“Đá Hà Giang” cùng cả nước xây Trường Sa vững mạnh:

Đảo nhỏ - Trách nhiệm lớn! (*)

18:22, 25/05/2012

HGĐT - Từ công sức, mồ hôi và cả xương, máu của biết bao thế hệ cha, anh; Trường Sa hôm nay đã, đang trụ vững kiên trung nơi "Đầu sóng, ngọn gió"; từng bước đưa "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" của Đảng thành hiện thực. Với tinh thần "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước"; nhiều phong trào hành động: "Hướng về Trường Sa thân yêu", "Góp đá xây Trường Sa", "Chung tay thắp sáng Nhà giàn dk1"... ngày một lan tỏa sâu rộng vì "Đảo nhỏ - trách nhiệm lớn!"


“Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ biên cương. Đảo này là của ta, biển này là của ta. Trường Sa...”... Chỉ một bài hát: “Khúc Quân ca Trường Sa” của Nhạc sỹ Đoàn Bổng thôi cũng đã đủ nói lên chủ quyền biển đảo muôn đời của Việt Nam và cũng chỉ cần vậy thôi cũng đủ để mỗi người dân nước Việt thấu hiểu sự nỗ lực không biết mệt mỏi của lực lượng Hải quân Việt Nam đang ngày, đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Các anh, người lính Hải quân, từng cá nhân nhỏ bé, mỗi người, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung một chí hướng, một tình yêu Tổ quốc lớn lao đã tạo nên sức mạnh, ý chí kiên cường, bất khuất trước mọi phong ba, bão tố của biển Đông. Và, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các anh luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để giữ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam .



Đoàn Hà Giang chụp ảnh lưu niệm tại Cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa lớn.
 

Kể sao hết những tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm đẹp thêm phẩm chất cao quý “Anh bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân xâm chiếm run sợ, chùn bước. Các anh đã nằm lại nơi này, hòa mình trong lòng biển đảo quê hương... Và đến nay, hình hài của nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại nơi biển sâu, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi theo thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố... Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song, phía sau để lại là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khuôn nguôi, bao niềm hy vọng, khắc khoải trên khóe mắt của những người mẹ, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu ngóng trông, mong đón các anh về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ, hy vọng ấy vẫn đeo đuổi ngày, đêm, sao khỏa lấp?

 

Sự hy sinh cao cả và thầm lặng của các anh không gì bù đắp được. Bởi vậy, nếu chỉ hướng về Trường Sa thôi là chưa đủ, mà hãy cùng chung sức, đồng lòng, bằng những hành động thiết thực với cả trái tim người Việt. Theo tiếng gọi đó, trong tháng 5 lịch sử, 80 người đại diện cho toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã về với huyện đảo Trường Sa. Theo hải trình, ngày 24.5, con tàu HQ-996 của Quân chủng Hải quân Việt Nam đã đưa Đoàn công tác số 14 đến với đảo Trường Sa lớn, một hành trình đầy nắng và gió; những cuộc gặp mặt cho cảm xúc thăng hoa. Trường Sa, nơi mà tất cả “trái tim” cả nước hội tụ và hướng về.


Trong hải trình gần 10 ngày, đoàn chúng tôi đã đến rất nhiều đảo, gặp rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ trên các đảo chìm, nổi của huyện đảo Trường Sa. Đến nơi đây, thật sự không có ngôn từ nào có thể tả hết được những gì lính đảo phải gánh chịu. Những cuộc đời, những số phận rất thầm lặng mà chỉ khi tới nơi, hoà mình cùng với họ, bạn mới có thể cảm nhận hết được những gì lính đảo đã, đang trải qua. Có nỗi đau nào hơn khi mất người thân và sẽ còn buồn đau hơn khi không kịp về đất liền để thắp một nén hương thơm hoặc người thân, yêu mắc bệnh hiểm nghèo đang ngày, đêm chống chọi với bệnh tật... “Gánh nặng” trên 2 vai anh, một là gia đình, hai là Tổ quốc. Với cán bộ, chiến sỹ Hải quân, các anh nhường “gánh nặng” gia đình lại cho người vợ thương yêu để quên mình theo tiếng gọi của thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trong kia, đất liền, nơi ngôi nhà nhỏ yêu dấu, nơi có người vợ, người con luôn nguyện cầu các anh chắc tay súng, làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương. Còn các anh, lính Hải quân, cũng chỉ biết nguyện cầu sao cho đất liền luôn bình yên và tràn đầy sức sống... Nhưng trong sâu thẳm mỗi người lính đảo hay trong đôi mắt các anh luôn ẩn dấu những nỗi buồn, như những con sóng ngụp lặn dưới lòng đại dương, để rồi bất chớt lúc nào đó oà lên, vỗ bờ rồi lại quay về biển rộng mênh mông. Lính đảo là thế đó, dù buồn, đau nhưng trên đôi môi các anh luôn thường trực một nụ cười. Nụ cười của ý chí, của sự kế thừa khí phách ngàn năm cha ông. Khâm phục lắm, cảm động lắm lắm những sự hy sinh thầm lặng đó!

 

Đến với Trường Sa, hoà mình vào biển, vào cuộc sống của lính đảo, để rồi chúng tôi “chạm” được vào những nỗi đau tận sâu thẳm trong đôi mắt, đáy lòng của các anh. “Kết hôn được hơn 13 năm, vừa rồi vợ, chồng mình mới có niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ. Nhưng rồi niềm hạnh phúc đó ngắn ngủi như chính những con sóng biển vỗ bờ rồi tan biến trong lòng đại dương... Con gái mình mới được 6 tháng tuổi nhưng từ lúc sinh ra, bé đã mắc bệnh máu trắng. Thời gian nằm viện của cháu còn nhiều hơn thời gian ở nhà vì bình quân 1 tháng cháu phải truyền máu từ 1 - 2 lần mới có thể duy trì được sự sống. Mà mỗi lần truyền máu cũng từ 5 triệu đồng trở lên, đó là chưa kể tiền viện phí, đi lại... Đến nay, cháu đã được 6 tháng tuổi mà mình chỉ biết mặt con qua ảnh và cha, con vẫn chưa được gặp nhau. Xót lắm và lo lắm, nhưng vì nhiệm vụ mình vẫn luôn chắc tay súng, cùng với anh, em làm tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc...”. Đây là những lời tâm sự của Thượng uý Phan Văn Hoàng, hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa lớn.

 

Cùng đơn vị và hoàn cảnh gia đình cũng gần như Trung uý Hoàng còn có Thượng uý Trần Văn Khoa, gần 20 năm đời lính, công tác trên nhiều đảo của huyện đảo Trường Sa. Anh cũng như tất cả những người lính Hải quân khác, thường thì từ 6 - 12 tháng mới được về thăm nhà một lần. Chiếc điện thoại di động đối với lính đảo không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần để liên lạc, mà nó còn là nơi kết nối, lưu giữ tình yêu, tình cảm của đất liền với hải đảo xa xôi.

Ngồi tâm sự với anh Khoa bên ấm trà Shan tuyết, một trong những món quà của Hà Giang gửi tặng các anh, càng giúp chúng tôi hiểu thấu hơn, sâu hơn về tấm lòng người lính. Quê anh ở xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng đất cũng gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống như miền biên cương cực Bắc Tổ quốc. Anh tâm sự: “Vợ, chồng mình sinh được 2 cháu, 1 trai, 1 gái. Cháu đầu sinh ra lành lặn, khoẻ mạnh. Còn cháu trai ngay từ khi sinh ra đã bị u máu ở bên mắt phải. Đến nay cháu đã được 8 tuổi, cũng là 8 năm gia đình tôi thường lấy bệnh viện làm “nhà”, chữa chạy nhiều lắm rồi nhưng cũng chỉ kiềm chế được bệnh cho cháu thôi. Một năm thường phải đi viện từ 4 - 6 lần nhưng những việc đó vợ mình đều làm hết. Thương vợ, xót con lắm!”.

 

Trước nỗi đau thầm kín của người lính, ngoài những món quà động viên, khích lệ tinh thần các anh của Đoàn công tác, anh Nguyễn Văn Thắng, Công ty TNHH miền Tây đã tặng riêng 3 suất quà trị giá 15 triệu đồng cho các anh, trên tinh thần “của ít, lòng nhiều” và cũng như tất cả thành viên trong Đoàn, chúc gia đình các anh luôn dồi dào sức khoẻ, vượt qua mọi bệnh tật để lính đảo an tâm công tác, ổn định tư tưởng, vượt qua mọi khó khăn nơi đảo xa.

 

Và, chỉ những người đến Trường Sa, thực sự hoà mình vào với đảo, biển trời, với chính những cán bộ, chiến sỹ nơi “đầu sóng, ngọn gió”, mới hiểu hết được “đời lính đảo”. Các anh đã gác lại những tình cảm, gửi tuổi thanh xuân, những hoài bão lớn lao nơi đất liền để cùng với Cột mốc chủ quyền trên đảo, lính đảo chính là những Cột mốc “sống” nơi hải đảo xa xôi. Quả đúng như lời đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh đã phát biểu trong cuộc gặp mặt với cán bộ, chiến sỹ Hải quân: “Đến với các anh, chứng kiến tận mắt những gì người lính đã, đang trải qua mới thấy rằng dù đảo nhỏ, nhưng trách nhiệm lớn. Để đất liền có những ngày bình yên, để biển Đông lặng sóng cho ngư dân đánh bắt cá thì mỗi chúng ta phải cố gắng hơn, tất cả vì Trường Sa thân yêu...!”.

                                                                 Trường Sa 5.2012
                                                                   Nguyễn Phi Anh

(*) Lời phát biểu của Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh khi nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chi Đoàn Sở Công Thương: Mở lớp học tiếng Trung Quốc giao tiếp cho ĐVTN
HGĐT - Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại ngữ là một công cụ quan trọng để chúng ta tiến gần hơn với các nước trên thế giới, nhất là với nước láng giềng Trung Quốc.
23/05/2012
Ủy ban MTTQ, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng tặng quà cho Ủy ban MTTQ và bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang
HGĐT- Sáng ngày 22.5, tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đón đoàn đại biểu của Ủy ban MTTQ cùng Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng lên đến tặng quà cho Ủy ban MTTQ và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang.
23/05/2012
Cậu bé biết đọc khi chưa được dạy chữ
HGĐT - Đó là cậu bé Liệu Hồng Dân, dân tộc Tày, con anh Liệu Văn Lưu và chị Hứa Thị Chựng, ở thôn Vĩnh Chùng, Vĩnh Phúc, Bắc Quang.
22/05/2012
Quang Bình - 60 người bị nhiễm độc do ăn thịt trâu chết
HGĐT - Ngày 21.5, tại xã Bản Rịa, huyện Quang Bình, đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt trâu chết, với 90 người ăn, 60 người bị nhiễm độc. Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên được biết: Ngày 17.5, tại đội 1, thôn Bản Rịa, xã Bản Rịa có 1 con trâu bị rắn cắn và chết, người dân trong thôn đã thịt để ăn. Sau khi ăn xong sáng
22/05/2012