Ghi ở vùng lũ quét Giáp Trung

16:35, 25/06/2012

HGĐT- “Lũ quét, sạt lở đất vẫn thường xẩy ra nhưng chưa năm nào thiệt hại lớn như năm nay, bất ngờ và nhanh quá, trôi hết nhà cửa, mất hết diện tích lúa, ngô rồi, bà con sẽ bị đói...” Sự bàng hoàng vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt những người dân Giáp Trung (Bắc Mê) khi cơn lũ quét vừa đi qua một ngày...


Trận mưa lớn kéo dài gây lũ quét trên diện rộng trên địa bàn huyện Bắc Mê vào rạng sáng ngày 23.6 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó Giáp Trung là xã bị thiệt hại nặng nề nhất. Toàn bộ các thôn bản của xã đều phải gánh chịu hậu quả, phần lớn diện tích hoa màu, ao cá đều bị vùi lấp dưới các lớp đất đá. Toàn xã vẫn đang bị cô lập hoàn toàn, các tuyến đường giao thông trở thành những “sông bùn” lầy lội đến quá đầu gối, toàn xã trở thành một đại công trường đất đá nham nhở. Chúng tôi có mặt tại xã Giáp Trung sau hơn 3 giờ đi bộ trên 10 km, phải băng rừng, lội suối và vượt qua nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng để đến với người dân. Mặc dù đã hơn 1 ngày sau khi xẩy ra lũ quét nhưng người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng, lo lắng. Xã Giáp Trung có 3 người đang bị mất tích và 3 người bị thương (một người bị thương nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện), một điểm trường tiểu học và mầm non và nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà khác bị sập, hư hỏng nặng, trên 30 ha lúa và 40 ha ngô bị mất trắng, nhiều diện tích hoa màu khác bị ảnh hưởng nặng, hàng trăm con gia súc, gia cầm của người dân bị nước cuốn trôi, hàng chục hộ gia đình đang nằm trong tình trạng phải di dời khẩn cấp... Tổng thiệt hại ước tính lên đến con số tỷ đồng. Đặc biệt, theo quan sát của phóng viên, tại các điểm khai thác mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện nói chung đều bị sạt lở nghiêm trọng. Tại điểm khai thác mỏ Mangan thuộc thôn Nà Viền (Giáp Trung), cảnh tượng sạt lở trở nên vô cùng nghiêm trọng và nguy hiểm, phần lớn đất đá từ trên đỉnh núi trút xuống, không chỉ làm hư hỏng đường, ách tắc giao thông mà tạo nếp gãy ở chân núi, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa to kéo dài thì phần lớn các sườn núi còn lại sẽ theo nếp sạt lở cũ rơi xuống, việc khắc phục hậu quả trở nên vô cùng khó khăn. Trên đường vào trung tâm xã, chung tôi gặp nhiều người phụ nữ mang thức ăn vào cho con đang làm công nhân tại các mỏ khai thác quặng, đã hơn một ngày nay, công nhân ở đây phải nhịn đói vì mưa lũ bất ngờ, không chuẩn bị thức ăn, đường giao thông không thể đi lại được.


Tại xóm Nậm Tinh (thôn Nà Viền), nơi cơn lũquét đi qua, người phụ nữ có tên Đặng Thị Sẳm đang tìm kiếm những thứ còn sót lại bên bờ suối, chị mừng rỡ khi thấy có đoàn cán bộ huyện đã vào được với dân: “Nhà tôi chỉ mất gần hết diện tích lúa và ngô thôi, nhưng cả thôn Nà Viền ai cũng bị thiệt hai, có 2 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy...”. Phía bên kia dọc bờ suối, hàng chục người vẫn đang mải miết tìm kiếm hai vợ chồng Đặng Văn Kim và Bồn Thị Thính bị mất tích sáng ngày cơn lũ dữ tràn về. Hai vợ chồng anh Kim, Chị Thính có một trang trại nhỏ ngay cạnh bờ suối, vừa trồng lúa, hoa màu và đào ao thả cá. Tối ngày 23.6, như thường lệ, vợ chồng anh xuống căn chòi ngủ lại đây để trông cá. Không ngờ đêm đó mưa to, lũ về bất ngờ khiến căn chòi bị cuốn trôi, toàn bộ diện tích hoa màu và ao cá bị vùi lấp. Hai người đã cố chạy nhưng bị lước cuốn đến nay vẫn còn mất tích. Căn nhà chênh vênh bên sườn núi giờ đây chỉ có hai đứa trẻ nhỏ 10 - 12 tuổi (Đặng Thị Tình, Đặng Thị Nính là con của hai vợ chồng đang mất tích) phải dựa vào bà nội để sống. Ánh mắt ngây thơ của hai đứa trẻ vẫn chăm chăm nhìn về phía suối để ngóng chờ, nơi mà hàng chục người vẫn đang tìm kiếm bố mẹ các cháu.


Anh Bồn Văn Keng, một người dân thôn Nà Viền còn nhớ rõ: “Rạng sáng ngày 23, đang ngủ thì mưa như trút nước, tôi phải thức dậy để khơi rãnh nước sau nhà, bỗng nước từ trên núi đổ ào ào xuống kéo theo đất đá, không chỉ phía con suối mà hầu hết phía nào cũng nghe tiếng động của nước chảy, lở đất... Chưa khi nào, lũ lại về nhanh và mạnh đến thế. Cả thôn Nà Viền nham nhở, tan hoang...”. Chị Đặng Thị Mỳ (Nà Viền) chỉ tay về phía những thửa ruộng bị đất đá vùi lấp, nói trong nước mắt: “Nhà tôi có 10 miệng ăn, tất cả trông chờ vào một ít diện tích lúa và ngô sắp đến ngày thu hoạch, nhưng giờ thì mất hết rồi, ruộng bị lấp thế kia không thể trồng lại ngay được, năm nay lấy gì mà ăn...”.


Nhiều thôn bản khác trên địa bàn xã như bản Pó, bản bióoc... cũng đều bị lũ quét và sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Chúng tôi thể tiếp cận được trung tâm xã vì tuyến đường bị bùn đất chặn lối. Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Thủy vừa lội bùn đến động viên các gia đình bị thiệt hại, vừa chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ qua điện thoại nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn vì sóng chập chờn, nhiều cán bộ vào thôn không ra được vì sau khi mưa to, đất đã “no nước” nên vẫn tiếp tục bị sạt lở, gây ách tắc.


Trở ra UBND huyện từ vùng lũ quét Giáp Trung khi đồng hồ đã chỉ 8 giờ đêm, tiếng thở dài của người dân, tiếng nấc của 2 đứa trẻ nhỏ chưa tìm thấy bố mẹ, tiếng nước vẫn ầm ào chảy về từ đỉnh núi... và cả tiếng mưa vẫn rơi trong một bầu trời xám vẫn ám ảnh tâm trí chúng tôi. Lãnh đạo huyện Bắc Mê vừa kết thúc cuộc họp khẩn cấp PCLB - TKCN vào lúc19 giờ đêm để bàn giải pháp khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, trên gương mặt mỗi người vẫn còn hiện rõ niềm trăn trở. Chủ tịch UBND huyện Triệu Trung Hiệp cho biết: “Trước mắt huyện tập trung tìm kiếm người bị mất tích và khẩn cấp di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao ra khỏi vùng nguy hiểm. Chỉ đạo các cấp, các ngành trực tiếp giúp dân khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt, huyện hỗ trợ người dân bị thiệt hại một phần kinh phí để ổn định cuộc sống... Chưa thể thống kê cụ thể về thiệt hại nhưng ước tính con số sẽ trên 10 tỷ đồng và phải khắc phục trong một thời gian dài...”.


Trời vẫn xám xịt và mưa to, thỉnh thoảng từ đỉnh núi phía bên kia Sông Gâm, những mảng đất lớn lại rơi xuống. Cuộc sống của người dân vùng lũ quét đang gặp vô cùng khó khăn và đối diện với nguy cơ dịch bệnh, thiếu nước sinh hoạt vì phần lớn các công trình nước sạch cũng đều bị hư hỏng nặng. Cần lắm sự sẻ chia và giúp đỡ của mọi người!


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê: Mưa lũ gây thiệt hại nặng về người và tài sản
HGĐT- Đêm ngày 22, rạng ngày 23.6, trên địa bàn huyện Bắc Mê đã xảy ra mưa to, kéo dài gây thiệt hại nặng về người, tài sản và hoa màu của nhân dân.
25/06/2012
Bắc Mê: Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
HGĐT- Như Báo Hà Giang đã đưa tin, mưa to kéo dài gây ra lũ ống, lũ quét vào đêm 22, sáng ngày 23.6 trên địa bàn huyện Bắc Mê gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đến thời điểm hiện tại, ghi nhận của phóng viên trên địa bàn huyện Bắc Mê cho thấy, mức độ tàn phá và gây thiệt hại về người và tài sản vẫn tiếp tục gia tăng.>>Bắc Mê: Mưa lũ gây thiệt hại về người và
25/06/2012
Những khoảnh khắc “leo núi” của nhà tân VĐ Olympia
Là thí sinh “khởi động” chậm nhất nhưng “nhà leo núi” Đặng Thái Hoàng kịp bứt phá so với 3 thí sinh còn lại để về nhất trận CK Đường lên đỉnh Olympia 2012 với tổng điểm 250…
25/06/2012
Cần sớm khắc phục tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước ở Mỏ Ăngtimon Mậu Duệ
HGĐT- Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị tỉnh Hà Giang tại xã Mậu Duệ (Yên Minh) vào ngày 7.5, nhiều cư tri đề nghị Đại biểu Quốc hội có ý kiến với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, chỉ đạo khắc phục tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước suối Ngàm Soọc do quá trình khai thác quặng ở mỏ Ăngtimon Mậu Duệ thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí Khoáng sản
25/06/2012