Mèo Vạc vẫn... “khát”!

17:08, 09/05/2012

HGĐT- Sự khắc nghiệt của Cao nguyên đá đã trở thành nét đặc trưng của nơi đây, nhất là vào mùa "khát". Mùa "khát" năm nay kéo dài hơn, những hình ảnh về thiếu nước hiện hữu khắp nơi. "Hồ treo" cạn trơ đáy, cây trồng khô héo...; xe bán nước ngược xuôi hoạt động để "giải khát" cho những gia đình có điều kiện.


Còn ở các xã, những xô, thùng, can, chậu... đều được tận dụng để chứa nước; học sinh, trẻ nhỏ sau giờ học phải tranh thủ đi lấy nước sinh hoạt tại những khe suối, lạch nước... đó là "Bức tranh" hết sức ảm đạm về Mèo Vạc trong mùa khô khát năm nay!

 

 

 “Hồ treo” xóm Hố Quáng Phìn, xã Giàng Chu Phìn sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt tới nay đã cạn gần trơ đáy, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.


Mùa “khát” hiện tại:

Đứng chân chỗ cao nhất của con đường Hạnh phúc trên đỉnh Mã Pì Lèng, chúng tôi nhìn xuống lòng sông Nho quế, vốn là nơi nhiều nước nhất của huyện Mèo Vạc, nhưng thời gian của những ngày nắng gắt đầu Hè, cũng đã dần cạn để... “phơi lòng mình” với đất trời. Và những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, nhiều “hồ treo” đã được xây dựng trên Cao nguyên đá phần nào giải được cơn khát của đồng bào, nhưng đến nay cũng dần cạn và có những hồ dù tích nước cả năm, nay cũng cạn trơ đáy.


Thật xót xa, khi những những nương ngô, ruộng rau, mảnh vườn xác xơ, khô héo và bao trùm toàn bộ không gian là một mầu vàng úa của sự thiếu nước. Vẫn biết sự thiếu nước ở vùng cao luôn là một bài toán hết sức nan giải, cũng bởi thế mà nước sinh hoạt ở Mèo Vạc được ví như là “vàng trắng”. Phải chăng chính bởi sự quý hiếm đó mà ông trời chỉ ban phát cho “biển đá” một phần nhỏ vậy thôi, để cho người dân nơi đây bao đời nay vẫn phải chắt từng giọt nước, hứng từng hạt mưa, dành dụm qua từng cơn khát trong 365 ngày của một năm. Nước sinh hoạt thiếu là vậy nên nước dành cho sản xuất như miền xuôi thì đối với Mèo Vạc và những huyện vùng cao của Hà Giang quả là một điều không tưởng. Những nương ngô lai tới nay bà con đã trồng được hơn 2 tháng và chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ được thu hoạch. Từng hạt ngô trồng xuống những khe đá nhỏ là kèm theo một mong ước mùa màng bội thu.y vậy mà, suốt dọc chiều dài hơn 150km theo Quốc lộ 4C lên tới huyện Mèo Vạc, 2 bên đường, những cây ngô đang tuổi lớn nhưng lại mang một hình ảnh đến thương tâm: Vàng vọt, héo úa, lá vàng quăn tít, nhỏ như lá lúa; đặc biệt, nhiều chỗ, nhiều khu vực, mặc dù cây ngô mới chỉ mọc cao quá đầu gối người nhưng cũng đã ra hoa, kết trái như thể muốn rút ngắn thời gian tồn tại vòng đời trong cái nắng nóng, khô hạn tới kiệt cùng này. Anh Hứa Đình Tuấn, Phó Trưởng phòng No&PTNT huyện Mèo Vạc, một người cán bộ nông nghiệp có thâm niên trên 20 năm gắn bó với nông nghiệp vùng cao, tâm sự: “Đã lâu lắm rồi, ít thì cũng từ thời điểm năm 2005 đến giờ, Mèo Vạc mới lại hứng chịu một đợt hạn hán kéo dài, kèm theo nắng nóng như vậy. Thời gian này, gần như tuần nào, ngày nào mình cũng xuống xã, xóm, tới từng hộ dân để nắm bắt tình hình lao động, sản xuất của bà con; động viên mọi người cùng cố gắng, khắc phục tình hình. Nhưng quả thật là “Lực bất tòng tâm” và ông trời chẳng chiều lòng người. Cây trồng đang trong thời kỳ phát triển mạnh nhất thì lại “đại hạn”. Mà ở đây (huyện) lại không như những nơi khác, chẳng thể triển khai hệ thống tưới tiêu, kênh mương nội đồng được, tất cả cây trồng nông nghiệp đều dựa vào thời tiết, dựa vào “ông Trời” thôi. Nếu tình trạng nắng, nóng tiếp tục kéo dài như thế này, chắc chắn nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây ngô, sẽ chết hàng loạt và điều trước mắt trông thấy là năng suất cây trồng giảm đáng kể, ảnh hưởng rất lớn tớikhông chỉ đời sống của bà con mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế chung của toàn huyện cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực trên địa bàn...”.


 

 Mặc dù bà con nông dân Cao nguyên đá rất chăm chỉ lao động, sản xuất nhưng trước tình trạng nắng nóng kéo dài, cây trồng chậm phát triển so với tiến độ, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cây trồng trong năm.


Mùa “đói” hiện hữu:

Sinh sống trên một “biển đá” với quỹ đất thật nhỏ nhoi, người dân nơi đây đã, đang tận dụng từng hốc đất, kẽ đá để gieo trồng ngô; vì bao đời nay, cây ngô vẫn là nguồn lương thực chính của bà con nhưng dù rất chăm chỉ, chịu khó nhưng nếu chỉ sức người không thôi thì năm nay khó mà làm nên một mùa bội thu...


Qua buổi làm việc với ông Sùng Mí Thề, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, để nắm bắt về thực trạng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua, ông cho biết: “Với sự chỉ đạo chặt che, sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống cơ sở, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là ngành No&PTNT đã tập trung chỉ đạo nhân dân ứng dụng các tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích, của từng tiểu vùng khí hậu, theo hướng sản xuất hàng hóa; nhưng năm nay, thời tiết khắc nghiệt như vậy, trước thực trạng đó, huyện đã xây dựng phương án đối với những diện tích cây trồng bị chết hạn, sẽ đưa một số giống cây trồng ngắn ngày vào cho bà con trồng mới để đảm bảo mùa vụ, cũng như nguồn thu nhập từ nông nghiệp cho bà con. Còn việc cứu hạn cho cây thì vượt ngoài sức của huyện và người dân. Ngay như “hồ treo” xóm Hố Quáng Phìn, xã Giàng Chu Phìn vốn rất nhiều nước nhưng sau một thời gian nắng hạn, tới nay cũng cạn trơ đáy rồi... Nước sinh hoạt còn thiếu nói chi tới việc cứu hạn...”.


Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn trực tiếp đưa chúng tôi đi thực tế tại các trường học và một số hộ dân của xã, cho biết: “Năm nay, hạn hán “ác” quá Nhà báo ạ! Ngay tại các bể nước sinh hoạt của xã và các trường học cùng gần 540 bể nước trên địa bàn toàn xã cũng đều cạn hết. Xã đã trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Thời gian qua, UBND xã đã phải mua 3 xe nước từ ngoài thị trấn huyện, theo giá tại thời điểm hiện tại 750 ngàn đồng/ xe 8m3. Nhưng khổ nhất vẫn là các cháu học sinh bán trú và thầy, cô giáo sinh sống tập thể, đông người nên dù cố gắng tiết kiệm, hạn chế sử dụng nước tối đa nhưng tới nay riêng trường PTDT Bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn cũng phải mua 4 xe nước, trị giá 3 triệu đồng và với nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhà trường rất vất vả”.


Chúng tôi tới được xóm Há Ca Thình, xã Giàng Chu Phìn cũng là lúc mặt trời gần đứng bóng, sức nóng bao trùm cả không gian, cây rừng, cây nông nghiệp đều rũ mình trước cái nóng đầu mùa. Ông lão người Mông, Vừ Cà Sá, chép thở dài, chép miệng: “Ngô đến ngày phải vun gốc rồi đấy, nhưng đất khô như ở trong chảo gang, giờ mà xới lên có tí nước nào trong đất cũng “về trời” hết, đành ngồi chờ mưa vậy. Đấy hôm nay thứ 7, 2 đứa cháu được nghỉ học, đi từ sáng tới giờ mới mang được mỗi đứa 10 lít nước sạch về để ăn, uống. Còn mình mới học được nghề đan quẩy tấu, nên tranh thủ đan thêm 1 - 2 cái, mai mang xuống chợ huyện cũng bán được 100 ngàn 1 cái, lấy tiền mua lương thực chứ trong nhà cũng hết cả ngô dự trữ rồi”. Nhìn lến gác bếp rỗng, chăng toàn mạng nhện mới thấy được nỗi lo của huyện, xã và của người dân về tình trạng thiếu lương thực đang cận kề trước mắt nếu tình trạng hạn hán tiếp tục kéo dài. Chúng tôi rời Giàng Chu Phìn mà trong lòng nặng trĩu những suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống của bà con các dân tộc đang sinh sống nơi “biển đá” địa đầu Tổ quốc. Cuộc sống đã muôn vàn khó khăn về địa hình, điều kiện sống, canh tác nay lại thêm khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Và nếu tình trạng này cứ kéo dài, diễn tiếp trong nhiều năm thì biết đến bao giờ miền núi mới bắt kịp miền xuôi, cuộc sống mới đầy đủ đúng nghĩa.


Trời chiều, khi đằng Đông bắt đầu xuất hiện những vầng mây đen kéo về phủ kín bầu trời Mèo Vạc, cuối cùng những hạt mưa sau bao ngày mong đợi cũng tới. Nhưng vẫn chỉ là những cơn mưa ngắn ngủi, thoảng qua, chưa kịp làm ướt đất, đầy bể sau bao ngày hạn hán. Theo như Chương trình dự báo thời tiết hàng ngày của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin trong mùa Hè - 2012 sẽ tiếp tục có nhiều đợt nắng nóng kéo dài nữa. Và, Mèo Vạc vẫn... “khát”!


PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân thôn Làng Má khát khao có điện lưới và cây cầu kiên cố
HGĐT- Cách trung tâm xã Đạo Đức (Vị Xuyên) chưa đầy 10km, nhiều năm qua 127 hộ dân ở thôn Làng Má vẫn phải dùng đèn dầu để thắp sáng, ngoài ra người dân trong thôn ao ước có một cây cầu kiên cố để thuận tiện cho việc đi lại, lưu thông, trao đổi hàng hóa.
30/04/2012
Chiều về Thiên Hương
HGĐT- Vào những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi có dịp về với Thiên Hương (thị trấn Đồng Văn), đây được coi là một trong những thôn đi đầu trong phát triển kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân trên vùng cao nguyên đá. Đến với Thiên Hương, không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay về cuộc sống của người dân nơi đây. Có được
30/04/2012
Huy động tổng thể lực lượng nhằm đảm bảo ATGT trong dịp nghỉ lễ
HGĐT- Tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng tai nạn giao thông (TNGT) vẫn gia tăng.
27/04/2012
Đại hội chi đoàn Trường Trung cấp KTKT Hà Giang nhiệm kỳ 2012-2014
HGĐT - Sáng 27.4, Chi đoàn Trường Trung cấp KTKT Hà Giang đã tổ chức Đại hội chi đoàn khóa IV, nhiệm kỳ 2012-2014.
27/04/2012