"Đá Hà Giang" cùng cả nước xây Trường Sa vững mạnh:

Đảo đá lớn - Cuộc gặp đặc biệt giữa 2 miền Tổ quốc

11:55, 30/05/2012

HGĐT - Đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, nằm ở toạ độ 10003'42''N và 113051'06''E. Khí hậu thuỷ văn nơi đây mang đặc trưng khí hậu thuỷ văn của quần đảo Trường Sa: Mùa hè mát, mùa đông ấm. Tuy nhiên, do vĩ độ thấp nên buổi trưa hơi oi bức và những tháng mùa khô thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài từ sáng sớm đến tối xẩm. Nhưng bù lại, đây là thời điểm lý tưởng, thuận lợi nhất cho tàu, thuyền đi lại, làm ăn trong khu vực".



Đồng chí Triệu Tài Vinh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang, Trưởng đoàn công tác Số 14 phát biểu tại buổi gặp mặt với cán bộ, chiến sỹ trên Đảo đá lớn A. Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang đã chúc toàn thể cán bộ, chiến sỹ trên Đảo một sức khoẻ dồi dào, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn hướng về Trường Sa…

Giữa mênh mông biển Đông muôn trùng sóng vỗ, con tàu HQ-996 của Quân chủng Hải quân Việt Nam nhích dần từng hải lý đưa 200 trái tim đầy nhiệt huyết, đại diện cho biết bao thế hệ, cán bộ, chiến sỹ, quần chúng nhân dân của các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Kiên Giang, Hải Dương và Học viện CSND... đều cùng hướng về miền hải đảo xa xôi. Trường Sa ơi! Tiếng gọi sao thân thương, trìu mến dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho Đoàn công tác số 14, cùng nhau vượt qua mệt mỏi vì say sóng, nóng bức và cùng thầm mong cho trời yên, biển lặng để về với huyện đảo Trường Sa trong thời gian sớm nhất.

 

Đúng theo hải trình, sau gần 50 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển Đông, sáng 20.5, Đoàn công tác số 14 đã có mặt tại cầu tầu đảo Đá Lớn A của huyện đảo Trường Sa. Và dù hôm ấy, biển yên, trời lặng nhưng dường như cả bầu trời, biển, đảo và con người hiện hữu nơi đây đều "sôi sục" một bầu khí nóng của lòng nhiệt huyết, những tấm lòng, của sự mong đợi trong những ánh nhìn hút mắt nơi chân trời, ngóng trông... Để rồi những cảm xúc được dồn nén theo từng hải lý nay đã vỡ oà trong niềm hân hoan, không nói nên lời của cán bộ, chiến sỹ trên đảo và cả của những thành viên trong Đoàn khi tới nơi. Mặc dù đã có một thời gian chuẩn bị khá dài, nhưng lúc này đây, tất cả chỉ được thể hiện đầy đủ qua từng cái bắt tay rất chặt, rất lâu; qua những ánh nhìn ngấn lệ từ hàng trăm con người của miền cực Bắc, nay hội ngộ về một nơi - Đảo Đá Lớn A, huyện đảo Trường Sa. Như người một nhà và như chưa hề có sự ngăn cách về không gian, thời gian nữa, từng lời thăm hỏi ân cần, chứa đựng trong đó biết bao tình cảm như của những người con xa nhà lâu năm nay mới về... Ngay cả đồng chí Trưởng đoàn công tác số 14 Triệu Tài Vinh, khi đặt chân tới đảo Đá Lớn A cũng phải thốt lên: "Đây là một chuyến đi đặc biệt, một chuyến tàu đặc biệt và trong một ngày đặc biệt khi mà 80 thành viên của Đoàn, đại diện cho tỉnh cực Bắc về gặp gỡ các cán bộ, chiến sỹ nơi biển trời cực Nam. Thật khó tìm lời để diễn tả được hết cảm xúc, nỗi niềm, từng giây, từng phút hiển diện trên đảo là bấy nhiêu cảm xúc. Chỉ biết rằng trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam và Hà Giang, đều hướng về Trường Sa với tất cả tấm lòng mình...".

 



Đoàn Nghệ thuật của Đoàn công tác số 14 giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ đang đóng quân trên Đảo đá lớn A.


  Ngồi trên xuồng cao tốc từ từ cập cảng, đây chính là dịp để nhóm phóng viên chúng tôi quan sát đảo được rõ nhất. Thật ngoài sức tưởng tượng của những người miền núi chúng tôi, đảo Đá Lớn A thật sự khác biệt với tên gọi của no:. Nhỏ bé, kiêm tốn nhô lên giữa muôn trùng sóng nước. Gọi là đảo nhưng trên đảo chỉ có một ngôi nhà 3 tầng xây kiên cố, vững chắc trước mọi phong ba, bão tố của biển Đông dội về. Có lên tới đảo mới hình dung hết được sự khó khăn, gian khổ của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân đang đóng chân trên hòn đảo này. Không hề có đất để trồng cây xanh, không nước ngọt...; bù lại, các sản vật từ biển xung quanh khu vực đảo lại rất phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho việc khai thác. Nhưng tựu chung lại, để sinh sống và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho lực lượng Hải quân thì không thể không nói tới tinh thần vượt khó, vươn lên của người lính đảo. Thiếu đất trồng cây xanh, lính đảo trồng cây bàng Vuông, trồng ớt vào chậu cảnh và chính những chậu cây cảnh này đã phần nào giúp cho bầu không khí của đảo dịu mát đi rất nhiều trong cả mùa hè oi bức. Mà cũng chỉ có cây bàng Vuông, cây Phong ba mới có thể sinh trưởng và phát triển được trong một môi trường đầy gió muối. Một điều nữa gây nên ấn tượng cho các thành viên của Đoàn Hà Giang chính là việc thiếu nước sinh hoạt và rau xanh. Đây chính là sự giống nhau đến kỳ lạ của 2 miền của Tổ quốc. Đối với vùng cao Hà Giang, nước sinh hoạt được ví như "vàng trắng" thì tại nơi đây, người lính đảo cũng quý nước như "vàng". Các anh chắt chiu từng giọt nước và cũng phải tái sử dụng nhiều lần để tiết kiệm nước sinh hoạt như chính người dân vùng cao. Còn riêng vấn đề thiếu rau xanh, tới nay theo như lính đảo tâm sự thì các đảo phần nào đã khắc phục được. Hiện những khu vực nào của đảo còn trống, đều được tận dụng quây kín lại bằng những tấm tôn, miếng gỗ để tránh gió mặn, sóng từ biển ùa vào và trong khu vực đó chính là những chậu rau xanh tốt, đủ các chủng loại từ: Rau cải, rau muống cho tới mùng tơi, mướp đắng và rau thơm đều được các anh mang từ đất liền ra để trồng... Trung uý Đặng Quốc Hiếu, người dân tộc Dao, quê mãi tận huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, theo tiếng gọi của Tổ quốc nay đã có mặt tại đảo Đá Lớn A. Anh tâm sự: "Việc thiếu nước sinh hoạt tại đây, hiện không phải lo lắm. Bởi lượng mưa trong năm cũng khá lớn nên các bể nước mưa phần nào đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Riêng về vấn đề rau xanh, mỗi khi có tàu từ đất liền ra cũng đều mang rất nhiều rau, củ, quả cho đảo nhưng với số lượng lớn để lâu nên ăn không được ngon lắm. Và để có rau tươi nấu canh theo cách nấu "Canh bộ đội" - (nước canh rất nhiều, còn rau thì rất ít), bọn mình đã nhờ những chuyến tàu ra đảo chở đất mùn tốt, cho vào các chậu, xếp liền kề với nhau như những luống rau trong đất liền để trồng các loại cây, rau vào đó. Các anh thấy đấy, khí hậu khắc nghiệt quá nên dù lính đảo có chịu khó chăm sóc tới đâu rau vẫn còi cọc như thiếu dinh dưỡng. Nhưng dù gì thì đó cũng là rau tươi và bữa cơm của lính đảo ngon hơn chính nhờ nguồn rau xanh đó đấy các anh ạ!". Ngoài những loại rau xanh ra hiện lính đảo cũng đã tăng gia nuôi thêm được một số loại gia súc, như: Ngan, vịt, lợn, chó và đặc biệt nhất chính là đôi nhím giống, loài động vật gặm nhấm đặc trưng của núi rừng vùng cao nay cũng đã có mặt trên đảo.



Cuối buổi sáng, Đoàn công tác số 14 kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, kiểm tra tình hình thực tế tại Đảo đá lớn A. Chia tay trong sự bịn rịn, nuối tiếc của người ở và người về.


 

Kết thúc chuyến tham quan, thực tế tại đảo là những tiết mục giao lưu văn hoá, văn nghệ của Đoàn nghệ thuật trong Đoàn công tác số 14. Hoà trong tiếng sóng vỗ triền miên, lời ca, tiếng hát của các nghệ sỹ và lính đảo vang lên theo chủ đề tình yêu con người, quê hương, đất nước... làm cho buổi gặp gỡ càng thêm đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn. Cũng bởi thế mà tiếng hát cất lên dù sau sự mệt mỏi của cả một chặng đường dài, những lần nôn tới khản cổ vì say sóng... vẫn ngọt lịm, mát lành như chính những giọt nước ngọt được mang ra từ đất liền, như chính những món quà gửi tới lính đảo với tất cả tấm lòng của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Hà Giang hướng về Trường Sa thân yêu.

 

Và rồi, cuộc vui nào cũng tới giờ chia tay, Đoàn công tác số 14 rời đảo Đá Lớn A trong cảm xúc đan xen giữa niềm vui và nỗi buồn. Vui vì được ra tận đảo, được tận mắt chứng kiến cuộc sống gian khổ, thiếu thốn của người lính nhưng các anh vẫn kiên trung, bất khuất, ngày đêm giữ vững biển đảo quê hương, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Buồn vì chia tay các anh rồi không biết đến khi nào mới có dịp gặp lại, bởi khoảng cách địa lý người Bắc, kẻ Nam . Chia tay rồi, chỉ mong sao trời luôn yên, biển Đông luôn lặng sóng để người lính Hải quân bớt vất vả và để ngư dân yên tâm khai thác những nguồn lợi to lớn từ đại dương mang lại.

        Viết từ Trường Sa - 5.2012

                                                      NGUYỄN PHI ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Không xa đâu Trường Sa ơi...!
HGĐT - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam ta, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Đó là xương máu, là ý chí và khát vọng từ ngàn đời; từ công sức, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng của biết bao thế hệ ông, cha đã xác lập và bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia trên biển đông, trên trường quốc tế.
30/05/2012
Trung ương Đoàn phát động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2012
Sáng (27/5) tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn long trọng tổ chức lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2012 với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo.
30/05/2012
Hội nghị thẩm định quy hoạch nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao phía Bắc
HGĐT - Ngày 28.5, tại Sở No&PTNT, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm định quy hoạch nước sinh hoạt nông thôn cho 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc giai đoạn 2011 – 2020. Dự Hội nghị có đại diện Văn phòng nước sạch thuộc Bộ No&PTNT, Viện Nước tưới tiêu và Môi trường, các thành viên thực hiện dự án nước sạch, lãnh đạo các Sở, ngành liên quan...
29/05/2012
Chuyện tảo hôn ở Phú Lũng hôm nay
HGĐT - Có thể nói rằng, tảo hôn là một vấn nạn thường xuyên xảy ra ở các huyện, xã vùng cao. Trước đây, nhắc tới Phú Lũng (Yên Minh) chẳng mấy ai không biết đó là xã có tỉ lệ tảo hôn luôn ở mức “báo động”. Thế nhưng, giờ đây có dịp ghé thăm Phú Lũng, được các thầy cô giáo và cán bộ xã nơi đây phấn khởi bảo rằng, nạn tảo hôn bây giờ đã không còn như trước nữa. Có được kết quả
29/05/2012