Thực hiện Nghị quyết 30a Cp ở Xín Mần bài học từ thực tế
HGĐT- Mục tiêu Nghị quyết 30a Cp của Chính phủ là hỗ trợ các huyện có tỷ lệ nghèo cao trong cả nước giảm nghèo nhanh, phát triển bền vững. Sau hơn 3 năm thực hiện, Xín Mần đã có những biến chuyển tích cực, tạo ra nguồn: Nhân lực, vật lực, làm đà phát triển bền vững.
Nuôi bò hàng hoá ở thôn Súng Sảng (Xín Mần). |
Hỗ trợ trên yêu cầu thực tiễn địa phương
Có 2 điểm chính Xín Mần lựa chọn để xoá đói,giảm nghèo bền chắc đó là: Hạ tầng và nguồn nhân lực (con người). Doanh nghiệp được Chính phủ phân công phụ trách giúp Xín Mần là Ngân hàng Liên Việt – Công ty Cổ phần Him Lam. Cùng sát vai với Đảng bộ, chính quyền nơi đây còn có: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) và một số tổ chức tập thể khác cùng chung tay. Yêu cầu Xín Mần đưa ra được doanh nghiệp chấp thuận và coi đó là trách nhiệm để cùng gánh vác trong quá trình hỗ trợ thoát nghèo cho đồng bào vùng cao. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt, nhà tài trợ chính cho biết: Mục tiêu của doanh nghiệp sẽ giúp đỡ Xín Mần “kết nối” toàn bộ các hệ thống giao thông trên tất cả các trục, tuyến đường trong huyện Xín Mần. Hệ thống đó bao gồm các cầu nối, cầu treo. Xây dựng các nhà lớp học, các nhà lưu trú cho thầy, trò. Hỗ trợ đào tạo giáo viên, cán bộ y tế thôn bản. Tài trợ hệ thống nghe - nhìn cho giáo viên, các hộ nghèo. Đồng thời, hỗ trợ một phần vốn cho phát triển sản xuất. Trong các mục tiêu trên, doanh nghiệp chọn 2 điểm chính là: Hạ tầng giao thông – Đào tạo nguồn lực con người.
Sau thời gian triển khai thực hiện đến nay, Chương trình 30a tại Xín Mần đã có những chuyển biển cơ bản về “chất”. Công trình kết nối lớn nhất đó là cây cầu cứng Na Lan trị giá trên 19 tỷ đồng đã hoàn thành nối liền 2 bờ giữa xườn: Đông sông Chảy và xườn Tây của huyện Xín Mần. Khi cầu thông xe, thì đồng thời “khơi thông” toàn bộ hệ thống giao thương cho đồng bào của 5 xã phía Đông sông Chảy là: Tả Nhìu, Chế Là, Cốc Rế, Thu Tà, Trung Thịnh với hàng vạn dân cư đi lại, trao đổi, buôn bán. Theo kế hoạch đề ra, đến hết năm 2015, doanh nghiệp sẽ ủng hộ làm mới 7 cầu treo kiên cố thay thế cho các cầu treo đã cũ trên toàn huyện nối giữa các xã trong vùng với nhau, coi đó là các điểm nhấn để Xín Mần phát triển sản xuất, xoá nghèo. Cùng xây cầu là xây trường lớp học, nhà lưu trú cho thầy, trò. Tính đến hết năm 2011, các doanh nghiệp đã xây tặng cho Xín Mần trường: PTCS Liên Việt tại thị trấn Cốc Pài, trường Mần non II thị trấn Cốc Pài, trường Nội trú xã Xín Mần; Cải tạo, nâng cấp trường Mầm non I thị trấn Cốc Pài và 10 nhà lưu trú của 10 xã trong địa bàn. Xây dựng toàn bộ nhà lưu trú khép kín cho thầy, cô của trường PTCS Liên Việt. Trong toàn bộ hệ thống trường lớp học được tài trợ xây dựng được tài trợ mua sắm toàn bộ nội thất như, bàn ghế, bảng viết, giường ngủ, kể cả bàn ăn, bát đĩa... Các nhà tài trợ cho rằng: Đã tài trợ thì nên làm và đầu tư khép kín, tránh tình trạng “nửa vời”.
Đầu năm học 2011 – 2012, Ngân hàng Liên Việt đầu tư cho ngành Giáo dục huyện Xín Mần 1.000 bộ bàn ghế theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục đề ra. Tổng Công ty Hàng Hải bàn giao 10 nhà lưu trú cho thầy trò các xã.v.v... Ngoài cơ sở vật chất là sự đầu tư cho nguồn lực con người được đặc biệt trú trọng. Đã có 76 con em các dân tộc trong huyện được tài trợ học nghề. Trong đó có nghề Y sĩ thôn bản và giáo viên Mầm non. Hình thức hỗ trợ đào tạo “trọn gói” cả học nghề và bố trí việc làm sau đào tạo. Chỉ còn gần 1 năm nữa toàn bộ số học sinh trên sẽ trở thành nguồn lực cho quá trình phấn đấu xoá nghèo tại đây do “chính” con em Xín Mần tự làm, tự vươn lên trong nay mai. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt, ông Dương Công Minh cho rằng, để thoát nghèo triệt để thì không gì khác phải là “chính” họ, làm cho họ thoát nghèo! Và sự giúp đỡ của doanh nghiệp là giúp cho họ “biết” cách làm, để họ tự vươn lên là mục tiêu chính trong công tác hỗ trợ. Đi liền cách làm trên, Ngân hàng Liên Việt – Công ty Cổ phần Him Lam đã tặng cho đội ngũ giáo viên cắm bản, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa Xín Mần 400 chiếc ti vi màu để cập nhật thông tin, bồi dưỡng kiến thức. Và coi đó cũng là một cách giúp đỡ gián tiếp cho công tác tự xoá nghèo, xoá lạc hậu cho các đối tượng cần giúp đỡ.
Xoá nghèo tận gốc
Thành lập một doanh nghiệp đứng chân tại chỗ để thúc đẩy đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần là doanh nghiệp chuyên làm nhiệm vụ đó tại ngay địa bàn Xín Mần. Công ty hoạt động dựa trên nguyên tắc: Bảo toàn vốn ban đầu. Toàn bộ lãi có được trong quá trình làm ra được “đầu tư lại”cho công tác xoá đói, giảm nghèo tại địa phương. Nguyên tắc đầu tư của doanh nghiệp đứng chân địa bàn là: Đầu tư với lãi suất “bằng không” cho người sản xuất và thu mua 100% sản phẩm theo giá thị trường thời điểm cho nhân dân. Cách làm đó được cụ thể bằng các mô hình “liên kết” trồng cấy, chăn nuôi thông qua các tổ chức như: Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, các đoàn thể trong huyện. Các mô hình làm ăn được áp dụng như, chăn nuôi lợn đen, trồng ngô hàng hoá...
Toàn bộ sản phẩm làm ra được bao tiêu theo giá thị trường, có trừ các khoản đầu tư ban đầu. Lãi làm ra,nhân dân là người hưởng lợi. Làm theo các phương pháp khép kin từ trang bị kiến thức cho đồng bào, đến đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Tại các mô hình trên, toàn bộ thị trường, quá trình đầu tư, bao tiêu, do doanhnghiệp lo. Người dân chỉ tham gia một việc trong quá trình sản xuất. Trong 2 vụ ngô hàng hoá năm 2011 vừa qua nhân dân cho biết, làm ăn với doanh nghiệp rất tiện lợi, không phải lo điều gì, mức được hưởng rất cao so với cách làm cũ.Năm nay, ngay vụ ngô xuân này đã có trên 700 ha ngô hàng hoá, chiếm 1/3 diện tích ngô được trồng tại 18/19 xã, thị trấn. Ngoài ra còn nhiều mô hình làm ăn khác đang được triển khai nhân rộng. Hướng đầu tư hỗ trợ tiếp theo của các doanh nghiệp đỡ đầu tại Xín Mần cho biết: Doanh nghiệp sẽ cấp “không” vốn cho vay đối với các thầy cô giáo và các cựu chiến binh trong toàn huyện. Thời gian cho vay không lãi suất tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của người vay vốn. Sau thời gian vay, đến hạn trả lại “nguyên gốc”. Thời gian cho vay thông thường là 1 năm/lượt và không quá 36 tháng đối với tất cả các đối tượng vay vốn. Cách làm trên, Ngân hàng Liên Việt nhận định sẽ đủ thời gian, đủ vốn, tập trung cho công tác xoá đói nghèo tại Xín Mần khi kết thúc Nghị quyết 30a Cp. Đồng thời thông qua đội ngũ cựu chiến binh, đội ngũ trí thức có trong địa bàn huyện nhằm, tạo ra nguồn lực “đủ mạnh” giúp cho công tác xoá nghèo bền vững.
Việc kết nối hạ tầng giao thông cơ sở - đào tạo nguồn lực tại chỗ, kể cả đào tạo nghề - hỗ trợ vốn vay, liên kết sản xuất, đó là cách mà Xín Mần đang làm, doanh nghiệp đang giúp đỡ sẽ là lời giải cho bài toán thực hiện Nghị quyết 30a Cp tại đây hiệu quả nhất, bền chắc nhất. Cách làm tại Xín Mần cần được theo sát để đánh giá tổng kết, nhân rộng.
Ý kiến bạn đọc