Người cán bộ Đoàn tiêu biểu ở Trạm Rađa đảo Trường Sa lớn
HGĐT- Đến với đảo Trường Sa lớn, xuất hiện trong các chương trình giao lưu văn nghệ hình ảnh một người lính màu áo xanh da trời của Quân chủng Phòng không – Không quân với chất giọng ngọt ngào, sâu lắng đi vào lòng người cùng với các ca khúc như: Nơi ấy là Trường Sa, Tâm tình người lính đảo… Đó là Thiếu úy Đỗ Hữu Trung, nhân viên Thông tin, người cán bộ đoàn nhiệt huyết, năng nổ ở Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377.
Thiếu úy Đỗ Hữu Trung (người cầm đàn ghita).
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ngoại thành ở Đông Sơn, Chương Mỹ (Hà Nội),nơi nổi tiếng với rất nhiều làng nghề truyền thống. Học xong Trung học Phổ thông, Đỗ Hữu Trung lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc và cuộc đời binh nghiệp của anh bắt đầu từ đấy. Đơn vị anh công tác thuộc Sư đoàn 377, một đơn vị anh hùng có bề dày truyền thống làm nhiệm vụ quản lí, bảo vệ vùng trời Nam Trung Bộ và quần đảo Trường Sa thân yêu. Đáp lại sự yêu mến và niềm tin của gia đình, anh đã phấn đấu chăm chỉ rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được. Ghi nhận sự phấn đấu của anh, năm 2008, Đỗ Hữu Trung được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong quân đội và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ra đảo từ tháng 12/2010, gần 20 tháng công tác ở Trường Sa. Thiếu úy Đỗ Hữu Trung tâm sự: “Được ra đảo công tác là niềm vui và tự hào của em anh ạ! Ở nơi đây em có điều kiện được phấn đấu rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt, đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình bảo vệ chủ quyền Trường Sa”. Thật vậy, không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt, kịp thời và chính xác, trên cương vị là Phó Bí thư BCH Chi đoàn đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy nhiều hoạt động phong trào thiết thực, đẩy mạnh hoạt động bề nổi của đơn vị. Với năng khiếu bẩm sinh, Thiếu úy Đỗ Hữu Trung có một chất giọng ngọt ngào, khỏe khoắn, sâu lắng, đi vào lòng người. Anh là hình ảnh, “biểu tượng” của người “Chiến sỹ PK-KQ ưu tú” ở Trường Sa, là hạt nhân không thể thiếu trong Đội văn nghệ của đảo.
Khi nói về anh, Thiếu tá Nguyễn Mậu Thông, Trạm trưởng Trạm ra đa 11 tâm sự: “Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người cán bộ trong quân đội. Trung là người con hiếu thảo, luôn quan tâm đến gia đình, giúp đỡ cho bố mẹ ở quê nhà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải lo chi phí cho 2 em đang là sinh viên; kinh tế cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng mỗi năm hai vụ. Biết được sự khó khăn của gia đình, Đỗ Hữu Trung đã tích góp số tiền lương có được chia sẻ cùng bố mẹ nuôi 2 em ăn học”.
Ở giữa đại dương bao la muôn trùng sóng, cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhiệm vụ canh trực SSCĐ căng thẳng nhưng lúc nào anh cũng vô tư, yêu đời, sống chan hòa đoàn kết với mọi người và được chỉ huy, đơn vị quí mến. Khi được hỏi mơ ước của Trung,anh chia sẻ: “Em muốn được tiếp tục đi học. Được học ở một trường văn hóa nghệ thuật và cống hiến nhiều hơn nữa cho quân đội luôn là mơ ước của em”. Vâng! ước mơ tuy giản dị nhưng rất thanh cao, tin rằng với sự phấn đấu của anh thì một ngày nào đó ước mơ sẽ trở thành hiện thực.
TRƯƠNG CÔNG PHÁP
(Đảo Trường Sa lớn)
Ý kiến bạn đọc