Bài học kinh nghiệm trong việc cứu hộ, cứu nạn từ vụ sạt, lở đất ở thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện (TPHG)
HGĐT- Ngày nắng, đêm mưa rất to kéo dài nhiều ngày, đó là diễn biến đặc trưng của thời tiết thời gian gần đây khiến những cơ quan, hộ gia đình sống ở nơi có nguy cơ sạt, lở cao luôn trong tình trạng bất an, lo lắng đến tính mạng, tài sản của mình.
Vẫn còn những ngôi nhà nằm trong diện nguy cơ cao về sạt, lở trên địa bàn thành phố.
Trận mưa như trút nước đêm 11.7 kéo dài nhiều giờ đã gây ra sạt, lở đất nghiêm trọng tại tổ 2, thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện (TPHG), vùi lấp toàn bộ ngôi nhà ông Vũ Thế Mười. Khi vụ sạt, lở xảy ra trong nhà có một người, nạn nhân là anh Nguyễn Thanh Hồng, sinh năm 1982 (người ở trọ gia đình ông Mười). Ngay sau khi xảy ra sạt, lở, lãnh đạo thành phố Hà Giang đã huy động lực lượng công an, quân đội đến hiện trường, cùng với lãnh đạo, nhân dân sở tại điều động máy móc đào bới hơn 3 tiếng đồng hồ cứu được nạn nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hà Giang có mặt tại hiện trường, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, chủ lực là Công an, Quân đội và người dân sở tại, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Giang, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn thành phố đã làm việc với tinh thần cao độ, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trong tình thế núi đất có thể tiếp tục sạt bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng bản thân. Cùng với máy xúc, cuốc, xẻng, đào bới một lượng lớn đất đá trong thế hết sức bất lợi, cần đến sự bản lĩnh, tỉnh táo, để cứu sống nạn nhân với thời gian nhanh nhất; đội ngũ y, bác sĩ đã túc trực thường xuyên, kịp thời sơ cứu, tiêm thuốc sát trùng, cùng với phương tiện sẵn sàng vận chuyển nạn nhân khi được giải cứu.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Thái Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang cho biết: Để làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, hàng năm, trước mùa mưa lũ, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của thành phố đã họp, bàn với các đơn vị thành viên, các xã, phường, triển khai phương án giải quyết, đối phó với các tình huống; rà soát, di dời người dân ở những nơi có nguy cơ cao ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện thành phố đang triển khai Đề án di dời 17 hộ trong diện phải di dời, đến nay đã thực hiện được 14 hộ; đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về nguy cơ, hậu quả nếu xảy ra lũ quét, sạt, lở đất là rất khốc liệt, khó lường, mà nguyên nhân chính là do nhu cầu của con người làm thay đổi kết cấu địa chất, thay đổi dòng chảy, như khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là san, ủi đồi, núi để làm công trình, nhà ở trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay... Qua việc giải cứu thành công nạn nhân Nguyễn Thanh Hồng ở thôn Cầu Mè, Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang cho biết thêm, bài học kinh nghiệm quý rút ra đó là, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố, đặc biệt là Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn phải thường xuyên túc trực, sẵn sàng đối phó với những tình huống bất thường, nhất là trong mùa mưa lũ; công tác thông tin liên lạc phải thường xuyên cập nhật, thông suốt giữa các cấp... Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ việc san, ủi đồi, núi... Tuy nhiên, mặc dù đã có quy định và văn bản chỉ đạo yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi san ủi đồi, núi làm đất ở phải tuân thủ đúng những quy định của thành phố như chuyển quyền mục đích sử dụng đất, có phương án kỹ thuật thi công, chống sạt, lở nhưng vẫn còn những tổ chức, cá nhân coi thường pháp luật, bất chấp sự nguy hiểm tính mạng của bản thân và cộng đồng cố tình vi phạm những quy định của Nhà nước về đất đai, trực tiếp làm tăng nguy cơ cho chính bản thân, gia đình mình và xã hội.
Hiện tại, thành phố Hà Giang vẫn còn một vài nơi bị san, ủi nham nhở, nhiều ngôi nhà lọt thỏm trong những đồi cao ngất, màu đất đỏ au. Không ai dám chắc sẽ không xảy ra những thảm họa nghiêm trọng về người và tài sản và cũng không ai dám khẳng định những thảm họa tiếp theo sẽ được may mắn như vụ sạt, lở đất ở thôn Cầu Mè nếu không có phương án đối phó kịp thời.
Ý kiến bạn đọc