Trên quê hương cách mạng Bằng Hành hôm nay
HGĐT- Con đường về Bằng Hành trong những ngày tháng 5 lịch sử thơm mùi lúa trổ bông, tấm bia di tích khiêm tốn bên quốc lộ 279 giữa cái nắng hè khiến lòng du khách bâng khuâng đến lạ. Nơi đây, gần 70 năm về trước, một căn cứ cách mạng của tỉnh đã hình thành và hoạt động mạnh mẽ, tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh giành chính quyền thắng lợi trong phạm vị toàn tỉnh...
“Họ là đồng chí”!
Chúng tôi may mắn được tiếp chuyện với ông Ma Văn Chấn, người con của quê hương Bằng Hành và là một nhân chứng lịch sử của những tháng ngày sục sôi cách mạng gần 70 năm về trước. Năm 1945, chàng trai Ma Văn Chấn chỉ mới bước vào tuổi 14 nhưng đã cùng bà con nơi đây tham gia cách mạng. Nhớ về những tháng năm lịch sử hào hùng ấy, trong mắt ông hiện rõ niềm tự hào: “Ngày Việt Minh về với Bằng Hành, bà con vẫn còn nghèo đói, mù chữ, nhận thức hạn chế, bọn phong kiến phản động luôn tìm mọi cách ngăn chặn, tung tin nói xấu cách mạng khiến lòng dân hoang mang nên việc xây dựng cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ công tác dân vận khéo, cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã tuyên truyền, vận động được quần chúng nhân dân, lấy được lòng dân rồi được nhân dân hết lòng ủng hộ, che chở...”. Căn cứ cách mạng đã được củng cố ngày càng vững chắc và mở rộng ra Tổng Bằng Hành (Bao gồm 5 xã: Liên Hiệp, Kim Ngọc, Vô Điếm, Hữu Sản, Bằng Hành), sau được gọi là Tiểu khu Trọng Con, một vùng đất cách mạng mang tên người anh hùng dân tộc Lý Tự Trọng. Những cán bộ cách mạng đã từng hoạt động ở đây như: Thầy giáo Văn (tức đồng chí Phạm Trung Ngũ), các đồng chí: Lê Tâm, Bế Triều, Nam Long, Nông Quốc Chủng..., luôn được người dân nhớ đến với sự kính trọng và yêu mến. Đây là những con người đầu tiên vượt qua khó khăn, nguy hiểm để đưa ánh sáng cách mạng đến với đồng bào dân tộc trong Tiểu khu Trọng Con. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở cách mạng đã được gây dựng vững chắc, phong trào ngày càng lan rộng, dần hình thành bàn đạp cho sự phát triển của phong trào cách mạng toàn tỉnh. Các tổ chức hội phụ lão, phụ nữ, thanh niên..., đều ra sức giúp đỡ Việt Minh. Nhân dân Tiểu khu Trọng Con đã đóng góp được 1.190 đồng tiền Đông Dương, 3.671 ngày công làm đường giao thông, tiếp tế cho Việt Minh 5.750 kg gạo, 4.700kg thóc, hàng trăm con gà, vịt và 50 con lợn. Nhiều xã đoàn, lính đồn của chế độ cũ sau khi được vận động cũng đã giao nộp vũ khí, súng đạn cho cách mạng. Ngày 24.6.1945, là một sự kiện vẫn còn lưu lại đậm nét trong ký ức của những nhân chứng cách mạng. Đó là ngày mà Ủy ban Hành chính (UBHC) cách mạng các xã thuộc Tổng Bằng Hành đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại thôn Thác Vệ (thuộc xã Bằng Hành ngày nay) để thành lập Việt Minh tổng. Lần đầu tiên, đồng bào được tận mắt chứng kiến việc thu, đốt bằng sắc, ấn, triện của bọn địa chủ, cường hào gian ác, đồng thời Ban Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột của đế quốc phong kiến, thành lập UBHC cách mạng và Mặt trận Việt Minh. Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng nơi đây, phát xít Nhật đã tiến hành đàn áp, khủng bố nhằm dập tắt phong trào nhưng người dân Tổng Bằng Hành một lòng theo Đảng, đấu tranh quyết liệt với kẻ thù nên âm mưu của chúng không thực hiện được. Khí thế cách mạng lên cao, việc đấu tranh lật đổ ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, giành chính quyền ở Tiểu khu Trọng Con diễn ra và thắng lợi một cách nhanh chóng. Ông Ma Văn Chấn nhớ lại: “Tôi nhớ mãi ngày ấy, đi đâu, người dân cũng truyền tai nhau câu nói về Việt Minh, họ là đồng chí, đến giúp ta đánh đuổi giặc Tây, giành lại tự do, giành lại ruộng, ta phải giúp Việt Minh...”.
Đổi thay cùng đất nước
Sau cách mạng tháng Tám, Bằng Hành cùng đất nước phải vượt lên để chống “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Người dân phần lớn còn mù chữ, nhưng nhờ ánh sáng của Đảng dẫn đường, phong trào Bình dân học vụ được nhân dân hưởng ứng. Xã vận động nhân dân thực hiện phong trào nhường cơm, sẻ áo..., quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc, tiếp tế cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. 50 năm sau ngày thành lập xã (năm 1962), cuộc sống của người dân trên quê hương cách mạng Bằng Hành đang đổi thay từng ngày cùng đất nước. Nhiều mô hình kinh tế mới đang mang lại hiệu quả, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đã thực sự đi vào đời sống. Một Bằng Hành đang trỗi dậy, trở thành một trong những vùng kinh tế của huyện. Với diện tích đất nông nghiệp là 308 ha, trong đó có 205 ha là diện tích đất lúa hai vụ, trên một ngàn ha diện tích rừng kinh tế, trong đó có nhiều diện tích đã cho khai thác mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, đưa giống mới năng suất cao và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đang mang lại hiệu quả rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống còn 16%, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm. Một số tập quán lạc hậu đã được đẩy lùi, 11/11 thôn bản đều đạt danh hiệu văn hóa, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh; y tế, giáo dục được quan tâm, đầu tư và đạt nhiều thành tích...
Đồng chí Lăng Quang Dự, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Hành cho biết: “Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, và quyết tâm vượt khó của người dân nên Bằng Hành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã, nhiều mô hình nông, lâm nghiệp đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân...”.
Nắng chiều trải nhẹ trên vùng đất lịch sử, gió đưa hương lúa tiễn chân khiến lòng du khách bịn rịn. Những đổi thay trên quê hương cách mạng Bằng Hành hôm nay, từ quá khứ hào hùng đến thành quả trong công cuộc đổi mới..., minh chứng cho lòng yêu nước, quyết tâm không cam chịu đói nghèo của người dân vàTiểu khu Trọng Con mãi mãi là một thời để nhớ... trong ký ức của mỗi con người nơi đây.
Ý kiến bạn đọc