Một chương trình và những người làm báo ít được...biết đến

08:14, 21/06/2012

HGĐT- Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, ngay sau khi tách ra từ Đài Hà Tuyên, Đài PT – TH Hà Giang đã xây dựng được chương trình phát thanh tiếng dân tộc.


20 năm là một quãng đường dài cho sự phát triển của chương trình PT – TH Dân tộc và những người âm thầm gắn bó với chương trình ít được biết đến này. Để từ đó, chương trình không chỉ góp phần chuyển tải một cách hiệu quả chủ trương, đường lối, các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con các dân tộc mà còn góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống dân tộc...

 

Là một địa bàn mà đồng bào các dân tộc như Mông, Tày, Dao... chiếm phần lớn dân số, việc xây dựng và duy trì chương trình PT – TH tiếng dân tộc là rất cần thiết. Vì thế, ngay sau khi tách tỉnh, tháng 6.1992, Đài Hà Giang đã tổ chức thi tuyển phát thanh viên cho chương trình tiếng dân tộc. Chị Chu Thị Hạnh, Trưởng phòng PT – TH Dân tộc tâm sự, khi ấy chị mới 18 tuổi, từ xã Quyết Tiến, Quản Bạ lặn lội về thị xã để thi tuyển và đã trúng tuyển làm phát thanh viên tiếng Dao. 20 năm làm phát thanh viên và trưởng thành với cương vị Trưởng Phòng, đó là cả một mối lương duyên với nghề và với người nơi “mảnh đất của nhà Đài”. Vào nghề được khoảng 1 năm, cái duyên đã đưa chị và nhà báo Triệu Tài Phong, khi đó là phóng viên của Đài PT – TH Hà Giang thành vợ chồng và đây là cặp vợ chồng cùng làm báo gần như đầu tiên ở Hà Giang. Có lẽ đó cũng là cái duyên “mở hàng” để sau này có không ít cặp vợ chồng lấy nhau từ nhà Đài. Chị Hạnh tâm sự, nghề báo khá vất vả, đặc biệt là những người say nghề, nhà có hai vợ chồng cùng làm một nghề lại càng vất vả. Vì thế, công việc “âm thầm” tại phòng PT – TH Dân tộc đã giúp chị trở thành điểm tựa cho chồng được yêu cả chị và cả nghề báo...

 

Đáp ứng trước sự phát triển của đời sống KT – XH, theo thời gian, chương trình phát thanh tiếng dân tộc từng bước trưởng thành cùng với những con người gắn bó với chương trình khá âm thầm và đặc biệt này. Đến tháng 3.1996, Đài Hà Giang đã thành lập được Tổ các thứ tiếng dân tộc. Tháng 9.1998, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Phòng PT – TH Dân tộc. Năm 1998, Đài PT – TH Hà Giang cũng là đài đầu tiên ở khu vực phía Bắc phát sóng truyền hình tiếng dân tộc tại các trạm phát lại truyền hình ở địa phương trong tỉnh. 20 năm phát triển, đến nay, Phòng PT – TH Dân tộc của Đài Hà Giang đã có đến 9 cán bộ và có riêng 1 chi bộ Đảng. Tiếp chúng tôi tại Phòng làm việc, nơi có dán lịch phát sóng khá dày các chương trình tiếng dân tộc của Đài, chị Hạnh nói, không ít người còn chưa biết nhiều về Phòng PT – TH Dân tộc cũng như chương trình mà những người làm công tác “đặc biệt” này xây dựng. Có lẽ, chỉ những bà con ở những nơi vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc là biết và rất chú ý đến khung giờ phát sóng của các chương trình. Theo đó, hàng ngày cán bộ, nhân viên trong Phòng phải thực hiện một khối lượng công việc không nhỏ khi phải tập trung biên dịch các tin, bài, các nội dung để phục vụ cho việc phát sóng vào buổi tối. Trên tần sóng 92MH và 103,2MH, từ tối thứ 2 đến thứ 7, tuần tự mỗi tối phát 3 thứ tiếng, mỗi thứ tiếng với thời lượng 30 phút. Chương trình buổi tối kéo dài từ 20 giờ đến 21h30. Sáng hôm sau, chương trình được phát lại với thời lượng từ 7h – 8h30. Dù làm công việc khá âm thầm, nhưng có thể nói, để thực hiện tốt các chương trình tiếng dân tộc, không chỉ đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên phải là những người được sinh ra, lớn lên tại các vùng quê mà còn phải am hiểu tường tận phong tục, tập quán để biên dịch, phát âm một cách sát thực nhất với đời sống địa phương...

 

Không chỉ thực hiện biên dịch các tin, bài, các nội dung mà các phòng nghiệp vụ trong Đài cung cấp để phát sóng, anh chị em trong Phòng cũng phải đi cơ sở để thu thập tin, bài, gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng các tin, bài, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của bà con các dân tộc, trong những năm qua anh em cán bộ của Phòng PT –TH Dân tộc đã nỗ lực đi về cơ sở để phỏng vấn, thu băng các tiết mục ca nhạc, đưa được nhiều tiếng băng phỏng vấn trực tiếp bà con bằng tiếng dân tộc để phát sóng. Tính bình quân, mỗi năm Phòng PT – TH tiếng dân tộc xây dựng được khoảng trên 860 chương trình với hàng ngàn tin, bài phản ánh các sự kiện chính trị, KT – XH, AN – QP... Đó là một con số không nhỏ.

 

Âm thầm thực hiện các chương trình phát thanh cho Đài địa phương, thế nhưng, ít aibiết được hàng năm Phòng PT – TH Dân tộc của Đài Hà Giang còn tổ chức xây dựng khá nhiều các chương trình truyền hình tiếng dân tộc cho kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam . Riêng năm 2011, Phòng xây dựng được gần 100 chương trình truyền hình cả 3 thứ tiếng Mông, Dao, Tày cho VTV5... Cùng với đó, do VTV5 không có đủ cán bộ để thực hiện các chương trình, nên hàng năm thường có công văn đề nghị các đài địa phương xin cho cán bộ “biệt phái” về VTV5 từ 6 tháng đến 1 năm để hỗ trợ. Vì thế, có những anh chị em trong Phòng được tin tưởng giao nhiệm vụ “biệt phái” về cho VTV5 như chị Thào Thị Máy, anh Lý Dỉ Lùng được điều động về làm phát thanh viên tiếng Mông cho VTV5...

 

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Chu Thị Hạnh cho biết, do điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn, do đó đến nay vẫn chưa thực hiện được việc phát sóng chương trình truyền hình tiếng dân tộc ở Đài tỉnh. Nhưng, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với vùng đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, vùng biên giới. Do đó, trong thời gian tới Đài PT – TH Hà Giang sẽ triển khai xây dựng và phát sóng truyền hình tiếng dân tộc ở đài tỉnh. Để có thể xây dựng được các chương trình PT – TH dân tộc chất lượng, hiệu quả, là công cụ đắc lực chuyển tải thông tin của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, những người thực hiện chương trình luôn mong muốn cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng chương trình tiếng dân tộc.

              HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh
HGĐT- Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ LLVT tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh trên địa bàn đứng chân.
20/06/2012
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam: Tri ân khách hàng và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi
HGĐT- Ngày 16.6 tại Trung tâm Hội nghị huyện Yên Minh, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng và trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
18/06/2012
Phấn đấu có nhiều bài báo đúng - trúng - hay là nhiệm vụ của những người làm báo chúng ta
HGĐT- Đó chính là mục tiêu đặt ra cho những người làm báo ở Tòa soạn Báo Hà Giang, vì "đúng - trúng - hay" là 3 tiêu chí quan trọng nhất để một bài báo được bạn đọc cùng công chúng tìm đọc, cảm nhận và trân trọng.
18/06/2012
Hội nghị BCH Hội Thanh niên xung phong lần thứ VII, nhiệm kỳ 2009 – 2014
HGĐT - Ngày 18.6, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh tổ chức Hội nghị BCH (mở rộng) lần thứ VII. Dự Hội nghị có các đại biểu đại diện cho Ủy ban MTTQ tỉnh; các Ban Đảng Tỉnh ủy; Tỉnh đoàn và toàn thể Ủy viên BCH Hội Cựu TNXP.
18/06/2012