Công tác An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ năm 2012 ở tỉnh
Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
HGĐT- Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 14, Ban chỉ đạo của tỉnh năm nay tiếp tục triển khai các hoạt động với mục tiêu cải thiện điều kiện việc làm cho người lao động.
Những thành tựu đã đạt được
An toàn vệ sinh lao động(ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ (PCCN) là các hoạt động nhằm loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất; tạo điều kiện lao động thuận lợi và ngày càng được cải thiện tốt hơn để ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau, giảm sút sức khỏe cũng như những thiệt hại khác đối với người lao động; đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng người lao động. Các hoạt động chính của công tác ATVSLĐ – PCCN bao gồm: cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; thực hiện chế độ chính sách về ATVSLĐ; thực hiện phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp”; tập huấn ATVSLĐ và đăng ký các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; đề phòng tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp; phòng chống cháy nổ. Trong năm qua, công tác ATVSLĐ – PCCN của tỉnh đã có nhiều bước chuyển biến tích cực góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Theo báo cáo của Sở Lao động TB&XH, năm 2011 toàn tỉnh có 1.210 doanh nghiệp và 699 hợp tác xã với khoảng 52.995 người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hợp tác xã. Với số lượng người lao động lớn như vậy, việc đảm bảo ATVSLĐ – PCCN cho người lao động là một việc làm cần thiết và thường xuyên. Trong năm qua, nhìn chung tình hình điều kiện việc làm cho người lao động ở nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế của tỉnh đều được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mua sắm máy móc thiết bị để sản xuất, giảm cường độ lao động cho công nhân, mua sắm trang bị bảo hộ lao động và có nhiều sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc có hiệu quả. Đối với việc thực hiện trang cấp phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động đã được các đơn vị như: Viễn thông Hà Giang, Công ty cổ phần Thủy điện Thái An, Công ty Thủy điện Nậm Mu... thực hiện tốt với việc trang bị quần áo, mũ, giầy, dây an toàn, lưới an toàn... hàng năm trị giá hàng trăm triệu đồng. Thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại cho người lao động cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm như: Công ty Xăng dầu Hà Giang, Công ty cổ phần khoáng sản Hà Giang... tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật như đường, sữa, hoa quả. Nhằm cải thiện môi trường lao động, giảm bớt ô nhiễm phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp” đã được tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp duy trì và hoạt động có hiệu quả với mạng lưới an toàn vệ sinh ở cơ sở. Sở Lao động TB&XH cũng đã tổ chức các lớp huấn luyện nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ cho các cán bộ xã, phường, thị trấn và các lớp huấn luyện cho người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại các doanh nghiệp.
Về vấn đề tai nạn lao động và cháy nổ trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ tai nạn lao động làm 08 người bị thương; xảy ra 19 vụ cháy và 01 vụ nổ làm thiệt hại 1.527 triệu đồng, mất 1,5 ha rừng các loại trong đó khu vực thành phố Hà Giang có 16 vụ. Bước đầu đã giảm được số người bị thương, số vụ tai nạn lao động, thiệt hại về rừng và số tiền thiệt hại trong các vụ tai nạn trên. Việc khám sức khỏe định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động được thực hiện tốt. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và các huyện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 3.903 lao động tại các doanh nghiệp chiếm khoảng 21% số lao động cần khám sức khỏe. Ngoài ra, đã tổ chức các lớp tập huấn về việc hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp... cho cán bộ y tế.
Nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc
Mặc dù đã thực hiện tốt công tác ATVSLĐ – PCCN song năm 2011 vẫn còn một số tồn tại như sự thiếu quan tâm chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đến công tác ATVSLĐ – PCCN, coi công tác này là trách nhiệm của doanh nghiệp. Việc tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được thường xuyên. Các đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng hệ thống quản lý công tác bảo hộ lao động (BHLĐ), ATVSLĐ lán trại, nơi ăn chốn ở, điều kiện làm việc và môi trường lao động chưa được cải thiện. Vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố gây nguy hại đến người lao động, nhất là trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản và xây dựng công trình thủy điện. Người lao động chưa được huấn luyện về công tác ATLĐ và xác định mối nguy hiểm trong sản xuất, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số vụ tai nạn lao động đáng tiếc gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng người lao động. Bên cạnh đó, một số người lao động cũng chưa chấp hành việc mang trang phục BHLĐ cá nhân khi làm việc. Hơn nữa, lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, HTX đa số là lao động thời vụ, ngoại tỉnh công việc mang tính chất luân chuyển nên khó triển khai thực hiện công tác BHLĐ. Công tác BHLĐ, ATVSLĐ cho người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm, việc quản lý tai nạn lao động và hóa chất bảo vệ thực vật chưa được thực hiện.
Chính vì vậy năm 2012, Ban chỉ đạo ATVSLĐ – PCCN của tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức Tuần lễ quốc gia, tạo thành khí thế sôi nổi thường xuyên trong công nhân lao động, cổ vũ và thúc đẩy thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ – PCCN. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, huấn luyện về công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Với sự quyết tâm của các sở, ban, ngành trong tỉnh vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, công tác ATVSLĐ – PCCN năm nay sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực và thực hiện có hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc