Chiều về Thiên Hương

15:15, 30/04/2012

HGĐT- Vào những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi có dịp về với Thiên Hương (thị trấn Đồng Văn), đây được coi là một trong những thôn đi đầu trong phát triển kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân trên vùng cao nguyên đá. Đến với Thiên Hương, không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay về cuộc sống của người dân nơi đây. Có được điều đó có thể nói, chăn nuôi đa dạng đã mang lại hiệu quả không nhỏ...


 

 Chăn nuôi đa dạng mang lại nhiều đổi thay trong cuộc sống của người dân ở Thiên Hương.


Buổi chiều, dọc theo hai bên con đường vào Thiên Hương xanh màu cỏ mà người dân vẫn hàng ngày chăm chỉ trồng trên những khoảnh đất trống, điều mà mỗi người đều dễ dàng nhận thấy, nghe thấy khi đặt chân đến nơi đây chính là âm thanh quen thuộc phát ra từ những chiếc mõ (lục lạc) đeo trên cổ trâu, bò vang vang khắp núi rừng. Từ những ngôi nhà san sát nhau bên chân núi, tiếng lợn đòi ăn làm phá tan không khí vốn yên bình ở Thiên Hương khi chiều xuống.


Con đường dẫn vào thôn Thiên Hương cũng quanh co, vất vả như bao con đường khác trên mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn. Là một thôn vùng cao của thị trấn Đồng Văn, đường xá đi lại khó khăn, cộng với đặc thù khí hậu khắc nghiệt, quanh năm thiếu nước nên điều kiện phát triển kinh tế không nhiều. Chính vì vậy mà nhiều hộ dân ở Thiên Hương trước đây khôngthể thoát khỏi đói nghèo. Sau khi được sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách, đưa các loại cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, đến nay các hộ dân ở Thiên Hương đã có cuộc sống ổn định và ấm no hơn.


Thiên Hương là nơi sinh sống của 44 hộ dân, phần lớn là dân tộc Tày với 215 nhân khẩu. Bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, lương thực chính là cây ngô, cây lúa, nhất là rau màu được người dân trồng nhiều. Bên cạnh việc trồng rau mang tính tự cung, tự cấp, ngoài cung cấp thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày thì dùng để làm thức ăn trong chăn nuôi luôn được người dân tận dụng triệt để. Một đồng chí cán bộ của thị trấn Đồng Văn đi cùng chúng tôi vào Thiên Hương vui vẻ khoe: “Ở đây bà con trồng nhiều rau lắm, đôi khi còn mang ra cả chợ bán vì dùng không hết. Chủ yếu lấy để chăn nuôi nữa, mà ở đây thì chăn nuôi phát triển nhất đấy”.


Dạo một vòng quanh thôn Thiên Hương, ghé thăm nhiều hộ gia đình, chúng tôi mới thấy được lời nói của đồng chí cán bộ thị trấn quả không sai. Hầu hết các hộ dân đều chăn nuôi lợn, trâu, bò, thậm chí có hộ nuôi ngựa bạch, chim bồ câu... Điều khác biệt lớn nhất có lẽ là đa phần các hộ gia đình ở đây đều có máy xay xát, chủ động trong chế biến sản phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi từ rơm, rạ được người dân chủ động bảo quản, không để vật nuôi thiếu ăn nhất là vào mùa rét.


Với thái độ chân tình, cởi mở, anh Nguyễn Văn Khuây, một người dân thôn Thiên Hương chia sẻ: “Trước đây gia đình khó khăn lắm, nhưng từ ngày biết chăn nuôi tới giờ thì không còn đói nghèo nữa, con cái cũng được học hành tử tế rồi”. Qua tìm hiểu được biết, gia đình anh Khuây thường nuôi 3 con trâu, 10 con lợn mỗi năm. Ngoài phục vụ sức kéo thì trừ chi phí một năm cũng lãi được từ 15 đến 20 triệu đồng từ chăn nuôi. Số tiền đó góp một phần không nhỏ cho hai người con của anh trong việc học hành, nhất là chu cấp hàng tháng cho đứa con đầu đang theo học một trường chuyên nghiệp ở Hà Nội.


Có thể nói rằng, người dân ở Thiên Hương giờ đây rất có ý thức trong việc chủ động chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ đã vươn lên có mức sống khá. Điều đó đã tạo ra một khối đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ gia đình. Trưởng thôn Lương Đình Ninh, người đã gắn bó với thôn Thiên Hương này nhiều năm không khỏi vui mừng khi thấy cuộc sống của bà con trong thôn ngày một chuyển biến tích cực. “Bà con biết cách chăn nuôi rồi, nhiều nhà còn mạnh dạn nuôi cả ngựa bạch nữa. Còn nuôi lợn thì nhà nào cũng có nên không còn đói khổ như trước nữa”. Được biết trước đây, phương tiện đi lại của bà con, từ việc chở, thồ hàng hóa đến lúc đi chợ phiên chủ yếu là dùng sức của con lừa. Vì thế mà trước đây, chăn nuôi lừa là điển hình nhất trong các loại vật nuôi ở thôn.


Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa hình, thời tiết nơi đây đã mang lại hiệu quả cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Trưởng thôn Lương Đình Ninh phấn khởi cho biết, hiện nay thôn chỉ còn 7 hộ nghèo, giảm được 6 hộ so với năm 2011. Thu nhập lương thực tính theo bình quân đầu người đạt ở mức ổn định. Vui mừng nhất có lẽ là đã hơn 10 năm nay không còn hộ sinh con thứ ba, người dân luôn biết chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Tất cả người dân một lòng quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Điều đó đã tạo cho thôn Thiên Hương có một diện mạo mới, trong số 44 hộ dân sinh sống nơi đây thì có tới 34 hộ đạt gia đình văn hóa.


Ra về khi trời chiều chỉ còn buông tia nắng nhạt xuống những vườn cỏ xanh mơn mởn, từng đàn trâu, bò lững thững về chuồng. Trên mỗi đoạn đường, vẫn vang vang bên tai những tiếng mõ kêu lốc cốc, càng khiến chúng tôi tin tưởng, cuộc sống ấm no sẽ luôn ở lại với người dân Thiên Hương.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội chi đoàn Trường Trung cấp KTKT Hà Giang nhiệm kỳ 2012-2014
HGĐT - Sáng 27.4, Chi đoàn Trường Trung cấp KTKT Hà Giang đã tổ chức Đại hội chi đoàn khóa IV, nhiệm kỳ 2012-2014.
27/04/2012
Huy động tổng thể lực lượng nhằm đảm bảo ATGT trong dịp nghỉ lễ
HGĐT- Tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng tai nạn giao thông (TNGT) vẫn gia tăng.
27/04/2012
Phấn đấu thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012
HGĐT- Ngày 27.7.2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1271/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra (TĐT) cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012. Cuộc TĐT được tiến hành 5 năm 1 lần trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế, cơ sở hành chính, sự nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài trên phạm vi cả nước, phục
25/04/2012
“Thời cơ vàng” của lao động khu vực nông thôn
HGĐT- Hàng chục nghìn lao động nông thôn - đối tượng hưởng lợi trực tiếp của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” sẽ được đào tạo kiến thức, tay nghề để tự tạo việc làm, hoặc làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thủ công nghiệp… Đây là quyết tâm rất lớn của tỉnh nhằm trang bị cho người lao động khu vực nông thôn cái “cần câu” để họ chủ động câu được “con cá”.
25/04/2012