Chuyện tảo hôn ở Phú Lũng hôm nay

10:48, 29/05/2012

HGĐT - Có thể nói rằng, tảo hôn là một vấn nạn thường xuyên xảy ra ở các huyện, xã vùng cao. Trước đây, nhắc tới Phú Lũng (Yên Minh) chẳng mấy ai không biết đó là xã có tỉ lệ tảo hôn luôn ở mức “báo động”. Thế nhưng, giờ đây có dịp ghé thăm Phú Lũng, được các thầy cô giáo và cán bộ xã nơi đây phấn khởi bảo rằng, nạn tảo hôn bây giờ đã không còn như trước nữa. Có được kết quả như ngày hôm nay thì công tác tuyên truyền là quan trọng nhất…


Trải dài trên con đường dẫn tới xã Phú Lũng vào những ngày cuối tháng năm xanh ngát màu ngô chen đá. Trong ngôi trường tiểu học và THCS nằm gần trung tâm xã, học sinh đã bắt đầu nghỉ học, chỉ còn lại màu hoa phượng rực đỏ một khoảng sân. Trong câu chuyện với Chủ tịch xã Phú Lũng, đồng chí Viên Văn Hải kể cho chúng tôi nghe về những đổi thay trong cuộc sống của bà con vùng giáp biên này. Phú Lũng là xã được chia làm 13 thôn, có 491 hộ với 2681 nhân khẩu, có tới 6 dân tộc anh em chung sống, trong đó người Mông chiếm đa số. Phải nói rằng cuộc sống của bà con giờ đây đang dần ổn định, cái đói nghèo không còn đeo bám như một số năm về trước. Hiện tại, số hộ nghèo trong xã còn 41,7%, giảm 9,6% so với năm 2011. Có được kết quả này là do lãnh đạo xã có nhiều sự quan tâm lãnh, chỉ đạo, mặt khác cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như hỗ trợ giống mới, thâm canh tăng năng suất. Các chương trình được triển khai chặt chẽ, sâu sát, có hiệu quả, cơ sở hạ tầng được nâng lên, đời sống của nhân dân được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo được chú trọng, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới được triển khai. Cùng với đó là công tác giáo dục có sự chuyển biến rõ rệt, chất lượng dạy và học được nâng cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được duy trì và phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

 

Cũng chính vì những lý do đó đã tạo điều kiện giúp cho nhận thức và dân trí của bà con ngày một nâng cao. Người dân ngày càng biết chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái và đặc biệt là hạn chế rất nhiều tình trạng tảo hôn. Nếu như trước đây, do tỉ lệ người dân không biết chữ cao, trình độ dân trí thấp cộng với nhiều tập tục nên công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2009 trở lại đây, cán bộ phòng tư pháp xã kết hợp với hội phụ nữ xã, các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc, tuyên truyền về pháp luật, về hậu quả của việc tảo hôn… đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Đi cùng với đó là tỉ lệ tảo hôn giảm xuống rõ rệt, số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn nhiều hơn. Anh Sùng Mí Lùng, một cán bộ tư pháp xã Phú Lũng chia sẻ: “Để cho người dân hiểu thì chúng tôi đã phân công đến tận cơ sở, trực tiếp vào nhà dân nói chuyện, hướng dẫn, chỉ cho họ thấy cái đúng, cái sai và bảo họ không được để con cái mình tảo hôn, nếu không sẽ bị phạt tiền”. Và có lẽ chỉ có phạt tiền thì người dân mới…“sợ”. Chị Hầu Thị Pà, Chủ tịch hội phụ nữ xã tâm sự: “Bà con nhiều khi tuyên truyền cũng không nghe mấy đâu, mặc dù tuyên truyền dưới nhiều hình thức để làm sao dễ hiểu, dễ nhớ. Mặc dù có thay đổi nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn. Chỉ có vi phạm là phạt tiền thì bà con mới hạn chế được nhiều.” Câu chuyện chị kể cho chúng tôi nghe xảy ra từ năm 2009 như minh chứng cho điều này, ở thôn Phú Lũng có cô gái Giàng Thị Khứ lúc đó mới 9 tuổi nhưng gia đình đã bắt đi lấy chồng. Biết được điều này, cán bộ xã đã có nhiều biện pháp can thiệp, khuyên nhủ nhưng gia đình nhất quyết không nghe. Chỉ đến khi đưa vào xã làm bản cam kết, nếu không sẽ bị phạt tiền thì gia đình mới chấp nhận không để con lấy chồng sớm.

 

Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình tảo hôn ở xã, vượt qua những dốc cao, quanh co, chúng tôi có mặt tại thôn Mẻo Ván, thôn trước đây có số cặp vợ chồng tảo hôn nhiều của xã Phú Lũng. Trưởng thôn Mua Mí Thành cho biết, do thường xuyên được tuyên truyền, nhất là những lúc họp thôn luôn động viên bà con không để con em mình lấy chồng, lấy vợ sớm nên tình trạng tảo hôn trong thôn giờ đây gần như không còn nữa. Riêng năm ngoái chỉ có một trường hợp đang đi học bỏ về lấy chồng nhưng không kịp can thiệp. Có mặt tại gia đình anh Thào Mí Giàng, một người dân thôn Mẻo Ván, anh bảo: “Gia đình mình nghèo lắm, cũng không muốn cho con nó đi lấy nhau sớm đâu. Bây giờ cán bộ xã vào nói chuyện nên cũng hiểu nhiều rồi”.

 

Từ thực tế cho thấy, tảo hôn để lại nhiều hậu quả lớn cho xã hội. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của những cặp vợ chồng tảo hôn mà những đứa con sinh ra cũng còi cọc, suy dinh dưỡng… Đi cùng với đó là chất lượng cuộc sống suy giảm, nảy sinh nhiều mâu thuẫn gia đình khi những người “chưa đủ tuổi” làm cha, làm mẹ đã phải “gánh vác” công việc nuôi dạy con cái. Câu chuyện tảo hôn ở Phú Lũng hiện nay cho thấy rằng luôn cần đến sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, tuyên truyền một cách thường xuyên, sâu rộng, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân về…tảo hôn.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn khối cơ quan tỉnh thăm và giao lưu với trẻ em tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh
HGĐT - Ngày 27.5, các Chi đoàn: Sở Khoa học và công nghệ, Lao động thương binh và xã hội, chi đoàn Khối các cơ quan tỉnh và nhiều bạn trẻ thuộc nhóm Hà Giang o­nline đã phối hợp tổ chức hoạt động giao lưu, tặng quà cho trẻ em và học sinh có thành tích học tập tốt tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.
28/05/2012
Đảo nhỏ - Trách nhiệm lớn! (*)
HGĐT - Từ công sức, mồ hôi và cả xương, máu của biết bao thế hệ cha, anh; Trường Sa hôm nay đã, đang trụ vững kiên trung nơi "Đầu sóng, ngọn gió"; từng bước đưa "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" của Đảng thành hiện thực. Với tinh thần "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước"; nhiều phong trào hành động: "Hướng về Trường Sa thân yêu", "Góp đá xây Trường Sa", "Chung
25/05/2012
Chi Đoàn Sở Công Thương: Mở lớp học tiếng Trung Quốc giao tiếp cho ĐVTN
HGĐT - Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại ngữ là một công cụ quan trọng để chúng ta tiến gần hơn với các nước trên thế giới, nhất là với nước láng giềng Trung Quốc.
23/05/2012
Ủy ban MTTQ, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng tặng quà cho Ủy ban MTTQ và bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang
HGĐT- Sáng ngày 22.5, tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đón đoàn đại biểu của Ủy ban MTTQ cùng Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng lên đến tặng quà cho Ủy ban MTTQ và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang.
23/05/2012