Khó khăn của người dân Gia Vài
HGĐT- Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa, nhưng thôn Gia Vài, xã Phương Thiện lại có số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới gần như cả thôn. Đã có nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thế nhưng, cái nghèo vẫn bám riết lấy lấy người dân nơi đây...
Một góc thôn Gia Vài trên đất mới, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. |
Con đường độc đạo từ Ủy ban xã Phương Thiện dẫn vào thôn Gia Vài dài chừng khoảng 7 km, nhưng để đến được trung tâm thôn cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ chạy xe máy. Qua một đoạn suối tràn, vượt qua những khúc cua quanh co và “tận hưởng” cảm giác của độ sóc như ngồi trên lưng ngựa, chúng tôi có mặt tại thôn Gia Vài, thôn khó khăn nhất của xã Phương Thiện.
Thôn Gia Vài là nơi sinh sống của 38 hộ người dân tộc Dao, với 178 nhân khẩu. Là một thôn vùng cao của xã nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do địa hình chủ yếu là núi cao nên đất nông nghiệp để sản xuất chiếm một diện tích rất nhỏ. Theo anh Bàn Văn Ngưu, trưởng thôn Gia Vài thì diện tích đất trồng lúa của thôn chỉ có 6 ha, đất trồng ngô và các loại cây hoa màu khác cũng chỉ hơn 13 ha, bên cạnh đó thì nước tưới tiêu cũng chưa ổn định nên năng suất sản phẩm nông nghiệp không cao. “Khó khăn nhất là đường sá đi lại chưa được hoàn thiện, đất sản xuất không có, trình độ dân trí thấp, chỉ vài hộ có điện, chăn nuôi thì có vài nhà nuôi con lợn, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nên hầu như nhà nào cũng nghèo...”.
Là một thôn thuộc xã của Thành phố, thế nhưng cuộc sống người dân thôn Gia Vài lại thiếu thốn trăm bề. Thu nhập bình quân một tháng của người dân, theo như tính toán của trưởng thôn Bàn Văn Ngưu thì chỉ khoảng 400 nghìn đồng. Sản xuất nông nghiệp đôi khi không đủ ăn trong khi chăn nuôi không mang lại hiệu quả nên hộ nghèo trong thôn chiếm tỷ lệ cao. Trao đổi với đồng chí Vũ Trọng Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Phương Thiện, được biết thôn Gia Vài là thôn nằm trong vùng đất có nguy cơ sạt lở cao. Xã và Thành phố đã có chủ trương di dời các hộ dân nằm trong nguy cơ sạt lở về nơi ở mới, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn thì việc di dời có mục đích tập trung dân cư, thực hiện xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, đã di dời được 18 hộ nhưng trên thực tế trong số đó có 10 hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ. Khó khăn lớn nhất sau khi di dời là người dân không có đất sản xuất và thiếu thốn nhiều mặt. “Trên lý thuyết thì tập trung dân cư, dễ trong công tác quản lý và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do thói quen trước đây mỗi hộ có vườn, có ao, có đồi cây... nên ít nhiều cũng đáp ứng được nhu cầu bữa ăn hàng ngày, nhưng ra nơi ở mới ngoài việc được hỗ trợ 10 triệu đồng chỉ đủ để san lấp được một nền nhà, ngoài ra chưa có gì...”. Hiện tại, toàn thôn chỉ có 8 hộ xây dựng được nhà vệ sinh kiên cố và các hộ đã thực hiện tốt việc di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Tuy nhiên, ra nơi ở mới, người dân chưa có bể nước sạch, chưa đủ nước sinh hoạt và đặc biệt chưa có điện. Trưởng thôn Bàn Văn Ngưu, trăn trở mỗi lần tổ chức họp thôn rất vất vả, vì thôn chưa có trụ sở và nhà văn hóa nên phải mượn trường học hoặc nhà dân để họp.
Trong chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Gia Vài một lòng đồng thuận và nhiệt tình hưởng ứng. Hiện tại, bà con đang tiếp tục giải phóng mặt bằng làm đường dân sinh vào các hộ gia đình. Nhận thức của người dân qua việc tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới được nâng cao, nhưng bà con nhân dân trong thôn cũng mong muốn chính quyền các cấp có thêm những giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống trên đất mới.
Ý kiến bạn đọc