Thành phố Hà Giang khởi sắc từ những vùng quê
HGĐT- Chúng tôi có dịp đến các xã ngoại thành thuộc thành phố Hà Giang, không khỏi ngỡ ngàng trước trước những đổi thay của các thôn, bản. Những cánh đồng lúa trĩu bông, nhiều tuyến đường giao thông mấp mô, lầy lội ngày nào, nay được thay bằng những con đường bê - tông tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển trao đổi hàng hóa.
Các tuyến đường liên thôn ở xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đều được bê - tông hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhiều mô hình sản xuất đã và đang triển khai thu hút nhiều người dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới (NTM) mang dáng vẻ của thành phố miền núi nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mỗi vùng quê.
Bước chuyển mình từ nền tảng nông nghiệp:
Điểm thuận lợi của các xã thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn thành phố là nằm giáp ranh với trung tâm thành phố, do đó các địa phương dành nhiều tâm huyết chính là tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; Xây dựng các mô hình kinh tế, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sử dụng đất.
Xã Phương Độ được coi là điểm sáng trong xây dựng NTM của thành phố, trước khi bắt tay vào xây dựng hạ tầng kinh tế theo tiêu chí xây dựng NTM, Phương Độ là xã thuần nông, trình độ canh tác và đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế. Sau khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, bằng nguồn vốn hỗ trợ của thành phố và kinh phí của địa phương, xã tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh lúa, ngô và các loại cây trồng khác, khuyến khích nhân dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện nay trên địa bàn có một số mô hình kinh tế, hợp tác xã sản xuất có hiệu quả như: Hợp tác xã chế biến nông lâm sản Nà Thác, Lùng Vài; mô hình trồng rau chuyên canh, dưa chuột tại thôn Tha,thôn Tân Tiến... Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã đã khuyến khích tạo điều kiện cho phát triển ngành nghề thủ công nghiệp nhỏ như chế biến gỗ, chè, xay xát, sản xuất vật liệu xây dựng... tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, góp phần tăng thêm thu nhập. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng được duy trì thường xuyên với nhiều hoạt động đổi mới, thu hút đông đảo du khách gần xa đến thăm quan và nghỉ lại. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của các hộ gia đình ngày càng được nâng cao. Đến xã Phương Độ những ngày này, đường làng, thôn xóm đều tấp nập cảnh người dân vận chuyển cát, sỏi, xi măng để làm đường, ở đâu cũng thấy người dân nói đến chuyện xây dựng NTM. Ông Nguyễn Trung Giáp, thôn Núp vui vẻ nói: “Chính nhờ xây dựng NTM mà diện mạo nông thôn đang thay đổi từng ngày, trước kia đường đi đến các thôn, bản trong xã chỉ là đường cấp khối tạm thời, nhiều đoạn đường đất đi lại rất khó khăn. Còn bây giờ đường đã được đổ bê tông, không những thuận lợi cho con em đến trường mà còn giúp bà con nhân dân trong xã thuận tiện trong việc đi lại, trao đổi mua sắm hàng hóa, chúng tôi thực sự được thụ hưởng lợi ích từ những công trình Nhà nước đầu tư xây dựng”. Từ khi phát động phong trào xây dựng NTM đến nay, nhân dân đã hiến hơn 1.666m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp để mở rộng đường liên thôn, đóng góp 893 ngày công lao động. Đến nay, toàn xã đã hoàn thành 1674,9m đường giao thông trục thôn, 3.711m đường liên hộ vào các gia đình.
Ngay sau khi được phê duyệt và quy hoạch đề án NTM, xã Phương Thiện cũng đang bắt tay vào xây dựng đề án. Ông Kiều Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã cho biết: từ khi triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi, hiện nay chúng tôi đang thực hiện phong trào khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, bắt đầu sản xuất từ đồng ruộng. Hiện xã đã triển khai các mô hình có hiệu quả như nuôi nhím (tại thôn Châng, thôn Tiến Thắng), mô hình trồng gừng bao tải, trồng nấm; đang triển khai mô hình trồng rau chuyên canh và mô hình trồng lúa ba giảm, ba tăng ở thôn Tiến Thắng với diện tích 20,4 ha. Tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản giúp người dân trong xã nâng tăng thu nhập, từ đó mới có động lực hiện thực hóa các tiêu chí khác trong NTM.
Từ cuối năm 2011 đến nay, với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm đã thi công được 4.923m2 đường các loại, láng nền nhà cho 41 hộ, chỉnh trang nhà cửa 106 hộ, xây dựng tường bao 140 hộ, 100% hộ dân rời chuồng gia súc và 85% hộ di dời chuồng gia cầm ra xa nhà ở, hoàn thành đường điện cho 2 thôn Cao Bành và Gia Vài. Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, đóng góp ngày công lao động, đặc biệt là phong trào hiến đất làm đường, đã có 112 hộ dân hiến đất với tổng diện tích trên 20.000m2. Đến nay cơ bản các tuyến đường giao thông nội thôn đã và đang hoàn thành, trong đó có tuyến đường rộng 7m, những con đường sẽ giúp người dân đi lại được thuận tiện và trao đổi hàng hóa.
Không chỉ ở xã Phương Độ, Phương Thiện, diện mạo NTM cũng đang dần hiện rõ ở xã Ngọc Đường, nhân dân đang tập trung cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi những diện tích trồng lúa, ngô kém chất lượng sang trồng rau màu, các mô hình nuôi cá, lợn đen, nuôi lươn... Tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, giữ gìn vệ sinh và tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp đường làng, ngõ xóm. Tất cả những điều đó đang hình thành bức tranh nông thôn hiện đại giàu bản sắc.
Linh hoạt trong công tác triển khai:
Theo lãnh đạo của các xã thì thành quả lớn nhất mà chương trình xây dựng NTM mang lại không chỉ là diện mạo của nông thôn văn minh, hiện đại mà chính là nhận thức, tư duy của chính quyền và người dân từng bước thay đổi, thích ứng với cách thức sản xuất mới, tiên tiến hơn. Đánh giá về công tác triển khai xây dựng NTM ở các xã ngoại thành, ông Nguyễn Văn Tuyên, Tổ trưởng tổ chuyên trách xây dựng NTM thành phố cho biết: Quan điểm của chúng tôi là vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Song song với việc triển khai xây dựng sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn của các xã. Dựa trên kết quả đó, thành phố sẽ phê duyệt quy hoạch tổng thể cho từng xã. Qua 2 năm triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã đổi thay rõ rệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động bà con nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng NTM, nên đồng tình và tích cực đóng góp sức người, sức của vào quá trình xây dựng NTM của các địa phương.
Là những xã thuần nông, để sớm hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí xây dựng NTM trước hết là sự chuyển biến về nông nghiệp, phát huy nội lực ngay từ cơ sở. Kinh tế phát triển bền vững sẽ thay đổi nhận thức, tư duy của người dân, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, lòng dân đồng thuận. Đổi thay từ nông nghiệp đang là bước đi đúng đắn trong công cuộc xây dựng quê hương, mang lại những khởi sắc diện mạo nông thôn mới trên con đường phát triển.
Ý kiến bạn đọc