“Không” và “có”
HGĐT- Chuyện xảy ra cách đây vừa tròn 5 năm, khi đó tôi là nhân viên vi tính - chế bản. Vào thời điểm tháng 6 năm ấy, nước ta đang “nóng” lên về việc các ngành chức năng qua kiểm tra phát hiện hàng loạt các cơ sở sản xuất nước mắm, nước tương có độc tố 3MCPD cao hơn mức độ cho phép, có thể gây ung thư cho con người.
Trên địa bàn tỉnh ta, mặc dù đã có khuyến cáo của các nhà chức năng, nhưng các sản phẩm đó vẫn được bày bán rộng rãi. Trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết bài, do nhầm lẫn, phóng viên đã viết sai về sản phẩm nước tương Chin-su cũng có độc tố, dẫn đến phải đính chính trên báo. Bài đính chính do chính tôi đánh máy và lên trang, khi đánh đến câu: “... các loại nước mắm của Chin-su được các cơ quan chuyên môn sau khi kiểm định đã có kết luận “không có” chứa chất 3MCPD...”, do sơ xuất tôi đã đánh thành câu: “... các loại nước mắm của Chin-su được các cơ quan chuyên môn sau khi kiểm định đã có kết luận “có” chứa chất 3MCPD...”, thay vì bỏ chữ “có”,tôi đã bỏ nhầm chữ “không” làm cho bài báo một lần nữa sai hoàn toàn, do đó báo phải dừng phát hành.
Sau lần đó, nhờ sự kiểm điểm nghiêm khắc của Ban Biên tập, tôi đã rút ra được bài học vô cùng quý báu, đó là: Trong mỗi tác phẩm, độ trung thực, chính xác từng câu chữ là điều rất quan trọng đối với phóng viên. Bên cạnh đó, người đánh máy và trình bày nên trang báo cũng đòi hỏi phải tập trung và phải có trong mình phẩm chất của người làm báo.
Dù thời gian trôi qua đã khá lâu, nhưng với bản thân, còn sâu sắc mãi bài học giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc đời làm báo. Đó là một “tai nạn” nghề nghiệp mà tôi không bao giờ quên trên con đường dấn thân vào nghề báo cao quý.
Ý kiến bạn đọc