Cao nguyên đá Đồng Văn đổi mới
HGĐT- Trung tuần tháng 3 vừa qua, Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức cho các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của tỉnh đã nghỉ hưu trước năm 2006 đi tham quan mô hình kinh tế và cơ sở công nghiệp của huyện tại các huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh.
Đoàn cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thăm vườn hoa hồng của Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng. |
Tôi thật may mắn khi được ngồi cùng xe với hai người "nổi tiếng" của đồng bào dân tộc Mông Hà Hiang, đó là ông Sùng Đại Dùng, nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang sau khi tách tỉnh năm 1991 và ông Vừ Mí Kẻ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang rồi Hà Tuyên.
Suốt chặng đường dài hàng 1.000 km, đi đến nhiều điểm, tôi đã ghi lại những cảm nhận của hai ông về các huyện trên cao nguyên đá đang đổi mới.
Ông Sùng Đại Dùng và ông Vừ Mí Kẻ đều là người dân tộc Mông, năm nay đã trên 80 tuổi và là người sinh ra, lớn lên trên cao nguyên đá Đồng Văn đầy gian khó. Hai ông là những người dân tộc Mông đầu tiên ở Hà Giang sớm được Đảng, Bác Hồ giác ngộ để trở thành cán bộ cách mạng từ năm 1948. Và sau này, ông Dùng và ông Kẻ đều trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Tuyên và Hà Giang. Hai người con của đồng bào dân tộc Mông sinh ra và lớn lên trên vùng đất khó, kiên định theo Đảng, Bác Hồ và trưởng thành từ đó. Hai ông trở thành những con người “huyền thoại” trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời công tác với mảnh đất đầy gian khó nên các hai ông rất hiểu vùng đất này, biết về những khó khăn khi xưa và cảm nhận thấy sự đổi mới, chuyển mình của vùng cao hôm nay.
Suốt chặng đường dài hàng 1.000 km, qua nhiều điểm ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh, không chỗ nào là các ông chưa biết và chưa từng đặt chân đến, từ các xã Sơn Vĩ, Xín Cái (Mèo Vạc) xa xôi cho đến Phó Bảng (Đồng Văn), Bạch Đích (Yên Minh), Thái An (Quản Bạ)... Chuyến đi dài, qua nhiều địa phương, đến nhiều điểm nhưng chỉ mất gần 4 ngày, hai ông vui vẻ thổ lộ: Trước kia, nếu đi hết các điểm như hôm nay chắc phải mất từ 1 đến 2 tháng, bởi ngày đó đường đi lại khó khăn lắm, chỉ toàn là đi bộ. Bây giờ đi lại thật sung sướng, qua hàng 1.000 km trên các huyện vùng cao mà chỉ trong vài ngày. Có được điều đó là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường giao thông. Đó là sự đầu tư đúng đắn và rất cần thiết cho vùng cao Hà Giang. Chỉ có đường giao thông thuận tiện mới kéo gần khoảng cách miền núi với miền xuôi; chỉ có đường mới giúp người dân phát triển kinh tế tốt hơn, xóa được cái đói, giảm được cái nghèo và tiếp thu được nhiều cái mới. Dù vậy, khi vào các xã Sơn Vĩ, Xín Cái (Mèo Vạc), ông Sùng Đại Dùng còn điều trăn trở, ông cho biết: “Đường sá cơ bản đã được đầu tư tốt rồi, nhưng đường vào các xã biên giới của huyện Mèo Vạc vẫn còn khó khăn qúa, đoạn đường làm nửa chừng chưa xong nên đoạn cuối con đường vào các xã còn khó khăn quá. Đảng, Nhà nước cần phải sớm đầu tư vốn để hoàn thiện con đường này bởi nó không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế mà nó giúp ta giữ gìn an ninh biên giới tốt hơn”.
Trong chuyến đi lần này, ông Dùng, ông Kẻ cùng đoàn được vào thăm các cơ sở công nghiệp của tỉnh trên các huyện vùng cao như: Nhà máy Thủy điện Nho Quế III, Thái An, Bát Đại Sơn; Nhà máy Chế biến quặng Ăngtimon Mậu Duệ, Sơn Vĩ. Ông Dùng, ông Kẻ rất vui vì giữa vùng đất hẻo lánh, xa xôi mà có những nhà máy to, hoành tráng không kém gì dưới xuôi mà những ngày các ông còn đang công tác còn là niềm mơ ước. Ông Sùng Đại Dùng tâm sự: “Vùng cao phía Bắc ít đất, nhiều đá, khí hậu lại khắc nghiệt. Trước bà con trồng ngô, trồng lúa giống cũ, nuôi bò, nuôi lợn tự cung, tự cấp nên nghèo đói. Nay đời sống có khá hơn trước vì biết trồng ngô, lúa giống mới cho năng suất cao, biết chăn nuôi hàng hóa thế nhưng cũng rất ít người khá lên được. Muốn phát triển phải có những nhà máy to, thu hút nhiều lao động để thanh niên địa phương vào làm, vừa có tiền lại tiếp thu được nhiều cái mới”. Nhà máy mọc lên trên vùng cao là tốt, nhưng phát triển công nghiệp cũng cần phải bảo vệ môi trường, nhất là những nhà máy chế biến, khai thác khoáng sản, phải biết trồng nhiều cây xanh hơn nữa để môi trường trong lành hơn. Đến thăm Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng (Đồng Văn), được cán bộ Trung tâm dẫn đi thăm vườn hoa hồng, vườn ươm giống các loại cây, khu chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp... ông Vừ Mí Kẻ vui vẻ nhận định: “Cán bộ ở Trung tâm giờ rất trẻ, có trình độ, năng lực, giám nghĩ, giám làm. Thời chúng tôi, nơi đây chỉ trồng xu hào làm giống, giờ nơi đây trồng, chăm sóc, ươm giống nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, hợp với thị trường hơn như hóa hồng, giống đào, mậm, lê, rau hoa... Làm tốt như hôm nay là niềm tự hào, nhưng Trung tâm cần hướng dẫn cặn kẽ, kiên trì chỉ bảo cho bà con vùng cao tiếp thu và đưa vào trồng những giống cây, giống con đúng quy trình kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao”.
Khó khăn về nước sinh hoạt là nỗi ám ảnh cả đời người dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó có ông Dùng, ông Kẻ. Chặng đường dài vùng cao, nước sinh hoạt là vấn đề hai ông mong mỏi tìm kiếm, thăm hồ treo chứa nước Thài Phìn Tủng và qua nhiều hồ chứa khác, khuôn mặt ông Dùng, ông Kẻ như vui hơn, hai ông tâm sự: “Hồ “treo” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho bà con rất hiệu quả và đáp ứng mong mỏi ngàn đời của người dân nơi đây. Tuy nhiên, Thủ tướng cần phải xây thêm nhiều hồ nữa vì nhiều nhiều nơi vẫn còn thiếu nước. Đặc biệt, khi xây dựng hồ, ngành chức năng cần xác định rõ vị trí cho phù hợp, nhất là phải đảm bảo chất lượng hồ tốt, đáp ứng yêu cầu giữ nguồn nước cho bà con”.
Kết thúc chuyến đi, ông Sùng Đại Dùng và ông Vừ Mí Kẻ cảm nhậnvùng cao phía Bắc đổi mới nhiều, niềm vui nhiều nhưng vẫn còn những khó khăn và chưa được. Ông Kẻ bảo: “Vùng cao đổi mới là rõ ràng, đời sống của người dân khá lên nhiều nhưng chỉ có điều là rừng càng ngày càng ít. Trước kia chỗ nào cũng có rừng, nay thì toàn đồi, núi trọc. Thế nên cùng với phát triển kinh tế, chính quyền và người dân phải quan tâm bảo vệ và trồng rừng. Trên vùng cao núi đá thì nên khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho cây rừng phát triển tự nhiên, những vùng núi đất ở Đồng Văn, Yên Minh nên trồng cây thông, cây sa mộc, đó là những loại cây này hợp vùng cao mà nó còn giải quyết được chất đốt cho bà con khi bà con chặt, tỉa cành”. Ông Sùng Đại Dùng cho biết thêm: “Nhà nước đang thực hiện chương trình quy tụ dân cư, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ sống lẻ tẻ trên sườn núi cao, cần phải huy động bà con ở tập trung hơn nữa, bởi dân có sống tập trung thì việc tuyên truyền mới tốt. Bà con sống tập trung mới tự bảo vệ được mình trước bọn xấu. Nhà nước cũng thuận tiện trong việc đầu tư điện, đường, trường, trạm”...
Sau khi tham quan các huyện vùng cao phía Bắc và Bắc Mê, ông Dùng, ông Kẻ cùng đoàn cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tiếp tục đi các huyện phía Tây và các huyện vùng thấp để chứng kiến sự đổi mới một cách toàn diện của quê hương Hà Giang, trong sự đổi mới hôm nay có nền tảng thành quả là công sức của các thế hệ trước, trong đó có hai ông.
Ý kiến bạn đọc