Trăn trở Nà Khương
HGĐT- Trung tuần tháng 3.2012, tranh thủ thời tiết ấm lên, đồng bào các xã trong huyện Quang Bình đổ dồn ra đồng chăm sóc lúa xuân. Còn tại xã Nà Khương, lúa xuân mới chỉ cấy được xem như “đếm trên đầu ngón tay". Lý do được đưa ra thì rất nhiều, nhưng chưa lý do nào thoả đáng...(?)
Những thửa ruộng còn chưa được trồng cấy ngay tại Trung tâm xã Nà Khương (ảnh chụp ngày 12.3.2012). |
Thực trạng đáng suy nghĩ
Buổi làm việc với Bí thư Đảng uỷ xã Nà Khương Long Đức Trung, tôi có đặt vấn đề: Đã gần cuối tháng 3, ngoài kia đồng bào đang làm cỏ cho lúa xuân rồi mà tại Nà Khương đồng đất vẫn còn khá ảm đạm, lúa xuân mới cấy chừng gần 10% diện tích, còn rất nhiều ruộngchưa cày ải, nhiều ruộng còn chưa dẫn nước vào đổ ải, bừa rãi...? Anh Trung lưỡng lự giây lát rồi cho rằng, đó là “thói quen” của đồng bào tại đây. Lại hỏi: Vậy thì đến giờ này đồng bào mình có ai đói gáp hạt, đứt bữa không? Cô thư ký Văn phòng được mời lên báo cáo: Có 1 hộ thôi. Vậy tỷ lệ hộ nghèo của xã tính đến hết năm 2011 là bao nhiêu? Trả lời 156/466 hộ toàn xã. Chúng tôi có ý muốn gặp Chủ tịch xã để nắm bắt thêm tình hình cơ sở, thế nhưng Chủ tịch còn bận dọn vệ sinh sau cái ao của UBND xã, không tiếp khách? Hạt trưởng Kiểm lâm Quang Bình, anh Hoàng Ngọc Mai bảo rằng: Chủ tịch xã Nà Khương lâu nay vẫn...thế?
Trở lại vấn đề trồng cấy vụ xuân tại xã, Bí thư Đảng uỷ Long Đức Trung cho hay, đã rất nhiều năm xã đã kiên trì vận động, thuyết phục đồng bào địa phương làm cho đúng thời vụ chỉ đạo, nhưng “đâu vẫn hoàn đó” và gần như không thể thay đổi được thói quen của người dân nơi đây. Nói như anh Trung thì đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa các huyện trong tỉnh sao họ vẫn làm chuyển đổi tích cực, hiệu quả? Thực tế thì đồng đất ngay sát UBND xã là khu đồng khá rộng, thuận lợi nước tưới, đường giao thông... Thế nhưng, đến trung tuần tháng 3, khi mà lúa xuân các nơi đã bước vào giai đoạn sinh trưởng đẻ nhánh, thì tại Nà Khương đất vẫn “nửa thức, nửa còn ngủ yên”. Nhà báo Hiến Chương đã cùng tôi chụp vài kiểu ảnh để làm tư liệu, và đều rằng “đáng’”suy ngẫm lắm chứ ?!
Nói về yếu kém trong công tác chỉ đạo trồng cấy của chính quyền cơ sở, hay những “sức ì” của đại đa số đồng bào địa phương, Bí thư Đảng uỷ xã thừa nhận, đó là năng lực cán bộ còn yếu, chưa nhiệt tình trong công việc chung. Và thêm một lý do chính đáng của Bí thư Đảng uỷ nữa là anh mới nhận công việc, lại đi học suốt, nên ít có thời gian quan tâm đến công việc của xã, do vậy nên chưa sâu, sát, thực tế. Anh Trung cũng có ý đề nghị với lãnh đạo huyện Quang Bình xem xét, tăng cường thêm cán bộ có “năng lực” cho xã trong thời gian sớm nhất.
Thấy gì qua các con số
Nà Khương được tách ra từ xã Xuân Giang năm 1994. Tính đến thời điểm hiện nay, Nà Khương đã có trên 17 năm xây dựng, trưởng thành. Trước kia đường vào xã rất khó khăn.Đến hết năm 2011, được sự đầu tư của nhà nước, con đường vào xã đã cơ bản nhựa, bê tông hoá. Nà Khương có diện tích tự nhiên khoảng 3.053 ha. Dân số trên 2.600 khẩu với nhiều dân tộc Mông, Dao, Tày... sinh sống. Giờ này Nà Khương đã có khá đủ đầy cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển sản xuất, giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong đó có: Đường, điện, trường học các cấp, trạm y tế và cả một đội ngũ cán bộ, cả cán bộ tăng cường cho cơ sở. Địa bàn xã chỉ cách xã Xuân Giang 18 km khá thuận tiện cho giao thương. Nà Khương còn có diện tích đất đai khá rộng, nhiều rừng tự nhiên, rất giàu tài nguyên. Tính bình quân một người dân xã Nà Khương có trên 1 ha đất và đất rừng. Còn con số báo cáo năm 2011 cho thấy: Cấy lúa cả năm là 197,7 ha, ngô cả năm 200 ha, lạc 81 ha, đậu tương cả năm 128,2 ha, sắn trên 60 ha. Trong chăn nuôi có đàn trâu 1.062 con, lợn 1.562 con, dê 405 con. Thuỷ sản có trên 11 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản... Số đảng viên trong toàn Đảng bộ tính đến tháng 3.2012 là 208 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ trực thuộc. Thông qua con số thống kê báo cáo cho thấy, Nà Khương có đầy đủ điều kiện cho phát triển bền vững không thua bất cứ xã nào trong huyện Quang Bình. Vì Nà Khương có đủ nguồn tài lực, vật lực, có số lượng đảng viên khá lớn, rộng khắp các thôn bản. Cạnh đó còn có sự quan tâm “đặc biệt” của các cấp uỷ, chính quyền từ TƯ, tỉnh, huyện dành cho. Thế nhưng, đến nay, sau hơn 3 năm kể từ ngày xảy ra sạt lở năm 2008, tại thôn Tùng Cụm, Lùng Vi, nay trở lại Nà Khương lòng vẫn... buồn. Nói như ai đó, ngày nay Nà Khương đổi thay nhất là “rừng”... mất dần? Đồi núi thì trơ dần ra trên mỗi con đường vào xã, đi thôn. Ngược lại với nỗi “vơi” của rừng, thì con đường trở ra từ Trung tâm xã là những ruộng, nương bãi giờ này vẫn còn chưa cày ải, còn bỏ hoang, càng làm cho các câu hỏi bám theo chúng tôi không thể nào nguôi?
Ý kiến của cấp ủy
Trao đổi trực tiếp với anh Hoàng Ngọc Liên, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Quang Bình thấy rằng, các năm qua cấp uỷ cũng đã dành cho Nà Khương rất rất nhiều “ưu ái”. Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Kim Văn Phúc xác nhận: Trong hơn chục năm nay (kể cả giai đoạn còn thuộc huyện Bắc Quang) đã có tới ít nhất 5 lượt cán bộ cấp uỷ tăng cường cho Nà Khương. Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Hoàng Ngọc Liên cho rằng, huyện cũng đã rất cố gắng sắp xếp cán bộ tăng cường cho Nà Khương nhưng, xem ra sự chuyển biến còn chậm, còn khiêm tốn. Việc cán bộ còn chưa tương xứng huyện có biết, nhất trong tình hình hiện tại cũng có biết, thế nhưng không thể nóng vội được. Hứa hẹn sẽ điều chỉnh dần cho phù hợp. Còn chuyển biến là cả một quá trình? Chúng tôi không phủ nhận điều nói trên, chỉ có điều đã 5 lần luân chuyển cán bộ tăng cường cho Nà Khương, mà đến nay vẫn còn rất nhiều điều đáng quan tâm, nhiều câu hỏi cần lời giải đáp để Nà Khương vươn lên. Lời giải đó xin dành cho cấp uỷ, chính quyền các cấp./.
Ý kiến bạn đọc