Cần có giải pháp hữu hiệu để cứu rừng
HGĐT- 381 vụ vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng được phát hiện năm vừa qua đã phản ánh nỗ lực của lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng. Nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi còn rất nhiều vụ việc đã xảy ra chót lọt nên không bị phát hiện.
Và để cứu rừng, đòi hỏi ngành Kiểm lâm, cấp uỷ, chính quyền các cấp, mỗi người dân cần nỗ lực nhiều hơn nữa, không nương tay với "lâm tặc" và cả "cán tặc".
Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2011 vừa được ngành Kiểm lâm tổ chức trong bối cảnh có rất nhiều luồng dư luận đa chiều về vai trò, trách nhiệm cũng như lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ kiểm lâm trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ. Tại hội nghị này, lần đầu tiên ngành Kiểm lâm nêu công khai vấn đề từ lâu vẫn chỉ được coi là dư luận: Công tác bảo vệ rừng trước hết là trách nhiệm của toàn dân, của các cấp, ngành và toàn xã hội, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu. Nhưng những năm qua, ngành Kiểm lâm chưa thực sự tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; biên chế thiếu, trình độ nghiệp vụ bất cập; có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xuất hiện nhiều tiêu cực trong lực lượng, gây mất đoàn kết và bất bình đối với dư luận xã hội.
Theo nhận định của ngành Kiểm lâm: Năm 2011 vừa qua, tỉnh ta đã bước qua quãng thời gian 8 năm thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Nhìn chung, việc triển khai luật nghiêm túc, tạo bước chuyển biến lớn về nhận thức của các cấp, các ngành và mọi người dân về nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ năm sau cao hơn năm trước (tăng từ 53,3% năm 2010 lên 54,2% năm 2011). Sở dĩ có những kết quả đó, trước hết do sự quan tâm của cấp trên đã coi việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng, gắn công tác quản lý, bảo vệ rừng với triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách về đẩy mạnh, phát triển kinh tế rừng... đây là hướng đi tích cực được mọi người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, những nhận định trên, không hiểu do ngành Kiểm lâm không phân tích, đánh giá đúng tình hình hay do ngại va chạm, không dám nói đủ, nói đúng sự thật để cùng nhau rút kinh nghiệm. Phải thừa nhận, với chính sách đầu tư của Nhà nước liên quan đến việcphát triển rừng, thì về mặt cơ học, tỷ lệ che phủ rừng có tăng lên. Nhưng chất lượng rừng liệu có tăng khi mỗi năm có hàng trăm vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện, tính chất, quy mô vụ sau cao hơn vụ trước. Đơn cử như năm 2011, toàn tỉnh phát hiện 381 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản tịch thu trên 600 m3 gỗ quy tròn, các hành vi vi phạm chủ yếu khai thác rừng trái phép, mua bán, cất trữ, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép.
Con số trên được đánh giá giảm hơn so với năm 2010, nhưng đấy là phần nổi của tảng băng chìm, bởi lẽ sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh đã phần nào khiến các đối tượng đầu nậu, lâm tặc, “cán tặc” phải nằm im, chờ thời cơ. Trên những cánh rừng hàng trăm năm tuổi đang ngày bị rút ruột, tốc độ trồng mới rừng mỗi năm có sánh được với bàn tay đen đang ngày đêm tàn sát rừng, tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng ngày càng đi xuống! Bên cạnh đó, không phải mọi cấp chính quyền đều nhận thức đủ, đúng, có quan điểm, chính kiến trong quản lý bảo vệ rừng. Tại Quyết định 245/1998/TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trách nhiệm của người đứng đầu từng cấp chính quyền về bảo vệ phát triển rừng. Nhưng từ ngày Quyết định 245 ra đời đến nay, không biết người đứng đầu các cấp chính quyền có nắm được hay không mà tại các địa bàn điểm nóng như Minh Tân, Thanh Thuỷ, Ngọc Linh, Ngọc Minh (Vị Xuyên); Quyết Tiến, Tả Ván (Quản Bạ); Minh Sơn, Lạc Nông (Bắc Mê) tình trạng phá rừng vẫn xảy ra?
Còn nhớ, ngay khi xảy ra sự cố cán bộ kiểm lâm Trịnh Quang Trung ở Hạt Kiểm lâm Quản Bạ bị lộ về hành vi tiếp tay cho “lâm tặc” Chi cục trưởng Kiểm lâm Hoàng Ngọc Tường có công văn nhắc nhở thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tập trung rà soát, xử lý ngay những cán bộ có biểu hiện tiêu cực, lạm dụng quyền hạn, tiếp tay cho “lâm tặc”, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, nhũng nhiễu làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng không biết việc thực hiện của thủ trưởng các đơn vị như thế nào, chỉ biết rằng đến nay vẫn không rà soát, xử lý được ai!
Từ trước đến nay, hễ địa bàn nào xảy ra tình trạng phá rừng, ta đều quy nguyên nhân do đói nghèo, người dân không có thu nhập nên phải vào rừng khai thác gỗ, tiếp tay cho các đầu nậu. Nhưng có hai nguyên nhân mới được đề cập thời gian gần đây đó là: Việc buôn bán lâm sản, đặc biệt các loại gỗ quý, hiếm có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận lớn nên đã kích thích “lâm tặc” tàn phá rừng không thương xót; do chế tài xử phạt còn nhiều bất cập nên không đủ sức dăn đe những kẻ hám lời. Vì thế mới có chuyện rất nhiều hộ dân ở các thôn, xã đang điểm nóng như Minh Tân, Tả Ván, bất chấp sự quản lý của xã, thôn, các quy định quản lý biên giới, hệ thống cán bộ thôn hoạt động ít hiệu quả nên để xảy ra tình trạng phá rừng rất gay gắt; cũng vì thế mới có chuyện cán bộ xã là người tổ chức phá rừng, cán bộ kiểm lâm giao búa cho “lâm tặc” đóng vào gỗ để vận chuyển trái phép. Vì thế, ngành chức năng cần nhanh chóng đề ra những giải pháp hữu hiệu và đủ mạnh để cứu rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh.
Nhìn thẳng, nói thật để cứu lấy rừng đó là tâm trạng chung của những cán bộ thực sự có tâm huyết với rừng, bởi lẽ nếu không dám đương đầu với bất cập thì không thể làm tốt được nhiệm vụ được giao. Vì vậy, nhiều cán bộ đã đồng tình với quan điểm việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng phải được triển khai một cách bài bản, đồng bộ, gắn với địa bàn dân cư và phải thực sự có chất lượng, tránh biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích như vẫn làm trước kia. Muốn giảm thiểu từng bước, đi đến chấm dứt các vụ vi phạm cần đẩy mạnh giao đất để trồng rừng kinh tế, tổ chức giao rừng, cho thuê rừng có chủ quản lý, đây chính là mô hình quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả nhất; xốc lại hoạt động của hệ thống cán bộ thôn, bản, sau mới đi vào trọng tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức chốt chặn các tuyến đường mòn “lâm tặc” thường xuyên vận chuyển gỗ qua biến giới. Trong tháng 3 tới, ngành Kiểm lâm sẽ tiến hành điều chỉnh lực lượng để bổ sung, tăng cường cán bộ cho những địa bàn xung yếu; phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, ngăn chặn, tổ chức phát động nhân dân tố giác những đối tượng thường xuyên khai thác, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép.
Bên cạnh các biện pháp đó, ngành Kiểm lâm cần thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm, cương quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ thì bố trí việc khác phù hợp hoặc cho chuyển công tác; tiếp tục kiện toàn, tăng cường kiểm lâm địa bàn xã để tham mưu phát triển rừng tại gốc, đảm bảo đủ lực lượng kiểm tra, giám sát nguồn gốc lâm sản tại các tụ điểm tập kết, chế biến, tiêu thụ gỗ, phát hiện, ngăn ngừa, chấm dứt hành vi gian lận, quay vòng hồ sơ để hợp thức hoá gỗ, lâm sản bất hợp pháp; đơn vị nào để cán bộ, công chức vi phạm các quy định của ngành, sách nhiễu, nhận hối lộ hoặc có hành vi tiêu cực, ngoài việc xử lý nghiêm đối với công chức vi phạm, thủ trưởng đơn vị đó phải bị xử lý về trách nhiệm quản lý, tập thể, lãnh đạo, cá nhân có liên đới không được xét danh hiệu thi đua trong thời hạn ít nhất một năm...
Ý kiến bạn đọc