Một số công trình điện đầu tư cho vùng khó khăn vẫn còn…khó khăn.
HGĐT - Trước những khó khăn và nhu cầu của người dân, những năm qua, các xã như Đồng Tiến, Thượng Bình, Tân Thành (Bắc Quang) đã được Chương trình 135 giai đoạn II đầu tư 4 công trình đường điện và trạm biến áp. Thế nhưng 2 - 3 năm trôi qua kể từ ngày khởi công các công trình đến khi được nghiệm thu, quyết toán, vùng khó khăn vẫn còn…khó khăn về điện.
Có công trình nghiệm thu xong hơn 2 năm vẫn nằm “đắp chiếu”, có công trình vẫn chưa thống nhất được với dân về cách cấp, đấu, mua bán điện. Vì thế, dù có nơi đường dây và điện đã chạy về đến đầu thôn, hoặc thậm chí đường dây điện chạy trên mái nhà dân nhưng người dân vẫn chưa có điện…
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc còn đặc biệt khó khăn. Từ khoảng năm 2009, các xã như Đồng Tiến, Thượng Bình và Tân Thành đã được đầu tư 4 công trình đường dây và trạm biến áp kéo điện về một số thôn khó khăn gồm: Công trình đường dây 0,4kv trạm biến áp thôn Cuôm và công trình đường dây 0,4kv sau trạm biến áp UBND xã Đồng tiến, cấp điện cho UBND xã và một số thôn lân cận; công trình đường dây 0,4kv cấp điện cho thôn Nà Pia và thôn Trung xã Thượng Bình; công trình trạm biến áp và đường dây 0,4kv vào thôn Tân Lợi, xã Tân Thành. Qua nhiều lần xác minh, làm việc, chúng tôi mới được biết, các công trình điện đầu tư ở 2 xã Đồng Tiến và Thượng Bình do BQL dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, còn công trình ở thôn Tân Lợi do Điện lực tỉnh làm chủ đầu tư…
Theo đó, dù đã được xây dựng và nghiệm thu, quyết toán khá lâu, nhưng đến thời điểm trước Tết nguyên đán vừa qua, cả 4 công trình đầu tư trên vẫn chưa thể đem điện đến cho các thôn khó khăn theo như mục tiêu của công trình đầu tư. Qua tìm hiểu được biết, 3 công trình đầu tư ở 2 xã Đồng Tiến và Thượng Bình đã được nghiệm thu từ tháng 12.2010 và đã được quyết toán, thậm chí có công trình được nghiệm thu từ tháng 10.2009 như công trình đường dây cấp điện cho thôn Nà Pia và thôn Trung (Thượng Bình). Còn công trình đường dây 0,4 và trạm biến áp xã Tân Thành cấp điện cho thôn Tân Lợi, xã cho biết đã nghiệm thu từ đầu năm 2010, mặc dù người dân ở Tân Lợi cũng tham gia đóng góp tiền để làm đường dây kéo điện về thôn, nhưng điện thì đến bây giờ dân vẫn đang chờ.
Anh Trần Văn Phẳng, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Quang cho biết, 3 công trình do BQL huyện làm chủ đầu tư, BQL đã nghiệm thu, bàn giao cho ngành điện. Lý do mấy năm trôi qua điện chưa đến được với dân là do chưa thống nhất được hình thức mua bán điện giữa Chi nhánh điện Bắc Quang và người dân. Do lượng sử dụng điện của bà con không nhiều, các hộ sống không tập trung nên việc thu tiền điện hàng tháng rất khó. Thế nên, nhà điện muốn dân mua theo hình thức công tơ tổng, các hộ dùng điện phải có một người đứng ra làm trưởng nhóm thu tiền nộp cho nhà điện. Bên cạnh đó, lãnh đạo các xã cũng cho biết, do nhận thức của người dân còn hạn chế, trông chờ nhà nước đầu tư đường dây đến sát nhà và muốn được mua theo hình thức bán lẻ, mua điện trực tiếp của nhà điện chứ không qua công tơ tổng. Từ sự chưa thống nhất đó nên mặc dù công trình điện đã được đầu tư, nhưng người dân vẫn chưa có điện.
Được biết, trước sự tham mưu của Ban Dân tộc huyện và sự chỉ đạo của UBND huyện Bắc Quang về việc xác minh các công trình điện xây dựng bằng nguồn vốn 135 giai đoạn II đã hoàn thành, nghiệm thu nhưng chưa được đóng điện, đồng thời giải quyết vấn đề tồn tại ở 4 công trình đầu tư trên. Qua đó, đến ngày 26 Tết nguyên đán vừa qua, bà con thôn Cuôm, thôn Phiến và thôn Chàm xã Đồng Tiến đã được đóng điện theo hình thức mua điện qua công tơ tổng. Đối với xã Thượng Bình, Bí thư Đảng ủy xã Lý Văn Phúc cho biết, kiến nghị mãi đến Tết vừa qua, bà con thôn Trung mới chấp nhận mua điện thông qua công tơ tổng và bầu một người làm trưởng nhóm thu tiền. Còn 34 hộ bà con người Mông ở thôn Nà Pia không nhất trí mua điện qua công tơ tổng nên đến nay vẫn chưa có điện.
Đối với công trình đường dây và trạm biến áp Tân Lợi (Tân Thành), sau khi làm việc với cơ quan chức năng, Ban Dân tộc huyện cho biết nguyên nhân là dù đã thi công song, công trình vẫn chưa đảm bảo các yếu tố an toàn trạm biến áp, an toàn đường dây và dây tiếp địa ở một số cột…nên không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, đóng điện. Không hiểu tại sao chỉ có nguyên nhân như vậy mà công trình phải nằm dài cùng mưa nắng hơn 2 năm qua mặc cho sự bức xúc của bà con thôn Tân Lợi ngày càng tăng dần. Theo như lãnh đạo xã Tân Thành và thôn Tân Lợi cho biết, để góp sức cùng Nhà nước kéo điện về thôn có gần 100% đồng bào là dân tộc La Chí này, xã và thôn đã vận động mỗi hộ đóng góp thêm 320.000 đồng kéo điện về thôn. Sau khi công trình hoàn thành, đợi mãi không có điện, bà con cũng như chính quyền thôn, xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng vẫn không thay đổi được gì.
Từ thực tế trên, vừa qua chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Điện lực Hà Giang, phía Điện lực tỉnh đã khẳng định sẽ nhanh chóng chỉ đạo tiến hành kiểm tra, hoàn thiện để giúp đồng bào dân tộc La Chí ở thôn Tân Lợi (Trung Thành) có điện trong thời gian sớm nhất. Đối với các công trình điện còn lại ở các xã Đồng Tiến, Thượng Bình rất mong điện lực Bắc Quang và các ngành chức năng cần xem xét, thống nhất để người dân những vùng khó khăn sớm được dùng điện. Qua đó, tránh để xảy ra tình trạng công trình đầu tư lãng phí. Về phía các xã cũng cần vận động nhân dân không trông chờ, ỉ nại vào sự đầu tư của Nhà nước, đồng thời có ý thức bảo vệ các công trình điện, tạo điều kiện cho ngành điện đảm bảo an toàn lưới điện.
Toan SắcK – Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc