Lên Xín Mần Kha nghe bà con kể chuyện đổi thay

11:02, 08/06/2012

HGĐT- Vào những ngày cuối tháng 5 lịch sử, có dịp đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú trong buổi chiều nắng nhẹ, dưới lá cờ Tổ quốc tung bay trong trời gió lộng, mới cảm nhận được đất nước mình thật hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi gần gũi, thân thuộc và càng trân trọng biết bao thế hệ đã chiến đấu, hi sinh để gìn giữ từng cột mốc, đường biên.



     Một góc thôn Xín Mần Kha, cuộc sống của người dân nơi đây đang có nhiều đổi thay.


Ghé thăm thôn Xín Mần Kha thuộc xã Lũng Cú, Đồng Văn, một thôn nghèo nơi địa đầu Tổ quốc, nghe bà con kể chuyện mới thấy hết được cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày…

 

Những tháng ngày khó khăn…

 

Không xa trung tâm xã Lũng Cú, từ trên cao nhìn xuống, thôn Xín Mần Kha nằm yên bình bên sườn núi với những ngôi nhà lợp ngói và plô xi măng san sát nhau, như tạo nên một “thành lũy” vững vàng nơi biên ải. Mấy ai biết rằng, trước đây Xín Mần Kha là một trong những thôn nghèo nàn, lạc hậu, cái nghèo giống như bao thôn khác trong xã Lũng Cú ngày ấy.

 

Kể về những tháng ngày đói khổ trước đây của người dân nơi địa đầu Tổ quốc, đồng chí Giàng Mi Lúa, Phó Bí thư thường trực xã Lũng Cú bảo rằng, cái khó khăn của xã trong phát triển kinh tế cũng giống như bao xã khác đó là thiếu nước sản xuất, điều này dường như đã trở thành “quen thuộc” với người dân trên dải cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng có lẽ cái khó nhất với người dân nơi đây đó là nằm xa trung tâm huyện, xã có 9 thôn thì có tới 7 thôn giáp biên, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông khô lạnh kéo dài, như lời đồng bào thường nói “mùa đông nhiều khi không phân biệt được ngày và đêm vì chỉ có sương mù khắp nơi”. Đi cùng với đó, trong tổng số 3.460 ha diện tích tự nhiên thì chỉ có 483,1 ha là diện tích đất nông nghiệp. Trước đây, người dân chỉ biết đến cây ngô, cây lúa trồng một vụ, đôi khi cũng chỉ biết trồng xuống rồi trông chờ vào “lòng thương của ông trời”, nếu thời tiết thuận lợi, ngô cho bắp to, lúa cho nhiều hạt còn đỡ khổ, nếu không thì cái đói luôn cận kề. Vì thế mà cuộc sống cứ mãi bấp bênh, nhiều hộ có khi nửa năm sống trong cảnh thiếu ăn, số hộ nghèo luôn ở mức cao. Không nói đâu xa, năm 2011, trong tổng số 793 hộ dân toàn xã thì có tới 78% là hộ nghèo. Đói, nghèo, thiếu ăn là vậy nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân là vào những ngày mưa bão. Bởi nhà ở trước đây chủ yếu lợp bằng cỏ gianh, gió thổi mạnh thì coi như… “đất trời làm một”. Chuyện ăn còn chưa đủ thì việc chăn nuôi gần như người dân chưa hề nghĩ đến.

 

Sau khi được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng việc đưa các chương trình, chính sách, đưa các loại cây, con giống có năng xuất cao vào nuôi trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, cộng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể đã tạo ra nhiều chuyển biến về mặt đời sống của người dân. Để có được bộ mặt như ngày hôm nay thì đó là kết quả của công tác tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của của phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã. Đến nay, Xín Mần Kha tuy rằng vẫn là một thôn nghèo nhưng diện mạo cuộc sống nơi đây đang mang hơi thở của sự đổi thay.

 

Và những đổi thay nơi thôn nghèo

 

Con đường rộng chạy quanh thôn Xín Mần Kha, nối liền đến từng hộ gia đình như vẽ lên một “bức tranh tươi mới” trên nền núi rừng cao nguyên. Ngay đoạn đường đầu tiên dẫn vào thôn đang được đổ bê tông theo chương trình xây dựng nông thôn mới. “Con đường đất sẽ dần được trải bê tông, sẽ không sợ trời mưa trơn nữa, rồi bà con đi lại dễ dàng hơn, buôn bán nhiều hơn…và chắc chắn sẽ bớt khổ hơn”, đó là sự phấn khởi, một hy vọng tràn trề vào tương lai đổi mới của người trưởng thôn Vàng Vả Sài. Đã 65 tuổi, và có tới 33 năm làm trưởng thôn, có lẽ do trực tiếp chứng kiến sự đổi thay của thôn trong nhiều năm qua nên giờ đây ông mới có niềm tin lớn như vậy.

 

Châm một điếu thuốc lào, chậm rãi nhả khói, “ông lão” trưởng thôn vui vẻ kể rằng: Xín Mần Kha là một thôn có 68 hộ dân với 349 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, do xảy ra chiến tranh biên giới nên các hộ phải di tản đi nơi khác. Sau khi chiến tranh kết thúc lại quay trở về phát rẫy, làm nương. Đời sống của bà con rất khó khăn, mỗi lần đi chợ để trao đổi lương thực, thực phẩm thì phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ và đi ngựa vượt hơn 20 km đường rừng để ra tới chợ ngoài thị trấn Đồng Văn, còn chuyện thiếu ăn, thiếu mặc thì nhà nào cũng giống nhau cả.

 

Nhấp ngụm nước trà nóng, vuốt chòm râu đã ngả lẫn màu đen trắng, trên gương mặt của người trưởng thôn “già” hiện rõ niềm phấn khởi: “Nhưng bây giờ khác rồi, từ ngày Nhà nước đưa loại ngô giống mới vào cho bà con trồng, lại hỗ trợ, dạy cách chăn nuôi nữa nên đời sống không còn đói khổ như trước nữa rồi. Cuộc sống ổn định, bà con lại biết chăm chỉ làm ăn, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nữa”. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông liên thôn cũng được mở rộng, tạo thuận lợi trong giao thương, trao đổi hàng hóa. Đồng thời việc mở chợ ở trung tâm xã đã giúp cho việc mua bán của người dân không còn vất vả như trước. Qua tìm hiểu được biết, năm 2008 Xín Mần Kha chính thức trở thành Làng văn hóa du lịch, do đó nhận được nhiều sự quan tâm trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Niềm vui lớn nhất của người dân hiện nay có lẽ là không còn hộ nào trong thôn phải ở nhà tạm, mà thay vào đó là những ngôi nhà trình tường ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè được xây dựng chắc chắn, người dân thấy yên tâm hơn trong những ngày mưa bão.

 

Thăm nhiều hộ gia đình trong thôn, được nghe, được nhìn tận mắt và sẻ chia với người dân về sự đổi thay trong đời sống thường ngày của họ lại càng tin tưởng vào một cuộc sống ấm no ở nơi đây. Ngồi trò chuyện trong ngôi nhà rộng rãi của anh Và Só Lử được biết, hiện nay gia đình anh đang nuôi 3 con bò, 10 con dê. Đầu tiên do được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ cho vay 10 triệu đồng về mua 1 con bò, sau đó dần dần nhân lên và hiện giờ đã trả hết nợ. “Trước đây, thiếu ăn nửa năm là chuyện thường diễn ra, còn bây giờ thì không còn đói như trước nữa rồi, con cái nó cũng được học hành tử tế lắm, con gái đầu lòng học hết lớp 9 đấy”, anh Lử tâm sự.

 

Ghé thăm gia đình anh Giàng Sính Lử, ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng theo chương trình 167 vừa mới khánh thành năm 2011, trị giá hơn 30 triệu đồng, anh không khỏi xúc động: “Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm, trước nhà dột nát, trời mưa không biết phải làm thế nào, vợ con khổ lắm, bây giờ có gió to cũng không sợ nữa rồi”. Đời sống dần ấm no, trẻ con được học hành, trật tự an ninh được giữ vững, nạn tảo hôn chấm dứt đã hơn 10 năm…đó là bộ mặt đổi thay trên thôn nghèo Xín Mần Kha hôm nay. Cuộc sống của người dân sẽ ngày một ấm no và tin rằng nơi đây sẽ là một thành lũy vững vàng, góp phần giữ vững chủ quyền biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên
HGĐT - Hướng tới kỷ niệm 51 năm Ngày thảm họa da cam/điôxin ở Việt Nam (10.8.1961 – 10.8.2012), Thời gian qua, bên cạnh lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ủng hộ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/điôxin, Hội NNCĐDC)/Điôxin tỉnh đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ các hội viên làm, sửa nhà, khám và điều trị bệnh... tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang,
31/05/2012
Đoạn km 2 đường Ngọc Linh - Bạch Ngọc (Vị Xuyên) sạt lở nghiêm trọng
HGĐT - Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Vị Xuyên xảy ra mưa lớn kéo dài cục bộ gây ra tình trạng sạt lở đất trên nhiều đoạn đường, trong đó có đoạn km 2 đường Ngọc Linh - Bạch Ngọc (Vị Xuyên) bị sạt lở nghiêm trọng, bề mặt đường bị sạt lở mất 2/3, phần còn lại cũng đang trong tình trạng bị sụt lún, rất nguy hiểm đối với người và phương tiện khi tham gia giao thông.
31/05/2012
“Đá Hà Giang” cùng cả nước xây Trường Sa vững mạnh
HGĐT - Trong tháng 5 lịch sử này, Hà Giang cùng với cả nước hướng về Trường Sa bằng cả tấm lòng mình. Suốt hải trình, không chỉ chúng tôi - 80 con người đại diện cho Hà Giang về với Trường Sa - mà tất cả mọi người trong Đoàn công tác số 14 được trải nghiệm, lắng sâu trong cảm xúc của tình người, của ý chí, nghị lực và sự kiên cường, bất khuất vượt qua phong ba, bão tố để giữ
31/05/2012
Đại hội Thành đoàn thành phố Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2012- 2017
HGĐT - Ngày 29.5, Thành đoàn thành phố Hà Giang long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2012- 2017. Dự Đại hội cócác đồng chí: Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố; Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn; lãnh đạo các Huyện đoàn, Đoàn trực thuộc và 150 đại biểu chính thức đại diện cho tuổi trẻ thành phố Hà Giang.
30/05/2012