Mô hình tổ an ninh đảm bảo giao thông cách làm hay ở Hoàng Su Phì
HGĐT- “Khi trên địa bàn xã xảy ra mưa lớn, Tổ an ninh thôn, xóm sẽ đi tuần tra, kịp thời phát hiện, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục sự cố sạt, lở trên các tuyến đường. Nhờ có lực lượng phản ứng nhanh này nên các tuyến đường giao thông luôn đảm bảo thông suốt” – Đó là những lời nhận xét của người dân dành cho Tổ an ninh thôn, xóm khi chúng tôi đến mảnh đất miền Tây Hoàng Su Phì vào những ngày mùa mưa tháng 7.
Các tuyến đường trên địa bàn Hoàng Su Phì thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giao thông thông suốt.
Nhằm kiểm chứng thực tế, chúng tôi đã dong ruổi trên các tuyến đường mới xảy ra sạt, lở như đường xã Pố Lồ sạt lở 3 nghìn m3 đất, Tân Tiến - Túng Sán khoảng 5 nghìn m3... nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã được khắc phục, đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hoá của nhân dân.
Trong đợt mưa xảy ra trên diện rộng thời gian vừa qua, huyện Hoàng Su Phì có 21/25 địa bàn xảy ra sạt, lở với tổng khối lượng đất đá gần 14 nghìn m3. Các điểm sạt, lở không lớn nhưng xảy ra trên diện rộng, một số tuyến ô tô không đi được như đường Bản Máy, Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài, Bản Phùng... đã nhanh chóng được khắc phục. Phương án đảm bảo giao thông khi xảy ra mưa lũ, sạt, lở của Hoàng Su Phì đó là: Các tuyến đường có khối lượng sạt, lở nhỏ, nằm trên địa bàn xã nào thì xã đó chủ động sử dụng kinh phí sự nghiệp giao thông để khắc phục; các tuyến đường khối lượng sạt, lở lớn như tuyến km 18, 38 Thông Nguyên, Vinh Quang - Pờ Ly Ngài, km76-Bản Phùng, huyện kịp thời huy động phương tiện máy móc, nhân lực khắc phục sự cố, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Trong đó, việc duy trì hoạt động của Tổ an ninh thôn, xóm đảm bảo giao thông rất được coi trọng, phù hợp điều kiện thực tế và đã phát huy hiệu quả.
Huyện Hoàng Su Phì quản lý trên 300km đường ô tô từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, thị trấn, đường liên xã, liên huyện, đường biên giới; trên 600km đường thôn, xóm chiều rộng từ 2,5-4,8m; 145/198 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn; 21/25 xã, thị trấn có đường bê tông kiên cố. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá của cư dân trong vùng với các địa phương lân cận, nhưng các tuyến đường trên lại thường xuyên xảy ra sạt, lở khi mùa mưa đến. Nguyên nhân của tình trạng trên, do địa bàn Hoàng Su Phì nằm trên nền đất kết cấu yếu, địa hình chia cắt mạnh, nhiều núi cao, vực sâu nên chỉ cần một trận mưa cũng khiến lượng lớn đất, đá từ trên núi trượt xuống, vùi lấp mặt đường, sạt, lở hàm ếch phía taluy âm gây đứt, gãy, mất đường...
Những năm qua, Hoàng Su Phì là địa phương có nhiều thành tích phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, phong trào lao động công ích mở đường đã góp phần đưa hệ thống giao thông ngày càng phát triển. “Việc mở đường thì dễ nhưng để bảo vệ được đường lại rất khó khăn” - đồng chí Trần Quốc Huy, Trưởng phòng Công thương huyện chia sẻ như vậy. Sở dĩ có hiện tượng trên là do hệ thống cống, rãnh thoát nước dọc đường chưa được quan tâm đúng mức. Khi xảy ra mưa, đất đá sạt xuống vùi lấp hệ thống cống rãnh khiến nó không phát huy tác dụng tiêu, thoát nước bảo vệ mặt đường.
Một trong những khó khăn nữa đó là địa bàn huyện rộng, mạng lưới giao thông lớn nhưng lực lượng cán bộ và nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông bố trí hàng năm rất hạn hẹp. Bình quân mỗi cán bộ phòng Công thương đảm trách 43 km đường giao thông, còn nguồn vốn sự nghiệp cấp năm nay là 1,5 tỷ đồng, mỗi xã được cấp 100 triệu đồng, chỉ đáp ứng được 10% nên đòi hỏi phải có sự vận động linh hoạt các nguồn lực đảm bảo giao thông. Vì vậy, ngoài việc phân công cán bộ phụ trách tuyến nhằm kịp thời phát hiện, có phương án xử lý các tình huống xảy ra, UBND huyện đã giao trách nhiệm phụ trách đoạn đường cho các doanh nghiệp thi công, khi xảy ra sự cố phải nhanh chóng huy động phương tiện, người đến vị trí sạt, lở để khắc phục hậu quả. Đối với các tuyến đường xã, thôn, xóm được giao cho Tổ an ninh thôn, xóm đảm bảo giao thông. Sau một thời gian hoạt động, mô hình này đã phát huy hiệu quả thực sự, nhờ hoạt động tuần tra thường xuyên nên nhanh chóng phát hiện các vị trí, địa bàn xảy ra sự cố, huy động lực lượng dân quân, nhân dân trong xã tham gia khắc phục với phương châm “4 tại chỗ”. Chỉ những vị trí nào khối lượng sạt, lở lớn, lực lượng tại chỗ không thể khắc phục được mới báo cáo về huyện xin cấp thuốc nổ, huy động máy móc.
Những năm gần đây, công tác đảm bảo giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ trên địa bàn huyện luôn phát huy hiệu quả. Các điểm xảy ra sạt, lở dù đường liên huyện, liên xã hay đường thôn, xóm đều được phát hiện, xử lý kịp thời. Kết quả đó có vai trò, sự đóng góp quan trọng của Tổ an ninh thôn, xóm đảm bảo giao thông. Lực lượng này đã phát hiện nhanh, có phương án xử lý kịp thời, báo cáo khi cần thiết nên đã khắc phục được sự cố, đảm bảo giao thông trên địa bàn được thông suốt, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của địa phương.
Ý kiến bạn đọc