to, gió lốc, rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại không nhỏ tới người, tài sản và hoa màu, gia súc, gia cầm; phần nữa là do chính người dân chưa năng động để tiếp cận với thị trường nên sản phẩm làm ra chưa thực sự trở thành hàng hóa và một điều nữa mà sau chuyến thực tế tại Thượng Sơn, chúng tôi nhận thấy điều đã, đang cản trở người dân nơi đây chính là con đường từ Quốc lộ 2 vào đến trung tâm xã. Hiện nay dù tuyến đường đó đã được nâng cấp khá hoàn chỉnh nhưng vẫn bị đứt đoạn bởi những con suối chảy ngang qua đường, nếu vào mùa khô thì đi lại thuận lợi, còn vào mùa mưa, chỉ cần sau một, hai trận mưa to là toàn xã bị cô lập hoàn toàn. Và nếu cứ tiếp tục như vậy, sản phẩm nông sản của bà con có làm ra được nhiều bao nhiêu cũng khó trở thành hàng hóa được nếu chưa được đầu tư xây dựng những đập tràn hoặc cầu xây kiên cố nối liền tuyến đường vào xã, và tỉ lệ hộ khá, giàu của Thượng Sơn khó mà tăng lên. Mong muốn của toàn thể người dân sinh sống nơi đây đã và đang cần lắm một con đường hoàn chỉnh để thoát khỏi đói nghèo...
Ý kiến bạn đọc