“Đá Hà Giang” cùng cả nước xây Trường Sa vững mạnh:
Không xa đâu Trường Sa ơi...!
Đoàn công tác số 14 thả vòng hoa xuống khu vực biển đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, tưởng nhớ 64 liệt sỹ đã anh dũng hi sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chính từ bề dày lịch sử đó mà ngày nay, lực lượng hải quân Việt Nam luôn noi gương người đi trước, đang ngày đêm bám biển, đảo; coi đồn là nhà và biển đảo là quê hương. Vì vậy, dù xa cách hàng trăm hải lý nhưng trong tâm khảm của mỗi con người Việt
Đảo là nhà, biển cả là quê hương...
Tháng 5 là một tháng có rất nhiều ý nghĩa, trong đó có ngày 19.5 là một ngày trọng đại của dân tộc Việt Nam - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ lỗi lạc, đưa đất nước, con người Việt Nam đi lên. Và, trong tháng 5 này, đối với Hà Giang, nhất là những thành viên trong Đoàn Hà Giang đi thăm huyện đảo Trường Sa thì có thể coi là một tháng lịch sử. Bởi cũng đúng vào ngày 19.5 năm nay, Đoàn công tác số 14 đi thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, được đón Sinh nhật Bác trên Biển Đông... Còn gì ý nghĩa hơn, khi những người con nơi miền cực Bắc Tổ quốc, được đón Sinh nhật Bác trên Biển Đông; trên hải lộ đưa tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang tới cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đang công tác, sinh sống trên huyện đảo Trường Sa.
Trong cả lộ trình, mỗi khi ai đó trong đoàn hát bài hát: “Nơi đảo xa: Nơi anh đến là đảo xa, nơi anh tới là biển xa...”, trong tôi có một xúc cảm thật khó tả.Nhờ chuyến đi này, mà tôi có thể tự mình kiểm chứng, có cảm nhận của riêng mình về những gì đã biết về Trường Sa qua các phương tiện thông tin đại chúng và sách, báo.
Đảo Đá Lớn A, địa điểm đầu tiên mà Đoàn công tác số 14 đến thăm trong lộ trình công tác tại huyện đảo Trường Sa: Một đảo chìm đúng nghĩa. Đảo nhỏ lắm, bé lắm, bé đến mức ngoài sức tưởng tượng của người dân vùng cao chúng tôi, bình thường thì đảo nhô lên khỏi mặt nước, còn khi thuỷ triều dâng thì gần như toàn đảo ngập chìm trong biển. Bởi thế, đảo mới có tên gọi là đảo “Chìm”. Vậy mà các cán bộ, chiến sỹ Hải quân dù cho phong ba, bão tố, Biển Đông dậy sóng, vẫn kiên trung bám trụ, không rời bỏ vị trí, lơ là giây phút. Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy tinh thần và trách nhiệm của các anh như thế nào đối với trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước phân công. Đâu chỉ có vậy, sống trong một môi trường khắc nghiệt đủ về mọi mặt cản trở cuộc sống của những con người bám trụ trên đảo, thiếu nước ngọt, rau xanh, nhu yếu phẩm và điều quan trọng nhất là các anh thiếu thốn tình cảm tới mức không chỉ lính Hải quân mà cả chúng tôi đều cảm nhận được điều đó. Lính đảo không chỉ khát nước mà còn “khát” cả tình cảm nữa.
Bất cứ người lính Hải quân nào chúng tôi gặp đều toát lên nghị lực sống phi thường: Vượt lên thiên nhiên, môi trường khắc nghiệt và vượt lên cả chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả lính đảo anh nào cũng có một nước da và khuôn mặt đen xạm nắng biển, thân mình rắn rỏi nhưng trên đôi môi luôn thường trực nụ cười dù ánh mắt ngập tràn cảm xúc, ngấn lệ khi có Đoàn công tác từ đất liền ra thăm. Với các anh, người lính đảo từ bao đời nay đã xác định cho mình rằng: “Đảo là nhà, biển là quê hương” nên ai cũng kiên cường, bất khuất, vượt qua bao phong ba, bão tố để giữ gìn biển đảo quê hương...
...Và lính đảo khát:
Sau gần một tuần lênh đênh trên biển Đông, Đoàn công tác số 14 đã đến thăm các đảo Đá Lớn A, C; Sơn Ca; Sinh Tồn; Nam Yết. Đoàn công tác đến đảo không chỉ có những món quà tình người gửi ra mà còn mang cả hơi ấm của đất liền ra đảo. Đây chính là câu trả lời của bất cứ người lính Hải quân nào khi được hỏi.
Binh nhất Lâm Văn Trung, đảo Sơn Ca tâm sự: “Các anh ở trong đất liền không biết hết đâu. Ở đây, mỗi khi có Đoàn công tác ra bọn em vui lắm, được gặp gỡ nhiều người, được tâm sự, biết thêm những thông tin trong đất liền và thích nhất là được ngắm thoả thích nhưng cô diễn viên sinh đẹp hát hay, múa giỏi làm bọn em sao xuyến lắm. Nhưng thời gian các Đoàn lưu lại đảo không được nhiều, chưa kịp “đã” thì phải chia tay rồi. Mọi người đến bọn em đều có cảm giác dường như không gian của đảo rộng ra, còn khi đoàn về rồi thì dù sóng biển có vỗ bờ mạnh đến đâu, không gian đảo cũng chìm lặng lắm...”. Liệu có phải các cô ca sỹ cảm nhận được điều đó mà các chị, các em rất nhiệt tình, hăng say biểu diễn, hát hết mình dù cho không gian đảo chật hẹp tới mức không có một mặt bằng để làm sân khấu, không có nhạc công đệm đàn và cả không loa, micro nhưng tiếng hát vẫn vang lên “ngọt lịm”. Buổi giao lưu văn nghệ giữa Đoàn với đảo luôn tràn ngập trong tiếng vỗ tay không biết mỏi, rát của các anh. Thế mới biết các anh “khát” tới mức nào!
“Khát” đến độ mà Thiếu tá Xuân Lâm, Chính trị viên đảo Đá Lớn A tâm sự với chúng tôi rằng: “Chỉ một từ khát thôi là đủ để nói về đảo, về người lính chúng tôi. Những năm trước, ngoài đảo thiếu điện, nước, rau xanh... còn nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên hệ thống điện chiếu sáng của đảo đã được đảm bảo, nước sinh hoạt cũng khá đủ và hơn thế nữa nay ở Trường Sa đã có sóng di động nên việc liên lạc với đất liền, với gia đình thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng lính đảo vẫn “khát” và “khát” ở đây là khát tình cảm, tình yêu. Chỉ một phần cán bộ, chiến sỹ là có gia đình, còn lại vẫn là trai tân, “lính phòng không”. Cuộc sống biệt lập ngoài đảo, ngày qua ngày chỉ mấy thằng đàn ông với nhau nên mỗi khi có Đoàn công tác ra, bọn mình vui mừng khôn tả, được gặp mọi người, được nghe tiếng phụ nữ nói, cười và cũng chỉ vậy thôi, lính đảo chúng mình cũng đỡ “khát” nhiều. Những cuộc gặp này đã trở thành nguồn động lực không hề nhỏ cho cán bộ, chiến sỹ đảo tiếp tục sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc...”.
Sau những cuộc gặp gỡ với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các đảo của huyện đảo Trường Sa, chúng tôi hiểu rằng: Dù Hà Giang xa cách hàng ngàn km, hàng trăm hải lý, nhưng bà con các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn hướng về các anh với một tấm lòng người dân đất Việt, sẵn sàng chung sức, chung lòng vì Tổ quốc thân yêu. Và, không xa đâu, Trường Sa ơi...
Ý kiến bạn đọc