Giải pháp nào để Chương trình giảm nghèo phát huy hiệu quả?

08:29, 14/06/2012

HGĐT- Tỉnh ta nằm trong vùng được hưởng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở và chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a được triển khai vào cuộc sống đã tác động lớn đến đời sống của người dân nghèo.


Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đến nay, nền kinh tế cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn và đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất, cũng như đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, các chính sách giảm nghèo vẫn được quan tâm, bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo về sản xuất, y tế, giáo dục, an sinh xã hội... đã giúp người nghèo có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công và các thành quả phát triển KT-XH. Các chính sách này là một trong những đòn bẩy quan trọng, giúp 8.539 hộ thoát nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 41,8% năm 2010 xuống còn 35,38% năm 2011; riêng 6 huyện nghèo giảm được trên 5 nghìn hộ, tỷ lệ giảm nghèo tại khu vực này từ 61,64% xuống còn trên 53%.


Tuy nhiên, trong buổi làm việc với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng về việc thực hiện chính sách giảm nghèo hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Sở LĐ-TBXH thẳng thắn thừa nhận: Công tác giảm nghèo đang gặp một số khó khăn, thứ nhất đến nay T.Ư chưa ban hành Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, nên việc xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo của tỉnh chưa có cơ sở pháp lý để phê duyệt. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020 nhưng nhiều chính sách vẫn chưa có văn bản cụ thể hoá như chính sách cung cấp dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ em nghèo ở địa bàn nghèo, chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo ngoài các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Khi Nghị quyết 30a của Chính phủ ra đời, tỉnh ta có 6 huyện được hưởng chính sách đầu tư đặc thù, nhưng sau một thời gian triển khai cho thấy, nguồn vốn bố trí thực hiện không đầy đủ, chưa kịp thời. Đặc biệt với chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, để đạt được mục tiêu của Nghị quyết, nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ khá lớn, bình quân mỗi huyện từ 5-6 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu giai đoạn 2010-2015. Nhưng thực tế đến hết năm 2011, tổng số công trình các huyện nghèo thực hiện chỉ đạt 4,6% so với số đăng ký, tổng vốn bố trí đạt 9% so với nhu cầu. Nếu tình hình này không được cải thiện, thì mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện 30a khó đạt kế hoạch đề ra.


Ngoài ra, một số chính sách khi triển khai còn gặp khó khăn, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, nhiều định mức hỗ trợ đầu tư thấp, chưa phù hợp điều kiện thực tế và biến động giá trên thị trường như mức hỗ trợ khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất; chính sách hỗ trợ một lần cho nhân dân để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chưa đạt hiệu quả cao vì ý thức bảo toàn vốn đầu tư cho vụ tiếp theo của người dân chưa tốt, do những năm sau không được hỗ trợ trực tiếp, trong khi nhận thức của người nghèo chưa chuyển đổi kịp, không có điều kiện tiếp tục thực hiện. Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) hàng năm đạt thấp, nguyên nhân chính do lao động các huyện nghèo hạn chế về trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn nên số người tham gia lao động ở các thị trường có thu nhập cao chiếm phần rất nhỏ. Mặt khác, do phong tục, tập quán và tâm lý không muốn xa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, sợ không an toàn khi đi XKLĐ nên công tác vận động đăng ký gặp rất nhiều khó khăn. Đối với công tác đào tạo nghề, nguồn kinh phí bố trí thấp so với nhu cầu đào tạo và chỉ tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động các huyện nghèo; mức hỗ trợ cho người học nghề chưa phù hợp với biến động của giá cả trên thị trường nên việc thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề chưa cao.


Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng các chương trình giảm nghèo, đồng chí Lý Quang Thái, Giám đốc Sở LĐ-TBXH khẳng định: Để chương trình giảm nghèo đạt được mục tiêu đề ra, cần có sự thay đổi về cơ chế, chính sách, mức hỗ trợ sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và từng thời điểm cụ thể. Ngoài việc T.Ư sớm ban hành, triển khai các chính sách giảm nghèo chung, cần tăng mức đầu tư đối với chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng kinh phí đầu tư quản lý, bảo vệ và trồng rừng; mở rộng đối tượng cho vay phát triển sản xuất với lãi suất 0% sang những hộ cận nghèo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường học, nhà bán trú cho học sinh; nghiên cứu bổ sung một số chính sách mới mang tính đặc thù đối với các huyện nghèo của tỉnh như chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất từ trồng cây lương thực sang trồng và bảo vệ rừng gắn với du lịch sinh thái, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ làm nương xếp đá với mức 10 triệu đồng/ha cho phù hợp với điều kiện đặc thù các huyện vùng cao... Nếu được điều chỉnh như vậy, thì đây sẽ là một trong những giải pháp cụ thể nhằm phát huy hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Rà soát, đánh giá tình hình khai sinh và đăng ký kết hôn - việc làm cần thiết
HGĐT- Là địa phương còn rất nhiều khó khăn, nhưng hơn 10 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em và đăng ký kết hôn trên địa bàn tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực.
14/06/2012
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017
HGĐT- Ngày 13.6, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Công an tỉnh) long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017.
14/06/2012
Xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn cho thanh, thiếu nhi trong dịp hè
HGĐT- Năm học kết thúc cũng là dịp để các em nghỉ ngơi, cùng bạn bè vui chơi giải trí. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động Đội trong các trường học, trên địa bàn dân cư, đặc biệt các em thiếu nhi nghèo vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, tạo sân chơi lành mạnh thu hút các em tham gia sinh hoạt hè với các hoạt động vui chơi bổ ích.
14/06/2012
Tuổi trẻ Bắc Mê xung kích trong xây dựng nông thôn mới
HGĐT- “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tinh thần ấy đang được phát huy một cách mạnh mẽ và hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bắc Mê. Màu “áo xanh” luôn xuất hiện trong mỗi hoạt động, mỗi cuộc ra quân xây dựng NTM... đã chứng minh vai trò xung kích của tuổi trẻ huyện nhà trong thực hiện chủ trương lớn này.
11/06/2012