Nghề báo “sướng hay khổ”?

10:50, 23/06/2012

HGĐT- Nghề báo sướng hay khổ? Người không làm báo nhìn vào bảo nghề báo sướng; còn người trong nghề lại khẳng định nghề báo sướng ít, khổ nhiều.


“Các ông làm báo sướng thật đấy, là cán bộ nhà nước nhưng thời gian làm việc vô cùng thoải mái, có hôm thấy ông ngủ đến tận trưa mà không phải đi làm. Không những thế còn được đi nhiều nơi, quen biết nhiều người và cũng được nhiều người biết đến. Thích nhất là nhà báo được xã hội tôn trọng”, đó là nhận xét của anh bạn hàng xóm về nghề báo nói chung và cá nhân tôi là người làm báo nói riêng. Đúng như lời bạn tôi nói, nếu chỉ nhìnbề ngoài công việc của chúng tôi thì ai cũng sẽ nghĩ nghề báo sướng, bởi những lý do như anh bạn tôi nói đều đúng đối với mỗi người làm báo. Nhưng, chỉ những người làm trong nghề mới hiểu, nghề báo không đơn giản là đi thoải mái, biết nhiều nơi, quan hệ rộng mà đằng sau đó là nhiều nỗi niềm trăn trở, vất vả và không ít áp lực.


Thời gian làm việc của những người làm báo không cố định ở một nơi, không phụ thuộc thời gian nhất định. Có khi chỉ dành vài tiếng đồng hồ trong một ngày nhưng cũng có khi phải dành cả tuần đi cơ sở, đến các đơn vị để lấy tư liệu để viết bài. Đặc biệt để có được một vài tiếng đi lấy tài liệu đó, người làm báo phải suy nghĩ nhiều. Đầu tiên là phải tìm tòi, suy nghĩ để chọn được đề tài mình cần viết, trong sự vận động của đời sống xã hội có nhiều vấn đề xảy ra, nhưng không phải đề tài nào cũng hay và được độc giả quan tâm. Do đó nhà báo là người phải chọn lựa, xử lý thông tin trong rất nhiều sự kiện, sự việc xảy ra trong đời sống xã hội, những đề tài cần thông tin và độc giả quan tâm. Khi chọn được đề tài rồi phải suy nghĩ xem mình cần khai thác những tư liệu gì, gặp đối tượng, đơn vị nào và cần hỏi những gì cho bài viết của mình. Nói như vậy để thấy rõ thời gian làm việc của nhà báo không đơn giản chỉ là một vài tiếng làm việc ở cơ sở mỗi ngày mà ngay ở nhà hay ở bất cứ nơi đâu, trong đầu, cả khi ở quán “bia” ít, nhiều họ cũng suy nghĩ hoặc liên tưởng đến những đề tài đăng báo. Không những thế, khi đã có tư liệu trong tay, về nhà hay về cơ quan, chúng tôi phải sắp xếp tài liệu để chuẩn bị viết bài. Mà đa số những người trong nghề đều viết buổi khuya bởi khi viết cần sự yên tĩnh để tập trung, vậy là khi mọi người đi ngủ là thời gian chúng tôi làm việc, gặp vấn đề khó hay thời gian nộp bài gấp rút có khi phải viết qua đêm để sáng mai còn kịp nộp bài.


Nhà báo được đi nhiều? Đúng thế, nghề báo là “phải đi” mới có tư liệu để viết. Ở cơ quan, ở thành phố mãi đâu có nhiều đề tài hay, phải về cơ sở, đến với người dân mới có nhiều đề tài hay. Đi nhiều, xa nhà, xa gia đình thường xuyên, đôi khi người thân ốm, đau, gia đình có công, có việc vẫn phải đi vì công việc. Không những thế, nếu vợ, chồng không hiểu, không thông cảm và nhất là có tính hay “ghen” thì cũng lắm chuyện xảy ra. Đi cơ sở đâu phải lúc nào cũng có xe đưa, xe đón mà phải đi xe máy thường xuyên; đâu phải lúc nào cũng đi những nơi thuận tiện đường giao thông mà còn phải đi vào những thôn, bản xa xôi, đường sá khó khăn, nguy hiểm. Không ít nhà báo đã gặp tai nạn giao thông trong quá trình đi tác nghiệp ở cơ sở... Như vậy, nhà báo được đi nhiều không sướng mà rất vất vả. “Nghề báo – nghề nguy hiểm”, điều này không phải bàn nhiều bởi đã có rất nhiều bộ phim, nhiều cuốn sách, nhiều vụ việc thực tế phản ánhvà đó cũng là điều đương nhiên bởi với một vấn đề tiêu cực, mặt trái xã hội... một bên cố tìm thông tin để đăng lên báo cho xã hội biết, còn một bên thì cố che dấu bằng mọi giá, kể cả dùng thủ đoạn, vũ lực...


Nói vậy chứ những người làm báo chúng tôi cũng có rất nhiều niềm vui và lắm vinh quang. Chúng tôi, những cán bộ bình thường nhưng được rất nhiều người biết mặt, biết tên, quan hệ rộng. Nhất là khi viết được một tin, bài hay, được độc giả quan tâm và có lời khen ngợi thì vui sướng vô cùng bởi “đứa con” tinh thần của mình nhận được sự quan tâm và có ích cho xã hội.


Như vậy, rất khó để có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “nhà báo sướng hay khổ”?. Bởi sự vất vả, áp lực công việc, nguy hiểm luôn đồng hành cùng niềm vui và vinh quang của những người làm báo.


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cao nguyên đá trong tôi
HGĐT- Người ta thường nói “phóng viên phải đi nhiều”, đó không chỉ là sự khám phá, tìm tòi mà còn là sự đam mê. Bản thân tôi được cảm nhận, trải nghiệm và có mặt nhiều nơi trên mảnh đất Hà Giang thân yêu, nhưng có lẽ ấn tượng để lại nhiều nhất là những hình ảnh thân thuộc, gần gũi về đất và người trên dải cao nguyên đá. Bởi với tôi, đó là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm khó quên
23/06/2012
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Nhà Thiếu nhi tỉnh
HGĐT- Ngày 22.6, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập. Tới dự có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Trung Tài, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, thành phố Hà Giang, cùng đông đảo các em học sinh và phụ huynh.
22/06/2012
Thân nhân cán bộ, chiến sỹ thăm huyện đảo Trường Sa
HGĐT- Vừa qua, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã phối hợp với Công ty Dịch vụ Hải quân) tổ chức đưa thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa; Đoàn do đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Vùng 4 - làm Trưởng đoàn.
22/06/2012
Quyết tâm của phóng viên Báo Đảng
HGĐT- Trong thời gian gần đây, hoạt động hậu trường của những người làm báo trên địa bàn tỉnh có sự sôi động hơn hẳn.
21/06/2012