Khi ấm no về trên Ma Lé

17:18, 12/03/2012

HGĐT- Buổi chiều, trên đường vào xã Ma Lé (Đồng Văn), hình ảnh lũ trẻ nô đùa, nghịch ngợm sau đàn trâu, đàn bò no nê đang thủng thẳng về chuồng, khói lam chiều tỏa ra từ bếp của những ngôi nhà nằm san sát nhau bên chân núi khiến chúng tôi cảm nhận được hơi thở cuộc sống mới đang đến với người dân nơi đây. Hơi thở của ấm no, hạnh phúc và ổn định. Cuộc sống đang đổi thay từng ngày, trong đó phát triển chăn nuôi là một trong những hướng đi mà bà con ở Ma Lé rất chú trọng đầu tư.


 

 Chăn nuôi lợn, một hướng đi mới trong công tác XĐGN ở Ma Lé.


Tận dụng thuận lợi...

Ma Lé là một xã giáp biên giới với tổng chiều dài đường biên là 11,8 km. Toàn xã có 12 thôn, trong đó có tới 6 thôn biên giới, xã có 712 hộ với 3.753 nhân khẩu, bao gồm 6 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 85% dân số. Vượt lên trên những khó khăn về địa hình, trình độ dân trí, người dân ở Ma Lé với một quyết tâm thoát nghèo, đang từng bước khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế sẵn có để sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi.


Nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn không xa, đường vào Ma Lé bây giờ thuận tiện nên người dân có nhiều cơ hội trao đổi, giao lưu hàng hóa, học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư, hỗ trợ cây, con giống cũng như áp dụng KHKT vào sản xuất và chăn nuôi nên đời sống của người dân có nhiều biến chuyển rõ rệt. Trong câu chuyện với anh Hầu Mí Say, Chủ tịch xã Ma Lé về cuộc sống của bà con, anh cho biết: nền kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, so với một số xã khác trong huyện Đồng Văn thì Ma Lé được hưởng khá nhiều thuận lợi trong sản xuất. Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã có hơn 1.462 ha, tuy nằm trong “miền khát” nhưng Ma Lé lại được tạo hóa ưu đãi về lượng nước nên việc trồng lúa, ngô, các cây hoa màu luôn được chủ động.


Chính vì lẽ đó mà trong năm 2011, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã thường đạt và vượt kế hoạch được giao. Chỉ tính riêng cây ngô và lúa, tổng diện tích gieo trồng được 456 ha. Với việc thực hiện tốt cánh đồng thâm canh ngô điểm trên diện tích 5 ha cho năng suất đạt 48,3 tạ/ ha và triển khai thực hiện cánh đồng lúa điểm diện tích 3 ha cho năng suất bình quân đạt 79 tạ/ ha, đã tạo ra sự phấn khởi và niềm tin của người dân vào một cuộc sống no đủ. Đó cũng chính là tiền đề cho chăn nuôi phát triển, tạo ra một hướng đi mới trong việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) của xã.


...Để phát triển chăn nuôi, thoát nghèo bền vững

Xác định thấy chăn nuôi là một hướng đi hiệu quả, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, XĐGN mà còn tận dụng được quỹ đất trồng cỏ, tận dụng phân bón để sản xuất nông nghiệp, chính quyền xã Ma Lé thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân các phương pháp chăn nuôi hiệu quả cũng như biện pháp phòng, trị bệnh. Nhận thức được giá trị mang lại từ chăn nuôi nên bà con luôn có ý thức chăm sóc, nhân rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng vật nuôi. Được hỗ trợ từ các nguồn chính sách ưu đãi và sự quan tâm hướng dẫn của cán bộ thú y, cộng với ý thức chăm lo của người dân nên đàn gia súc của xã Ma Lé phát triển ổn định. Hiện nay, đàn gia súc của xã lên tới 4.994 con. Trong đó, đàn trâu có 192 con, đàn bò 1.702 con, đàn dê 1.602 con, đàn lợn 1.498 con, đàn gia cầm có khoảng trên 10.650 con. Bên cạnh đó, cán bộ thú y các thôn thường xuyên hỗ trợ trong công tác phòng, trị dịch bệnh, nhất là khi tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài vào cuối năm, đồng thời tổ chức tiêm phòng được 8.834 liều vắc xin cho đàn gia súc.


Do sản xuất nông nghiệp đạt năng suất và sản lượng cao nên không chỉ đáp ứng nhu cầu về lương thực mà còn tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển mạnh. Ngoài việc tận dụng lợi thế của xã đa phần là núi đất, thuận tiện cho việc chăn thả, bà con xã Ma Lé luôn tích cực và chủ động trồng cỏ để dự trữ thức ăn cho gia súc. Hướng đi của người dân xã Ma Lé không chỉ tập trung vào nuôi trâu, bò để tận dụng sức kéo, mà hầu hết các gia đình đều chăn nuôi lợn và đang phấn đấu phát triển thành hàng hóa với quy mô rộng. Dạo một vòng quanh thôn Ma Lé, một thôn nằm giữa trung tâm xã, khi được hỏi về tình hình chăn nuôi lợn của các hộ gia đình, chúng tôi nhận thấy rõ niềm vui hiện trên từng nét mặt của người dân.


Dừng chân tại nhà anh Hoàng Hồng Quang, một trong những hộ điển hình trong chăn nuôi lợn ở thôn. Sau cái bắt tay đầy nhiệt tình, anh Quang phấn khởi: “ở đây nhà nào cũng nuôi lợn, được cái nhà mình có máy xay xát, tận dụng thêm được ít cám gạo, bột ngô nên cũng chăn nuôi nhiều một chút. Cuộc sống giờ đã bớt khó khăn hơn nhiều rồi”. Anh nhiệt tình chỉ cho chúng tôi xem cách chăn nuôi của gia đình, từ cách ủ bột ngô lên men tới việc ngăn chuồng trại. Theo cách làm của anh thì lứa lợn nào đến lúc vỗ béo sắp xuất chuồng thì cần phải tách rời và có chế độ ăn riêng. Bên cạnh sự giúp đỡ của cán bộ thú y trong việc tiêm phòng dịch bệnh thì việc chăm sóc đàn lợn luôn đảm bảo chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông là rất quan trọng để đàn lợn phát triển tốt. Gia đình anh và một số hộ trong thôn đã nắm được nhu cầu người mua nên thường tập trung nuôi lợn đen, vì có giá cao trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được biết, gia đình anh nuôi hơn chục con lợn một lứa, chỉ khoảng từ 5-6 tháng là xuất chuồng, như vậy mỗi năm có thể nuôi được 2 lứa lợn. Trừ mọi chi phí thì gia đình anh thu được khoảng 30 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn. Trước đây, do chưa biết chăn nuôi nên gia đình gặp khá nhiều khó khăn, loay hoay mãi vẫn không thoát được nghèo. Từ khi tập trung chăn nuôi lợn thì cuộc sống đã khá giả hơn, thoát được nghèo từ hơn 3 năm nay.


Cũng giống như gia đình anh Quang, các hộ trong xã Ma Lé ngày càng biết phát huy thế mạnh chăn nuôi, ổn định kinh tế gia đình. Tính đến cuối năm 2011, số hộ nghèo của xã chỉ còn chiếm 60,25%, giảm 7,85% so với năm trước. Hướng đi mới của xã Ma Lé trong năm nay, qua trao đổi với Chủ tịch xã, anh Hầu Mí Say, thì bên cạnh việc tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện cả về trồng trọt và chăn nuôi, gắn với xây dựng nông thôn mới thì xã có chủ trương chú trọng phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò, dê, lợn trên địa bàn xã. Phấn đấu trong năm nay, có trên 50% số thôn mỗi hộ có từ 2 con bò nuôi trở lên. Cùng với đó thường xuyên tăng cường, chủ động trong công tác thú y, chăm sóc cho đàn gia súc phát triển mạnh.


Từ những kết quả trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi mang lại, đời sống của bà con xã Ma Lé đang dần ấm no từng ngày. Chính vì vậy mà nhu cầu về giáo dục, chăm sóc y tế, tình hình quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo và giữ vững.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công tác Lao động, việc làm ở tỉnh: Giải quyết việc làm cho hơn 15.500 lao động
HGĐT- Trong năm 2012, Sở Lao động TB&XH sẽ giải quyết việc làm cho hơn 15.500 lao động trong tỉnh. Đây là mục tiêu trước mắt của Sở Lao động TB&XH nhằm giải quyết việc làm cho lao động nhàn dỗi ở tỉnh, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo ở các huyện khó khăn.
12/03/2012
Công ty Cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu: Bàn giao Nhà Đại đoàn kết tại xã Sơn Vĩ
HGĐT- Chia sẻ với những khó khăn của các hộ nghèo xóm Dìn Phàn Sán, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, ngày 10.3, Công ty Cảng dịch vụ dầu khí thành phố Vũng Tàu phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng (CHBP) tỉnh và huyệnMèo Vạc tổ chức Lễ bàn giao Nhà Đại đoàn kết tại xóm Dìn Phàn Sán, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc.
12/03/2012
Trung tâm chăm sóc khách hàng - Tập đoàn Viễn thông Quân đội tặng quà học sinh nghèo xã Vần Chải
HGĐT- Thực hiện Chương trình “Áo ấm cho trẻ em nghèo vùng cao”, ngày 10.3, Đoàn công tác của Trung tâm chăm sóc khách hàng – Tập đoàn Viễn thông Quân đội do đồng chí Phạm Thị Thanh Vân, Giám đốc, làm Trưởng đoàn, phối hợp với Chi nhánh Viettel Hà Giang đã tổ chức đến thăm, tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Trung học cơ sở và Tiểu học xã Vần Chải (Đồng Văn).
12/03/2012
Mỗi người tham gia giao thông hãy có trách nhiệm với bản thân
HGĐT- Năm 2012 được xác định là "Năm an toàn giao thông". Mục tiêu đặt ra, phấn đấu giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí gồm số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, Báo Hà Giang mở chuyên mục an toàn giao thông (ATGT) với định kỳ 2 mục/tháng.
09/03/2012
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.