Sinh viên và hè trải nghiệm vùng cao
Hàng ngàn sinh viên tình nguyện (SVTN) đang bám trụ ở những nơi khó khăn nhất ở vùng cao từ nam ra bắc để giúp bà con, các em nhỏ cải thiện cuộc sống.
SVTN giúp dân vùng cao hái chè.
Tại Đăk Lăk, 250 SVTN ĐH Tây Nguyên toả về 25 điểm khó khăn của 5 huyện sâu xa nhất. Nguyễn Thị Hồng Nhung (SV năm 4 ngành y, nhóm trưởng buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) chia sẻ: “Hôm mới xuống buôn, các bạn nữ lần đầu tiên xa nhà khóc suốt, sau đó nhóm cam kết “cấm khóc”.
Nhờ sống tập thể, người trong buôn thân thiện nên chúng em cũng dễ hòa nhập. Ở đây, chúng em được bà con cho từng quả ổi, trái mít, chuối… Vui nhất là đi tuyên truyền sức khỏe sinh sản, nhiều bà con chỉ cười khi nghe nhắc đến chuyện ấy”.
Tại địa bàn vung sâu, các SVTN phải học cách sống và làm việc theo nhóm, nhiều vùng còn chưa có điện nên cuộc sống càng khó khăn.
Y Kem Ênuôl, SV năm 2 - khoa Giáo dục Chính trị cho biết: “Dù khó khăn nhưng bù lại chúng em có được kinh nghiệm sống. Công việc của em là dạy học, vừa đi làm giúp đỡ các gia đình nghèo”.
Trước khi vào đại học Y Kem đi nghĩa vụ quân sự ở trung đoàn 95, sư đoàn 2, quân khu V nên đã quen với mọi hoàn cảnh.
Đến xã Cư Pui, huyện Krông Bông, trong cái nắng hầm hập, bạn Bùi Văn Sang, Nguyễn Thị Bích Ngọc bị cảm phải tạm nằm nghỉ trong khi các bạn khác vẫn cặm cụi làm việc.
Dương Mỹ Lan, cử nhân điều dưỡng, cho hay: “Kể từ khi xuống đây bạn nào cũng bị ốm. Ngoài việc dạy học, làm vệ sinh môi trường… các bạn nam còn đi đào giếng. Theo em, cái khó nhất khi về buôn là bất đồng về ngôn ngữ”.
Anh Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn ĐH Tây Nguyên cho biết: “Do mưa nhiều, đã có 18 em bị ốm, 1 em phải xuất quân sớm vì sốt xuất huyết. Đến nay, các nhóm SVTN đã làm mới hơn 24 km đường liên thôn, 6 sân bóng chuyền và nhiều phần việc nhỏ. Điều quan trọng, các em có một mùa hè với nhiều trải nghiệm thiết thực”.
Tại Thanh Hóa, sáng 22-7, tỉnh Đoàn đưa hơn 200 SVTN đến 5 xã khó khăn của huyện vùng cao Mường Lát, phối hợp với ĐVTN địa phương trồng rừng và hoạt động tình nguyện: Tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn chuyển giao thiết bị kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi; hỗ trợ, giúp nhân dân trồng rừng; tổ chức, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt thiếu nhi và các hoạt động khác...
Đội SVTN vì Hà Giang phát triển gồm những sinh viên quê Hà Giang hiện học tại Hà Nội, có sáng kiến chế biến cám gạo thành sản phẩm chăm sóc sắc đẹp để gây quỹ từ thiện.
Đội đặt mục tiêu quyên góp ủng hộ 20 giường tầng, 40 chai nước vệ sinh, 400 bộ bát thìa, 500 bộ quần áo... tặng học sinh trường nội trú Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang).
Đội SVTN về quê thu mua cám gạo sạch giá rẻ, mang về sàng lọc, sơ chế và đóng túi. Sản phẩm được đem bán với giá 35.000đ/kg.
Nhờ tận dụng tiện ích từ các mạng xã hội, chỉ sau thời gian ngắn, sản phẩm làm đẹp hoàn toàn tự nhiên của Đội được nhiều người biết đến và đặt hàng. Đội còn bán quần áo qua mạng gây quỹ.
Ý kiến bạn đọc