Đổi thay ở thôn biên giới Vàng Chá Phìn, xã Cao Mã Pờ
HGĐT- Như nhiều thôn biên giới khác của huyện Quản Bạ, thôn Vàng Chá Phìn, xã Cao Mã Pờ là thôn biên giới nằm trong diện đặc biệt khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, địa hình dốc nếu muốn thâm canh, tăng vụ là cả một sự thách thức, thêm vào đó là những tập quán canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào vùng đồng bào nơi đây không dễ gì thay đổi trong “một sớm một chiều”.
Từ những thực tế của địa phương, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Cao Mã Pờ, cũng như thôn Vàng Chá Phìn đã được sự hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh, cùng với những cố gắng của người dân nơi đây đã dần tạo nên một bộ mặt mới cho thôn trong công cuộc đổi mới.
Từ trung tâm huyện Quản Bạ đi chừng gần 30km về phía Tây đến với xã Cao Mã Pờ và sau gần một tiếng đi ngược dốc, thôn Vàng Chá Phìn cũng đã hiện ra. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà gỗ, mái lợp Prôximăng nằm dọc theo sườn núi. Cả thôn có 39 hộ dân tộc Hán với 201 nhân khẩu sống rải rác theo những triền núi dọc tuyến biên giới Việt - Trung dài 2km. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây chủ yếu sống theo phương thức tự cung, tự cấp, muốn xuống chợ phải đi mất cả ngày đường. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, chương trình 135, 120 đối với đồng bào vùng biên giới nên người dân thôn Vàng Chá Phìn đã biết tới cái tivi, xe máy, có nhà lợp Prôximăng...
Đến thăm các gia đình trong thôn Vàng Chá Phìn, tôi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay, trong niềm vui với nét mặt rạng ngời, anh Cháng Sèn Cai, một người dân bộc bạch: Đến bây giờ thôn đã có bể nước, có công trình chuồng trại ngăn nắp, gọn gàng, nhà nào nhà nấy đều sáng đẹp, đám trẻ trong thôn được gần cô, gần trường nên đã chấm dứt được hiện tượng bỏ trường, xa lớp; trên sàn nhà đầy ắp ngô, nhà nào cũng có bò, lợn to trong chuồng. Anh Hoàng Sửi Soắn cho biết, gia đình anh có 6 khẩu nhưng chỉ có 2 lao động chính, trước đây gia đình anh vẫn phải chông chờ vào sự hỗ trợ lương thực của Nhà nước, nhưng giờ đây không những đã đủ ăn mà còn mua được bò, dê để nuôi sinh sản nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Trưởng thôn Vàng Chá Phìn Chảo Dâu Sò, tâm sự: Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên cuộc sống của 39 hộ dân tộc nơi đây đang từng ngày được “thay da đổi thịt”, đến nay các công trình như nhà ở, lớp học mầm non của thôn được xây dựng hoàn chỉnh. Các hộ đều được Nhà nước hỗ trợ tấm lợp, lương thực từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, chương trình 120 của Chính phủ đã đến với đồng bào vùng biên giới. Đời sống văn hoá, tinh thần của bà con được cải thiện, các hủ tục đã được xoá bỏ, nếu như trước đây người chết để từ 5 - 7 ngày thì nay làm ma không quá 48 giờ đồng hồ; trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 99,8%. Trong phát triển kinh tế, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của đồng bào ngày một được nâng cao, trong thôn không còn hộ đói; trung bình mỗi hộ sở hữu từ 2 - 4 con gia súc, bình quân lương thực theo đầu người đạt 590kg/người/năm; nhiều gia đình đã mua được máy xay xát, 100% số hộ có nhà lợp Prôximăng...
Tuy nhiên, đi dọc tuyến hành lang biên giới tới thôn Vàng Chá Phìn vẫn còn có những điều làm tôi băn khoăn, trăn trở, đó là việc làm, là thu nhập, cuộc sống đồng bào bám biên, giữ đất vẫn còn những khó khăn trở ngại. Mong ước lớn nhất của đồng bào nơi đây là có chợ, tuyến đường vào thôn được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được giao lưu trao đổi hàng hoá, từng bước tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển phù hợp với trình độ dân trí tại địa phương gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hoá tín ngưỡng.
Chia tay trưởng thôn Chảo Dâu Sò và người dân thôn Vàng Chá Phìn khi ánh mặt trời dần khuất sau triền núi, trong tôi chàn ngập niềm tin vào một tương lai và những mong ước của người dân nơi đây sớm trở thành hiện thực, đồng bào dân tộc Hán trên vùng biên cương này sẽ từng bước vượt qua những khó khăn trở ngại trước mắt để vững tâm, vươn mình vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc