Thấy gì trong việc đấu tranh “Giữ rừng” ở Nà Khương
HGĐT- Trước khi và Nà Khương tìm hiểu về việc cây rừng bị chặt hạ trái phép trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, các anh lãnh đạo huyện Quang Bình có cho biết: Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ trách nhiệm các đối tượng vi phạm (14 đối tượng), tiếp tục hoàn tất hồ sơ đưa ra truy tố trước pháp luật ít nhất 2 trường hợp. Đồng thời xiết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng trên phạm vi toàn huyện trong thời gian sớm nhất.
Cây gỗ Trai bị chặt hạ trái phép tại thôn Nà Pẻng, xã Nà Khương nằm trong rừng nguyên sinh đặc dụng. |
Hiện tượng chặt phá rừng
Thôn Nà Pẻng nằm ngay trên con đường vào xã Nà Khương được thiên nhiên ưu đãi có cánh đồng khá rộng, màu mỡ. Nà Pẻng cách trung tâm xã Nà Khương chừng trên cây số. Thôn có 43 hộ, chủ yếu là đồng bào Dao, La Chí sinh sống. Giữa tháng 3, trên cách đồng màu mỡ hoang hoá còn khá phổ biến. Hai cụ già chúng tôi gặp trên mảnh ruộng ven rừng cho hay rằng, trời rét dài ngày quá nên dân làng chưa thể cấy xuân được, nay trời ấm lên mới bắt đầu làm. Nhìn luống mạ xuân gieo trên ruộng còn đỏ lá, trắng búp làm chúng tôi không khỏi trạnh lòng!?
Nơi gốc cây Trai bị chặt hạ trong dịp Tết vừa qua chỉ mất gần mười lăm phút leo dốc là đến nơi. Đứng tại gốc cây bị chặt người ta có thể nói chuyện “to đôi chút” với người đi dưới đường nhựa dẫn vào UBND xã Nà Khương. Ấy thế, mà nó bị chặt một cách ngang nhiên, an toàn “nếu” không có sự tố giác của người dân quanh vùng với các cán bộ Kiểm lâm huyện. Những cây gỗ Trai có đường kính gốc hàng mét, rất khó có thế xác định đúng tuổi thọ của chúng, nhưng có lẽ phải mất vài trăm năm sinh trưởng mới có được như hôm nay. Gỗ Trai thuộc nhóm IIa, thường mọc trên các dải núi đá vôi. Ngoài gỗ tốt, bền, nó còn có tác dụng đóng góp cho sự đa dạng sinh học, bảo vệ sinh thái, môi trường bền vững. Theo xác định của Kiểm lâm Quang Bình, ngay tại Nà Pẻng cách cây gỗ bị chặt nêu trên không xa là một vài cây Trai khác cũng bị đốn hạ trong dịp Tết vừa qua. Xác minh bước đầu đã có không dưới 4 cây bị chặt, có khối lượng trên 18 m3. Số cây và gỗ trên Kiểm lâm huyện đã lập biên bản giao cho chính quyền sở tại trông giữ, quản lý. Nhưng ý kiến của huyện lại xác nhận khối lượng là trên gần 32 m3. Đáng lưu ý là ngay tại các khu rừng nguyên sinh được “nghiêm cấm” chặt phá, khai thác trên đây, hiện nay đã, và đang bị người dân địa phương phát, lấn chiếm, trồng cấy cây nông nghiệp. Hiện tượng trên, nếu không có biện pháp kiên quyết thì, rất khó có thể nói trước điều gì với những cách rừng nguyên sinh còn lại tại Nà Khương trong thời gian tiếp theo?
Hiện trạng: Rừng – Đất rừng tại Nà Khương
Theo con số thống kê Nà Khương có trên 3.000 ha đất tự nhiên, thì trong số đó chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên và đất rừng, đất nông nghiệp chiếm diện tích rất nhỏ chỉ khoảng 500 – 600 ha. Trước kia, sau ngày chia tách, thành lập xã thì Nà Khương chủ yếu là rừng nguyên sinh. Ngày nay, diện tích rừng tự nhiên của Nà Khương dần dần bị thu nhỏ lại. Đồng thời với rừng tự nhiên bị thu nhỏ là diện tích đất trống, đồi trọc cứ “nới rộng” mãi ra. Dọc tuyến đường từ thôn Bản Tát, xã Xuân Giang vào xã Nà Khương trước kia là rừng nguyên sinh chạy dọc. Ngày hôm nay, là đồi trọc chạy dọc vào tới UBND xã, chạy qua các thôn sâu bên trong là Tùng Cụm, Lùng Vi… Trong rất nhiều lần vào Nà Khương, nhưng mỗi lần vào là một lần thấy Nà Khương cứ “rộng mãi ra” cùng những khoảng đất trống, đồi trọc? Không chỉ có đồi trọc, đất trống, mà ngay cả diện tích đất ruộng, nương, bờ bãi dọc chiều dài của Nà Khương cũng dơi vào tình trạng bỏ hoang khá phổ biến? Tuy vài năm gần đây, năm nào báo cáo của xã cũng đề cập đến công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, năm nào cũng nêu cao tinh thần “ký cam kết” bảo vệ rừng.v.v… Thế nhưng hiện trạng thực tế lại phản ánh tựa như tấm gương “chiếu ngược”, rừng vẫn cứ bị xâm hại nghiêm trọng, đất đồi trống, trọc, thì như có phép màu dãn rộng…mãi ra!
Đâu là nguyên nhân?
Thường thì các biên bản xác định vụ việc xẩy ra có nói tới 2 nguyên nhân là chủ quan và khách quan. Theo chúng tôi đề cập việc đó như sau: Trước hết phải nói tới thủ đoạn của những kẻ ăn cắp rừng. Không khó để tìm hiểu câu trả lời đối với người dân sở tại vào rừng chặt gỗ, làm “điểm mở đầu” cho việc khai thác lâm sản “hợp pháp” từ rừng nguyên sinh nói chung, rừng nguyên sinh tại Nà Khương nói riêng. Đó là việc người dân địa phương “nhận tiền” của các đối tượng cần thu mua lâm sản. Nhận tiền công , thậm chí nhiều chỗ, nhiều nơi, người dân địa phương còn nhận cả “phương tiện như cưa máy, xăng dầu” của kẻ chủ mưu để vào chặt cây rừng. Không lấy gì làm khó khăn khi nhận ra điều nêu trên đó là: Ai, người dân nào đã báo cáo lại với nghành chức năng biết về việc cây rừng bị chặt hạ . Vì nếu không có thông báo trên, thì sao các ngành chức năng biết được mãi tít tắp, thậm trí đi cả nửa ngày mới tới chỗ cây bị chặt hạ? Hẳn là nguyên nhân, có yếu tố khách quan, thay cho việc phát hiện gỗ bị chặt, khai thác “chủ quan” như chúng ta thường thấy trên các báo cáo phát hiện mà các cơ quan chức năng thường lập biên bản, gỗ “vô chủ” rồi phát mại, thanh lý…? Và ngay sau đó, việc phát mại, bán đấu giá, ai là người ‘thắng cuộc”? Câu trả lời ai cũng nhìn thấy rất rõ, đó là “doanh nghiệp”, đây là câu hỏi lớn và cũng là câu trả lời, là một trong những nguyên nhân chính trong việc mất dần rừng hiện nay. Còn nếu cho đó chưa phải là lý do chính đáng. Xin thưa rằng, trong thực tế hiện nay có rất ít các hộ dân trong vùng rừng có gỗ quý, lại có “đủ” điều kiện dùng gỗ quý để làm nhà “mới” như trong tình trạng “cấm” việc khai thác sử dụng gỗ rừng tự nhiên như hiện nay? Phải chăng trả lời như trên hẳn là có cơ sở cho chúng ta lời giải đáp sự thật trong việc mất rừng hiện nay.
Một nguyên nhân nữa qua tìm hiểu thực tiễn cho thấy đó là sự yếu kém của bộ máy công quyền cơ sở. Chặt cây, phá rừng, khai thác gỗ quý hiếm. Rất nhiều cây gỗ to bị cưa, hay chặt đổ. Kèm theo cây bị chặt đổ kéo theo hàng loạt cây khác bị đổ theo gây ra tiếng động trời, ai cũng biết. Vậy thì bộ máy cán bộ tại đó sao không thấy, không biết, không kịp thời ngăn chặn? Mà cụ thể tại Nà Pẻng vừa đây là một ví dụ rất rõ, rất cụ thể minh chứng cho dẫn dắt nêu trên. Ngay buổi pv vào làm việc tại xã Nà Khương thì bản thân Chủ tịch xã có nhà, lại không tiếp, mà lảng tránh sự việc. Có nhiều ý kiến cho rằng,Chủ tịch xã lảng vì có “người nhà” liên quan đến những vụ phá rừng. Còn nếu Chủ tịch UBND xã liên đới thì, các cán bộ của các Ban, ngành, đoàn thể, các Chi bộ Đảng cơ sở ra sao lại không đấu tranh? Mà sự đấu tranh chỉ có được khi các cơ quan chức năng của huyện vào cuộc. Vậy là nguyên nhân yếu kếm ngay tại cơ sở đã rõ.
Nguyên nhân tiếp theo cần được nhìn nhận đó là pháp luật “còn có” khe hở. Theo Nghị Định 99/NĐ-TTg ngày 2.11.2009 của Chính Phủ quy định: Việc khai thác trái phép trên 10m3 trở lên mới khởi tố hình sự (đối với rừng phòng hộ đầu nguồn). Nắm được yếu điểm trên, các đối tượng chỉ khai thác “dưới” 10 m3 phòng bị phát giác cho… an toàn? Cho nên thời gian qua đã vô hình chung xẩy ra hàng loạt vụ phá rừng, khai thác lâm sản quý trái phép “không đủ’ điều kiện đưa ra vành móng ngựa. Dẫn đến việc khai thác rừng bị lợi dụng khai thác, chặt phá mỗi chỗ, một ít, nhiều chỗ góp lại “thành” mất rừng.
Đề xuất – Kiến nghị
Nhanh chóng đưa ra vành móng ngựa vụ phá rừng, khai thác gỗ tại Nà Khương như trên nêu. Củng cố lại bộ máy công quyền cơ sở sao cho hiệu quả trước nhân dân. Đi liền đó là củng cố lại khối Đại đoàn kết trong nhân dân để cùng giữ rừng. Người “giữ được” rừng không ai khác là nhân dân. Có những giải pháp chỉ đạo sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, mùa vụ, giúp đồng bào tăng gia sản xuất đảm bảo đời sống tại chỗ. Nhất thiết phải có biện pháp trồng, phủ xanh đất trống, đồi trọc tại Nà Khương càng nhanh, càng tốt.
Kiến nghị: Tuyệt đối không “phát mại” đối với tất cả các loại gỗ thu giữ được từ các vụ phá rừng, khai thác trái phép lâm sản một cách triệt để, nhằm ngăn chặn việc “tiếp tay” cho việc khai thác trái phép đối với toàn bộ nhóm, chủng loại, gỗ rừng “tự nhiên”. Đề nghị: Chính Phủ, các cơ quan liên quan, tỉnh sớm sửa đổi quy định còn “kẽ hở” trong Nghị Định 99TTg/NĐ – TTg ngày 2.11.2009 nêu trên, để tránh việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật xâm hại rừng như tình trạng đã nêu.
Ý kiến bạn đọc