“Đá Hà Giang” cùng cả nước xây Trường Sa vững mạnh
HGĐT - Trong tháng 5 lịch sử này, Hà Giang cùng với cả nước hướng về Trường Sa bằng cả tấm lòng mình. Suốt hải trình, không chỉ chúng tôi - 80 con người đại diện cho Hà Giang về với Trường Sa - mà tất cả mọi người trong Đoàn công tác số 14 được trải nghiệm, lắng sâu trong cảm xúc của tình người, của ý chí, nghị lực và sự kiên cường, bất khuất vượt qua phong ba, bão tố để giữ vững chủ quyền biển đảo của người lính đảo.
Đoàn công tác giao lưu với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Cô Lin.
Những “viên đá” của tinh thần và trách nhiệm nơi Cực Bắc:
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang đã cùng cả nước hướng về Trường Sa thân yêu với tất cả tinh thần, trách nhiệm và bằng cả tấm lòng mình. 80 trái tim tiêu biểu, đầy nhiệt huyết, chính là 80 “viên đá” đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và bà con các dân tộc trong tỉnh mang theo những biểu trưng của Hà Giang, những hiện vật thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, keo sơn như anh, em một nhà. Đó chính là lá cờ Tổ quốc rộng 54m2, thể hiện cho 54 dân tộc Việt Nam đã tung bay trên Cột cờ Lũng Cú; đá chủ quyền được lấy từ Cao nguyên đá Đồng Văn; cùng với đó là những món quà của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang gửi tới Trường Sa bằng cả tấm lòng. Đây chính là minh chứng không một thế lực nào có thể phủ nhận, bác bỏ được sự đoàn kết, vượt lên gian khó, trải qua bao cuộc chiến tranh giữ vững từng mốc giới, đường biên “một tấc không đi, một li không rời” dẫu phải đánh đổi bằng cả xương và máu của biết bao thế hệ người Hà Giang.
Cùng chuyến đi, ngoài Đoàn Hà Giang còn có đại biểu đại diện cho tỉnh Hải Dương, Kiên Giang, Học viện CSND... đã tới thăm, làm việc với 8 đảo chìm, nổi của Trường Sa. Cảm xúc ngập tràn trong cảm xúc, đó chính là cảm nhận của các thành viên trong Đoàn công tác số 14. Và cao trào của cảm xúc chính là buổi chào cờ của Đoàn với quân, dân trên đảo Trường Sa lớn. Vẫn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, vẫn lời Quốc ca thể hiện khí phách kiên cường bao đời “...Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca...”. Bầu không khí đó làm cho chúng tôi không còn cảm giác về không gian, khoảng cách đất liền và hải đảo mà tất cả tựu chung lại là đất nước Việt
Những bài học sau một chuyến đi:
Tiếp tục hải trình, Đoàn chúng tôi tới thăm và làm việc tại một số đảo. Đảo Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa lớn lại cho chúng tôi cảm giác giống đất liền hơn, bởi ở đây có rất nhiều cây xanh bao bọc. Những loài cây đặc trưng của huyện đảo Trường Sa, như: Bàng vuông, Tra (Nho biển), Phi lao và rau Muống biển... Nhưng điều làm cho đảo giống đất liền nhất chính là sự hiện diện của các hộ ngư dân sinh sống. Tiếng cười nói, nô đùa của trẻ nhỏ cùng tiếng chuông chùa chậm dãi vang lên hoà vào sóng biển. Hay như sự tồn tại của giếng nước ngọt trên đảo Trường Sa lớn, làm cho ngạc nhiên tới tột cùng. Đến ngay cả Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh, Trưởng đoàn công tác số 14; đồng chí Lê Quang Triều, Uỷ viên BTV, Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ cùng các thành viên khác trong Đoàn và ngay cả chính tôi đều uống thử nước giếng Trường Sa để cảm nhận xem có sự khác biệt nào giữa nước ngọt đất liền và hải đảo. Dù ngoài biển khơi, nước giếng vẫn ngọt lịm như chính giếng nước đầu làng quê tôi. Chuyến đi nối tiếp chuyến đi, dù thời gian Đoàn công tác lưu lại các đảo chưa nhiều, những món quà chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu của quân và dân trên đảo nhưng Hà Giang đã và sẽ tiếp tục góp “đá” cùng cả nước xây dựng Trường Sa vững mạnh, góp phần đưa đất nước “mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển” theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Trao đổi nhanh với phóng viên sau khi rời đảo Trường Sa lớn, Đại tá Dương Tiến Soạn, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh, đã nói lên những cảm nhận của mình: “Như Hà Giang, huyện đảo Trường Sa cũng thật kỳ vĩ, là biểu trưng cho sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam. Ra đây rồi mới thấy cố gắng vượt qua sự khắc nghiệt từ thiên nhiên, ý chí kiên cường, vượt qua chính mình của những người lính Hải quân. Sau chuyến công tác này, về đơn vị, tôi sẽ tình nguyện làm “Báo cáo viên” để không chỉ đem những cảm nhận của mình về con người và biển đảo Trường Sa mà còn mang cả tinh thần, ý chí của người lính biển giáo dục cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, để bộ đội Hà Giang cùng với Hải quân Trường Sa cùng nhau chia sẻ những khó khăn, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho lực lượng vũ trang, giữ yên từng tấc đất linh thiêng của Tổ quốc...”.
Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: “Lính Biên phòng mình với lính Hải quân trên đảo có hoàn cảnh gần giống nhau. Đều là những người lính làm nhiệm vụ nơi đường biên, mốc giới, vành đai của Tổ quốc và đều lấy đảo, đồn là nhà... Ra đây, chứng kiến tận mắt những gì người lính đảo vượt qua, mình xúc động lắm. Nếu so với Bộ đội Biên phòng ở các Đồn thì lính đảo vất vả hơn nhiều, nhiều lắm. Cho nên, sau chuyến này về mình sẽ tổ chức các buổi báo cáo và sẽ thông tin đầy đủ, trọn vẹn về Trường Sa với cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị để cùng nhìn vào đó phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao...”.
Đúng như lời đồng chí Lê Quang Triều, Uỷ viên BTV, Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Hà Giang khẳng định: “Đây là một chuyến công tác rất ý nghĩa. 80 thành viên trong Đoàn, mỗi người một cương vị khác nhau sẽ có những cảm nhận riêng về Trường Sa. Nhưng tựu chung lại đó là sự đồng cảm, sẻ chia khó khăn giữa người với người trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với đó, qua chương trình này đã khơi dậy, làm lớn mạnh lên gấp nhiều lần tình yêu đất nước, ý thức và trách nhiệm của từng cá nhân với chủ quyền, lãnh thổ nước Việt Nam; từ đó, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa theo đúng mục tiêu “Tất cả vì Trường Sa thân yêu, vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà...”.
Trở về Cực Bắc, chúng tôi mang theo lời hứa hôm chia tay với quân, dân huyện đảo Trường Sa, tối ngày 24.5:Tại cầu tàu, hoà trong tiếng sóng biển vỗ bờ, tiếng gió gầm rú vì biển động, nước mắt hòa trongmưa,tất cả cùng cất cao những lời ca hào hùng, tràn đầy ý chí kiên cường của Anh bộ đội Cụ Hồ: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh. Anh, em ơi vì nhân dân quên mình...”.
Tháng 5.2012
Ý kiến bạn đọc