Kỷ niệm 62 năm thành lập lực lượng TNXP: Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng…
08:17, 16/07/2012
Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những chàng trai, cô gái tuổi 18, 20 đã sống, chiến đấu, hy sinh anh dũng trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Đúng ngày này 62 năm về trước, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã chỉ thị việc thành lập “Đội TNXP công tác Trung ương” đầu tiên. Họ đã ngày đêm có mặt tại các tuyến lửa, cung đường, trọng điểm đánh phá ác liệt của địch - những túi bom của không quân Mỹ, vừa làm nhiệm vụ mở đường, vừa bảo vệ đường, bảo vệ các đoàn quân và xe ra tiền tuyến, họ đã vượt lên cái chết, đem lại sự sống cho chiến trường.
Gần một nửa thế kỷ trôi qua, có nhiều người con hy sinh đã được trở về quê nhà, nhưng cũng còn rất nhiều người khác vẫn nằm lại chiến trường. Không chỉ đảm bảo về chính sách, việc tìm kiếm, cất bốc và an táng các liệt sỹ TNXP nói riêng, trong số gần 300 ngàn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt đang là niềm mong mỏi của rất nhiều địa phương, rất nhiều gia đình và thân nhân liệt sỹ.
Đúng 46 năm sau ngày hy sinh trên con đường 20 Quyết Thắng, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, liệt sỹ Nguyễn Thị Dạnh đã được đồng đội tìm thấy hài cốt. Ra chiến trường ở tuổi 18, 46 năm sau chị mới trở về với quê hương, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Lễ truy điệu và an táng được 2 tỉnh Hà Nam và Quảng Bình tổ chức trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sỹ quê nhà.
Trong số những người có mặt hôm nay, có những đồng đội của chị, có người đã trực tiếp an táng chị 46 năm về trước dưới làn bom đạn ác liệt nơi chiến trường. Anh Cách, anh Bi, anh Ninh, anh Bàn, chị Hoa, chị Hạnh, chị Sim… giờ đã trở thành cô, bác, ông bà… nhưng trong họ, ký ức như chỉ mới ngày hôm qua.
Ông Nguyễn Văn Bi, cựu TNXP đường 20 Quyết Thắng nói: “Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đến đồng đội của tôi, được Ban Thương binh - xã hội tỉnh Quảng Bình đưa hài cốt của đồng đội tôi về quê hương, chúng tôi không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn”.
Ông Nguyễn Công Cách, cựu TNXP đường 20 Quyết Thắng, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Nhân Khang, Lý Nhân, Hà Nam kể: “Anh chị em đang nghỉ ăn cơm trưa thì quả rốc-két thứ hai phóng xuống, Đại đội của tôi hy sinh một lúc 6 đồng chí, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Thị Dạnh, đồng chí Dạnh hy sinh lúc 11h30 ngày 13/3/1966”.
Tháng 3/1966, con đường 20 Quyết Thắng, con đường mang số tuổi của các chàng trai, cô gái tuổi 18, hai mươi, con đường chiến lược dài 123 km nối Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam lúc đó, chỉ còn đúng hơn 1 tháng nữa là hoàn thành. Đây cũng là con đường thấm máu của bộ đội, thanh niên xung phong các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình. Nơi đây, trung bình mỗi chiến sỹ phải chịu 1.000 quả bom đạn các loại và trong 6 năm, 552 bộ đội và thanh niên xung phong đã hy sinh trên con đường này.
Hàng chục năm sau chiến tranh, việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt của các liệt sỹ gặp vô vàn khó khăn. Hy sinh dưới bom đạn, nhưng ngay cả thi thể các chiến sỹ cũng không còn vì bom đạn cày xới. Còn rất nhiều liệt sỹ TNXP, trong gần 300 ngàn người con ưu tú của dân tộc vẫn chưa được tìm thấy sau khi chiến tranh đã kết thúc nhiều thập kỷ. Mất mát trong chiến tranh và cả nỗi đau sau chiến tranh, trách nhiệm vẫn còn đè nặng lên thế hệ hôm nay.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Bình cho biết: “Ngoài chiến trường miền Nam, thì Quảng Bình là hậu phương mà đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá, nơi đây rất nhiều người hy sinh, đặc biệt là con em các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi sẽ làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất và cố gắng tìm ra nhiều mộ liệt sỹ đang nằm trên quê hương Quảng Bình. Còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và chưa được yên nghỉ nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Tôi muốn mọi người, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm tìm kiếm, quy tập, làm sao để các liệt sỹ được về với quê hương”.
Một người con nữa đã trở về với quê hương, đất mẹ. Những công việc lặng lẽ và âm thầm thời hậu chiến vẫn đang được các cấp, các ngành, nhiều tổ chức và cá nhân thực hiện.
Tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh vô bờ bến của lực lượng TNXP, lực lượng được Bác Hồ chỉ thị thành lập vào tháng 7/1950 đã được chính Đại tướng Võ Nguyễn Giáp ca ngợi khi ông trực tiếp thị sát tại chiến trường: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên”.
Ý kiến bạn đọc