Nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Phương Tiến
HGĐT- Là xã thuần nông, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã luôn trăn trở tìm ra những đường lối, chính sách phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Gia đình anh Nguyễn Văn Suy (thôn Sửu, xã Phương Tiến) thoát nghèo nhờ chăn nuôi lợn đen. |
Hướng dẫn hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... là những cách làm hiệu quả giúp cho người nghèo có thêm nội lực tự vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Phương Tiến có 623 hộ với gần 3000 nhân khẩu, xã có 8 thôn bản, trong đó có 4 thôn vùng cao. Trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn nhất là các thôn vùng cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm. Từ đặc điểm tình hình của địa phương, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng bộ xã đã đề ra. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thời gian qua xã tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT đưa các cây, con mới vào sản xuất thâm canh phù hợp với địa phương để nâng cao năng suất, kết hợp với xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động nước cho cây trồng, các dịch vụ nông nghiệp được cung ứng đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp ở Phương Tiến đạtđược những kết quả đáng khích lệ. Trong năm qua, tổng diện tích gieo trồng 5763,5 ha, trong đó diện tích trồng lúa 254 ha, ngô 39,19 ha. Để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bên cạnh sự hỗ trợ lãi xuất từ các nguồn vốn ưu đãi, các chương trình dự án đầu tư, xã đã phát triển mạnh chăn nuôi, thực hiện tốt công tác phòng tránh dịch bệnh, chủ động nguồn thức ăn khô vào mùa đông, cải tạo nguồn giống nhằm nâng cao chất lượng cho đàn gia súc, đảm bảo phát triển ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay toàn xã có hơn 1000 con trâu, 1685 con lợn, 900 con dê và 11.800 con gia cầm các loại.
Xác địnhvai trò của kinh tế rừng, xã đã tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển, giao khoán diện tích rừng cho bà con quản lý, nên phong trào trồng rừng phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Không chỉ chú trọng đến phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng xã còn khuyến khích nhân dân mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ buôn bán nhỏ, duy trì chợ phiên tại trung tâm nên đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa.
Để nâng cao cuộc sống cho người dân, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm, chú trọng. Năm 2011 toàn xã còn 223 hộ nghèo, phấn đấu sang năm 2012 giảm xuống còn 191 hộ, chỉ đạo và hỗ trợ nhân dân xóa nhà tạm tranh tre dột nát. Chính quyền xã cũng quan tâm đến các gia đình nghèo như hỗ trợ 2175 kg gạo cho các hộ gia đình nghèo, hỗ trợ tiền ăn tết, tiền điện, tiền dầu cho mỗi hộ là 30 nghìn đồng/tháng. Tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Nguyễn Văn Suy, là một trong những hộ nghèo ở thôn Sửu tâm sự: nhiều năm liền vợ chồng anh chị chỉ biết quanh quẩn với mấy sào ruộng nên nghèo đói mãi, không đủ tiền để lo chuyện học hành cho các con. Nhờ được vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách với khoản tiền ban đầu vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư mua giống lợn đen về nuôi, từ chỗ chỉ có 2 con lợn nay anh đã có lợn nái để tự cung cấp giống và đầu tư đàn vịt để trứng hơn 100 con, mỗi năm trừ mọi chi phí anh cũng thu lãi được 60 triệu đồng. nhờ đó mà cuộc sống của gia đình anh được cải thiện rõ rệt. Là một xã còn nhiều khó khăn, nhất là các thôn vùng cao điều kiện đi lại, sinh hoạt của bà con còn hạn chế là điều trăn trở của mỗi cán bộ xã. Ông Nguyễn Văn Lễ, Phó chủ tịch UBND xãcho biết: thời gian tới xã tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nhất là sản xuất nông lâm nghiệp, mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC. Khuyến khích bà con ở 2 thôn Sà Phìn, Mò Phìn mở rộng diện tích trồng thảo quả vì đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao.
Những kết quả mà xã Phương Tiến đạt được thật đáng trân trọng, song trên bước đường phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế của xã phát triển chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao. Để vươn lên xóa nghèo bền vững cần phát huy nội lực, làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó xây dựng các mô hình kinh tế, gắn với đặc thù thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện cho người dân trong xã đổi mới tư duy lao động, vươn lên làm giàu chính đáng góp phần đưa bộ mặt nông thôn Phương Tiến ngày càng phát triển.
Ý kiến bạn đọc