Bắc Mê: Náo nức chợ phiên...
HGĐT - Cũng là phiên chợ để bán - mua, nhưng với người dân vùng cao, chợ còn là nơi để giao lưu, trao đổi tâm tình, là một nét văn hóa độc đáo riêng biệt mà khó nơi nào có được. Chợ phiên Bắc Mê là phiên chợ như thế !
Nắng tháng năm, vừa sáng sớm mà mặt trời đã gắt gỏng, trên mọi nẻo đường ra huyện ngày chợ phiên, người dân lại nô nức kéo về trong những bộ áo quần xúng xính. Có người mang theo những “sản phẩm” sẵn có của gia đình đi bán để đổi lấy thực phẩm, gia vị và những vật dụng khác, cũng có người xuống chợ chỉ để đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Chợ phiên Bắc Mê dù mới được khai trương vào cuối tháng 4.2012 (họp vào chủ nhật hàng tuần) nhưng đã thu hút đông đảo người dân cả trong và ngoài huyện đến... chơi chợ.
Hát đối đáp dao duyên, nét văn hóa làm say lòng những người đến chợ
Bắc Mê là huyện nằm trên Quốc lộ 34, nối Hà Giang với huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, trao đổi hàng hóa. Trước đây, phát huy lợi thế địa lý này, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) đã phát triển thương mại một cách vượt trội, giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, nhưng việc kinh doanh, buôn bán lúc đó chỉ mới dừng lại ở trao đổi hàng hóa với quy mô nhỏ lẻ. Nay, việc khai trương chợ phiên của huyện như một “đòn bẩy” để thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại ấy. Góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng thương mại, dịch vụ... Người dân trên địa bàn huyện giờ đây đã có nơi để trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, Bắc Mê còn là huyện có đông đảo đồng bào dân tộc sinh sống (với 14 dân tộc) nên theo chủ trương của huyện, ngoài ý nghĩa về phát triển kinh tế, hoạt động của chợ phiên còn là để bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Vì vậy, bên cạnh những gian hàng sản phẩm, chợ phiên Bắc Mê còn là nơi diễn ra nhiềuhoạt động văn hóa sôi nổi như: Chọi dê, múa khèn Mông, hát phướn, hát cọi, hát đối đáp dao duyên...
Vượt qua sự nắng gắt của thời tiết, người dân khắp nơi đều đổ về phiên chợ
Ghi nhận của phóng viên khi có mặt tại chợ cho thấy, dù thời tiết nắng nóng nhưng người dân xuống chợ ngày càng đông. Tại những gian hàng sản phẩm như:quần áo, vật dụng, rau quả vẫn thu hút rất đông chị em phụ nữ bán, mua. Còn ở gian hàng ẩm thực, “đấng mày râu” lại thích chí nói, cười bên những vò rượu ngô, sắn và chảo thắng cố nghi ngút khói... Ở phía góc chợ, nơi xới chọi dê được dựng lên, đã có trên 20 con dê của người dân đến từ các xã trên địa bàn huyện được mang về đây để sẵn sàng “xung trận”. Với sự hỗ trợ của huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn, Hội thi chọi dê sẽ là một hoạt động được duy trì thường xuyên (với giải thưởng 2 triệu đồng cho giải nhất), đây là một nét mới, độc đáo thu hút đông đảo người dân đến xem, không chỉ tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn khuyến khích người dân trong phát triển chăn nuôi dê.Nhưng, tách rời với những ồn ã ngoài xới chọi dê kia, da diết và sâu lắng hơn là những điệu hát giao duyên, tâm tình của đồng bào người Dao, người Tày..., được cất lên từ những người dân chưa một lần cầm micro. Sau những ngày lao động mệt mỏi trên nương rẫy, họ lại náo nức xuống chợ phiên, lại say sưa hát để quên đi mệt nhọc, thể hiện một niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của người dân lao động nơi đây. Chị Bồn Thị Sàng, ở xã Đườngm bày tỏ niềm cảm xúc: “Từ ngày có chợ phiên, chị em trong thôn lại mong đến chủ nhật, nhà chỉ có ít bắp ngô mang bán thôi, nhưng đi chợ để hát đối đáp dao duyên mà, vui lắm...”.
Gian hàng truyền thống của người Dao tại phiên chợ
Ông Trần Tú Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết thêm: “Trong phiên họp đầu tiên, chợ phiên Bắc Mê đã thu hút hàng ngàn lượt người đến chợ, có cả người dân từ các huyện khác đến. Với nhiều hoạt động phong phú,huyện Bắc Mê đang hướng tới xây dựng một chợ phiên đa dạng về sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương và độc đáo về văn hóa. Các hoạt động văn hóa này sẽ tiếp diễn song song bên những gian hàng sản phẩm trong mỗi buổi chợ...”.
Chọi dê – một hoạt động văn hóa thường xuyên tại chơ phiên Bắc Mê.
Được biết, chợ huyện Bắc Mê được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2011 với nhiều công trình, hạng mục như: Khu vực gian hàng ẩm thực, gian hàng rau quả, gian hàng quần áo, nhiều ky ốt cho thuê.... Sau khi được khai trương và đi vào hoạt động, huyện Bắc Mê sẽ giao cho doanh nghiệp đầu tư quản lý chợ, các doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, thúc đẩy và hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa được diễn ra thường xuyên. Hướng tới xây dựng “văn hóa chợ” đặc sắc của cùng caotheo sự chỉ đạo của huyện.
Ông Trần Quý Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cát Thành, là doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chợ và được giao quản lý chợ chia sẻ: “Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy thương mại phát triển, công ty sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ đối với các hoạt động văn hóa diễn ra tại chợ phiên, nhằm tạo môi trường giao lưu văn hóa đặc sắc cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Hy vọng, người dân sẽ đến với chợ phiên ngày một đông hơn...”.
Mặt trời đứng bóng, chợ bắt đầu tan... Nhưng lòng người còn háo hức. Những chú dê lại tung tăng vượt những triền dốc cao gặm cỏ sau khi giải đấu kết thúc, trong mắt mọi người vẫn đọng lại sự luyến lưu, dù chẳng còn bán - mua nhưng vẫn muốn níu chân thêm nữa... Hẹn chợ phiên tuần sau nhé!
Ý kiến bạn đọc